Loại gia vị Việt Nam đứng đầu thế giới về xuất khẩu: Hóa ra có rất nhiều tác dụng

Thứ tư - 13/11/2024 00:00
 

Việt Nam hiện đang là nước đứng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu loại gia vị này.

Việt Nam xuất khẩu hồ tiêu số 1 thế giới

Hồ tiêu là cây trồng chủ lực của Việt Nam, mang lại giá trị kinh tế lớn và là một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu chính của nước ta. Theo thông tin trên báo Người Lao động, Việt Nam đứng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu trong hơn 20 năm qua.

Tạp chí Nhịp sống Thị trường mới đây cũng đăng tải thông tin Việt Nam được mệnh danh là "thủ phủ" sản xuất hồ tiêu và chiếm 60% thị phần xuất khẩu trên toàn cầu.

Theo thống kê sơ bộ của Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam, tháng 10/2024, Việt Nam xuất khẩu được 18.493 tấn hồ tiêu các loại với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 120,2 triệu USD. Giá xuất khẩu bình quân tiêu đen trong tháng đạt 6.284 USD/tấn và tiêu trắng đạt 8.029 USD/tấn.

Tính đến hết tháng 10/2024, Việt Nam đã xuất khẩu được 219.387 tấn hồ tiêu các loại, trong đó tiêu đen đạt 193.892 tấn, tiêu trắng đạt 25.495 tấn. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 1,1 tỷ USD, tăng 48%.

Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của hồ tiêu Việt Nam, đạt 62.553 tấn, tăng 46,8% so với cùng kỳ năm trước.

Loại gia vị Việt Nam đứng đầu thế giới về xuất khẩu: Hóa ra có rất nhiều tác dụng - Ảnh 1.

Việt Nam đứng đầu thế giới về xuất khẩu hồ tiêu. (Ảnh minh họa)

Tác dụng của hồ tiêu

Hồ tiêu hay hạt tiêu là gia vị quen thuộc với người Việt. Loại gia vị này thường được nêm vào các món ăn, giúp tạo ra vị thơm cho thực phẩm. Không chỉ đơn thuần là gia vị, hạt tiêu còn chứa nhiều giá trị sức khỏe bất ngờ mà nhiều người chưa biết tới.

Theo tài liệu "Cây thuốc Bài thuốc và Biệt dược" của DS Phạm Thiệp – DS Lê Văn Thuấn – DS Bùi Văn Chương, hồ tiêu có tên khoa học là Piper nigrum L., là loại cây thân leo được trồng nhiều nơi. Theo Đông y, hạt tiêu có vị cay, tính nóng, vào 2 kinh: vị và đại tràng. Hạt tiêu có tác dụng trừ lạnh, giảm đau, giúp tiêu hóa tốt, chống nôn; chữa các chứng đau bụng do lạnh, nôn mửa, ăn không tiêu.

Hạt tiêu thường được dùng để kích thích vị giác, giúp ăn ngon miệng.

Nhà khoa học, Lương y Đa khoa Bùi Đắc Sáng, Hội Đông y Hà Nội cho hay, hạt tiêu có tác dụng tăng dịch vị, dịch tuỵ, kích thích tiêu hoá.

Ngoài ra, hạt tiêu còn có tác dụng sát trùng, diệt ký sinh trùng. Mùi của hạt tiêu có tác dụng đuổi sâu bọ, do đó hạt tiêu được dùng để bảo vệ quần áo len khỏi bị nhậy cắn.

Theo ông Sáng, hạt tiêu đen có piperine, là hoạt chất giúp ngăn ngừa ung thư. Piperine cũng đã được chứng minh có thể phòng ngừa béo phì và bệnh đái tháo đường.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra bổ sung piperine không chỉ làm giảm đáng kể trọng lượng cơ thể, chất béo trung tính, cholesterol toàn phần, cholesterol LDL mà còn làm tăng mức cholesterol HDL. Do đó mọi người có thể thường xuyên thêm hạt tiêu vào trong các món ăn.

Hạt tiêu đen đã được chứng minh là có tác dụng chống oxy hóa và kháng khuẩn cực tốt, giúp tăng cường sức khỏe của đường tiêu hóa. Những chất chống oxy hóa có lợi này có thể giúp ổn định đường huyết.

Ông Sáng cho biết, hạt tiêu đen cũng có thể giúp kiểm soát huyết áp, đốt cháy mỡ thừa.

Trong dân gian, hạt tiêu còn được dùng làm thuốc kích thích sự tiêu hoá, giảm đau (chữa răng đau), đau bụng, ngày dùng 1-3g dưới dạng bột hay viên.

Một số bài thuốc từ hạt tiêu:

Chữa đau bụng do lạnh, ăn không tiêu: Hạt tiêu 2-4g sắc uống hoặc tán bột, hoàn viên uống.

Chữa đau bụng do lạnh: Hạt tiêu bột 5g, gạo tẻ 50-60g. Nấu thành cháo, khi chín rắc bột hạt tiêu vào và ăn khi cháo còn ấm.

Chữa đại tiện bí, đau chướng bụng: Hồ tiêu 21 hạt giã dập, nước 200ml, đun đến khi còn 100ml, bỏ bã thêm vào 20g mang tiêu. Sắc uống.

Chữa đau răng: Hạt tiêu, tất bát lấy với lượng bằng nhau, nghiền nhỏ, hòa cùng sáp ong, làm thành viên nhỏ. Mỗi lần dùng 1 viên giã nhỏ, nhét vào khu vực răng đau.

Chuyên gia lưu ý sử dụng hạt tiêu với liều lượng lớn có thể gây kích thích niêm mạc dạ dày, gây sung huyết và viêm cục bộ... Do đó, để đảm bảo an toàn, người dân cần tham khảo ý kiến chuyên gia y tế trước khi sử dụng hạt tiêu làm thuốc chữa bệnh.

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây