Cách trò chơi xếp gạch giúp bạn vượt qua trở ngại

Thứ ba - 12/11/2024 21:55
 

Chỉ dựa vào kỹ năng nhân cách chưa chắc đã đủ để đi được quãng đường xa. Không phải lúc nào cũng có người hướng dẫn ta cách học những kỹ năng mới; bên cạnh đó, để vượt qua những đỉnh cao cheo leo thì cần phải có sự hỗ trợ nâng đỡ. Sự hỗ trợ này chính là giàn giáo: một cấu trúc hỗ trợ tạm thời giúp chúng ta leo lên những độ cao mà tự mình không thể chạm tới. Nó giúp ta xây dựng khả năng phục hồi để vượt qua những trở ngại có nguy cơ đàn áp và hạn chế sự phát triển của bản thân.

Khi các nhà tâm lý học nghiên cứu khả năng phục hồi trong những thí nghiệm, họ thường tạo ra trải nghiệm choáng ngợp bằng cách cho mọi người xem những đoạn video đau buồn, nghĩ về lần cuối cùng bạn nhìn thấy một cảnh tượng căng thẳng hoặc đáng lo ngại trên truyền hình hoặc trong một bộ phim. Nhân vật bạn yêu thích bị một thanh kiếm ánh sáng chặt lìa đầu ngoài không gian – hoặc bị Demobat nuốt chửng trong chiều không gian Upside Down. Nếu bạn giống như con tôi (và cả vợ tôi), những cảnh đó sẽ cứ lặp lại trong tâm trí bạn, tiếp tục ám ảnh bạn ngay cả khi phần danh đề cuối phim đã kết thúc. Cảm ơn nha, anh em nhà Duffer. Nhưng các nhà tâm lý đã phát hiện ra rằng có thể ngăn chặn những đoạn hồi tưởng không mong muốn đó ùa về bằng một loại giàn giáo đặc biệt.

Lúc đầu, tôi cho rằng đó sẽ là một hình thức trị liệu. Có thể họ sẽ cho bạn xem đoạn clip nhiều lần để làm giảm sự nhạy cảm của bạn một cách có hệ thống (liệu pháp tiếp xúc) hoặc giúp bạn điều chỉnh lại khung cảnh thành một điều gì đó không thể làm tổn thương bạn (tái nhận định nhận thức). Nhưng tôi đã sai.Giàn giáo mà các nhà tâm lý học đưa ra để tăng cường khả năng phục hồi là trò chơi xếp gạch.

Đúng vậy, chính là trò chơi xếp gạch.

Sau khi mọi người xem một đoạn phim đặc biệt khó chịu, họ thường có sáu hoặc bảy lần hồi tưởng đáng lo ngại trong tuần tiếp theo. Nhưng nếu họ được chỉ định ngẫu nhiên chơi một vài vòng xếp gạch ngay sau khi xem cảnh đó, số lần hồi tưởng của họ trong tuần tới sẽ giảm đi phân nửa. Bằng cách nào đó, hành động xoay, di chuyển và thả các khối hình học giúp chúng ta tránh xa những suy nghĩ khó chịu và cảm xúc tiêu cực.

Cũng xin nói rõ, việc chơi xếp gạch sẽ không chữa khỏi cơn nghiện hay các rối loạn căng thẳng sau chấn thương của bạn. Trò chơi không thế thay thế cho các biện pháp can thiệp có tính liệu pháp hoặc dược lý. Nhưng hiệu ứng này đã được các nhóm nghiên cứu khác nhau nhân rộng. Lúc đầu tôi chỉ thấy nó hấp dẫn. Nhưng khi tìm hiểu sâu hơn về các bằng chứng, tôi thấy rằng hiệu ứng của trò chơi xếp gạch đã minh họa cho bốn đặc điểm chính của giàn giáo.

Một: Nhìn chung giàn giáo đến từ người khác. Tôi chưa bao giờ nghĩ tới việc tránh khỏi những hình ảnh khó chịu bằng cách chơi xếp gạch – ý tưởng này xuất phát từ những người có kinh nghiệm và chuyên môn liên quan. Khi có một hoàn cảnh đe dọa chế ngự chúng ta, thay vì chỉ hướng về nội tâm, ta có thể hướng ra bên ngoài để tìm kiếm những người cố vấn, giáo viên, huấn luyện viên, những người là hình mẫu lý tưởng của ta hoặc bạn bè đồng cấp. Giàn giáo mà họ cung cấp có hình dáng và cảm giác khác nhau tùy thuộc vào loại thử thách mà chúng ta đang gặp phải, nhưng nó có cùng tác dụng: mang lại cho chúng ta một chỗ đứng hoặc sự thúc đẩy.

Hai: Giàn giáo được thiết kế phù hợp với chướng ngại vật trên đường đi của bạn. Khi các nhà tâm lý đề xuất trò chơi xếp gạch, đó là vì nó có một lợi ích cụ thể: nó thay đổi cách não bạn xây dựng hình ảnh tinh thần. Kết quả quét não cho thấy trò xếp gạch ngăn chặn các hình ảnh xâm nhập vào não bằng cách kích hoạt các mạch thần kinh về không gian-thị giác của chúng ta: ta quá bận xử lý các khối gạch có hình dạng khác nhau đang rơi xuống nên không còn để tâm đến mối đe dọa từ những hình ảnh đáng sợ nữa. Các loại trò chơi khác, chẳng hạn như trò đố vui, cũng không thể làm giảm đi những đoạn hồi tưởng. Xếp gạch là giàn giáo hiệu quả vì nó giúp bạn vượt qua một thử thách cụ thể.

Ba: Giàn giáo xuất hiện vào thời điểm then chốt. Chơi xếp gạch trước khi xem phim sẽ chẳng có tác dụng gì cả vì chưa có hình ảnh nào cần làm gián đoạn. Cấu trúc này trở nên hữu ích sau khi khung cảnh đáng sợ xuất hiện và 24 giờ tiếp theo có thể, là giai đoạn vàng. Nếu bạn đợi lâu hơn thì ký ức đã được củng cố, thế nên trước tiên bạn cần phải kích hoạt lại ký ức về cảnh đó rồi mới chuyển sang chơi xếp gạch để ngăn chặn nó ùa về.

Bốn: Giàn giáo chỉ là tạm thời. Bạn không cần phải chơi xếp gạch cả đời để phục hồi sau khi xem phim kinh dị. Chỉ cần cho trong mười phút là đã đủ để can thiệp vào quá trình củng cố trí nhớ và hạn chế hồi tưởng. Khi đã nhận được sự hỗ trợ cần thiết, bạn sẽ không còn phụ thuộc vào nó nữa mà có thể độc lập tiến về phía trước.

Vì loại giàn giáo mà chúng ta cần sẽ thay đổi theo từng ngày nên ta phải tìm thấy sự hỗ trợ từ các nguồn khác nhau vào những thời điểm khác nhau cho những thử thách khác nhau. Ta có thể tìm đến một huấn luyện viên hoặc người cố vấn để nhờ họ chỉ cho ta cách biến những điều tưởng chừng là trở ngại không thể vượt qua thành một cầu thang để tiến lên. Ta có thể dựa vào đồng đội hoặc học trò để nhờ họ chỉ cho ta thấy rằng mảnh ghép quan trọng còn thiếu đang ở ngay gần bên ta. Và chúng ta có thể phải hợp tác để nâng cấp lên trình độ tiếp theo khi mọi khó khăn đều đổ dồn về phía mình.

Tuy nhiên, chúng ta thường cảm thấy những sai lầm cứ chồng chất lên nhau trong khi thành tích thì nhanh chóng tan biến. Với sự hỗ trợ phù hợp vào đúng thời điểm, chúng ta có thể vượt qua những trở ngại để phát triển. Để học cách xây dựng những trúc hỗ trợ này, tôi đã tìm đến những người từng chinh phục các thử thách khắc nghiệt về thể chất và tinh thần để đạt được những thành tựu phi thường. Những nhà leo núi, nhạc sĩ, tân binh quân đội và các vận động viên vượt qua mọi khó khăn, họ đã thay đổi cách tôi nhìn nhận về giàn giáo. Bạn không cần phải là một người hâm mộ thể thao thì mới thấu hiểu được góc nhìn sâu sắc của họ - bởi lẽ, những kinh nghiệm đó có thể áp dụng cho mọi lĩnh vực trong cuộc sống.

Giàn giáo giải phóng tiềm năng bằng cách giúp ta tạo ra những con đường mà ta không thể tự nhìn thấy. Nó cho phép chúng ta tìm động lực trong những công việc lặp đi lặp lại hàng ngày, tạo đà tiến lên ngay cả khi bị trì trệ và biến những khó khăn, nghi ngờ thành nguồn sức mạnh.

- Trích: "Biến tiềm năng thành tài năng" của Adam Grant

Adam Grant/Trạm Đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây