Văn chương cứ coi Nobel là đích thì… nguy

Thứ ba - 26/11/2024 09:15
 

Khác với định vị "I am đàn bà"

Khi được hỏi lý do Trên đỉnh giờiBiệt đội Thiên Lý (hai truyện ngắn được nhiều nhà văn cùng thời cho là xuất sắc trong tập Trên đỉnh giời) mất đến gần 10 năm để xuất hiện, nhà văn Y Ban cho biết: “Thời điểm viết hai truyện này, tôi chộp được những khoảnh khắc rất chín: cảm xúc mạnh mẽ, tròn trịa, mạch truyện cứ chảy trong đầu tôi hầu như không đứt gãy. Nhưng bản năng của người viết và kinh nghiệm làm báo mách bảo tôi rằng, lúc đó chưa phù hợp để in”.

Nhà văn Y Ban cho thấy định vị khác hẳn với tập truyện mới nhất. Ảnh: THANH PHƯƠNG

Biệt đội Thiên Lý được Y Ban viết từ năm 2015. Nhiều người đánh giá, nó mang lại cảm giác chấn động giống như Chiến tranh không mang một khuôn mặt phụ nữ. Để kể một câu chuyện như vậy thực sự không dễ dàng. Đó cũng là lý do, phải đến 5 năm sau truyện ngắn này mới được “bà đỡ” Nguyễn Quang Thiều chọn in trên Viết và Đọc, và sau gần 5 năm nữa mới lần đầu được xuất hiện trong một tập truyện ngắn chính thức.

“Đây là một góc khuất của chiến tranh, một câu chuyện hy sinh cao cả đến kinh hoàng. Cô du kích ngày nào, từng được đề cử là anh hùng, chấp nhận đứng đường, cắt bỏ dạ con để thực hiện nhiệm vụ tiêu diệt ác ôn. Khi được nghe câu chuyện đó từ một người bạn, tôi bị ám ảnh cùng cực. Tôi là người đàn bà rất cứng rắn, tôi luôn nghĩ câu chữ là câu chữ và viết là viết nhưng mà quả tình là vừa viết Biệt đội Thiên Lý tôi vừa khóc. Trái hẳn với Trên đỉnh giời, tôi viết tỉnh táo vô cùng”, Y Ban chia sẻ.

Lại nói Trên đỉnh giời, truyện ngắn này giống như một cú ngoặt của Y Ban so với thời I am đàn bà, chỉ nén trong 3.000 từ nhưng mà lại tải rất nhiều thứ. Chị cho biết: “Tôi viết Trên đỉnh giời chỉ trong ba tiếng đồng hồ, nhưng trước đó nghĩ rất nhiều. Một cô buôn gỗ tặng cho vợ chồng tôi một cây gỗ dài đến gần 3m, tự dưng tôi nảy ra ý định về một cái giường làm từ thân gỗ xẻ đôi mà ở trên đó, cả gia đình chen chúc ngủ cùng nhau bất chấp bài học nam nữ thụ thụ bất thân.

Hay là năm 2000 tôi có một chuyến đi Đức, ở đó tôi chứng kiến một gia đình người Đức sống cô đơn trên cả một quả đồi, và lựa chọn này kéo dài hàng trăm năm, thế là tôi có ý tưởng bứng cái gia đình ấy vào trong truyện…”.

Y Ban và nhiếp ảnh gia người Hàn tại cuộc gặp gỡ các nhà văn Hàn Quốc do Hội Nhà văn Việt Nam vừa tổ chức

Xưa người ta nói văn Y Ban chỉ loanh quanh chuyện đàn bà, chửa đẻ, nữ quyền, thì nay, văn chị đã chạm đến những vấn đề mang tính phổ quát hơn: về nguồn gốc của cái ác, những mâu thuẫn bản năng và lý trí, hiện đại và cổ xưa… “Không ai là không can dự vào cuộc sống này đâu, bạn tưởng bạn không à? Nếu chúng ta cứ thờ ơ thì tiếng vọng sẽ chỉ như tiếng dế nỉ non thôi”, chị nói.

Một thay đổi rất khác của Y Ban ở tập sách mới này, theo chị là do sự can dự của tuổi tác. “Trước kia viết truyện tôi đều quy nó ra thành nhuận bút. Nhưng trong Trên đỉnh giời, có tới gần một nửa số truyện tôi chưa đăng báo bao giờ. Thời gian lắng lại, tôi cảm thấy rằng đến một lúc nào đấy không có gì phải vội vã cả. Không quan trọng viết cái gì, không quan trọng người ta nghĩ thế nào về mình, khi cảm thấy cần viết là tôi sẽ viết, thế thôi”.

Y Ban có lẽ là một trường hợp khá đặc biệt trong văn đàn Việt Nam. Ngay từ khi xuất hiện với Bức thư gửi mẹ Âu Cơ người ta đã “xếp chiếu” cho chị ở vị trí rất cao, thế nhưng con đường sau đó hình như lại cũng không khiến nhà văn xuất thân từ một giáo viên trường Y này rén, cho dù trong sáng tạo nghệ thuật, áp lực phải vượt qua chính mình là có thật.

“Tôi không bị chi phối bởi những thứ tôi đã đạt được. Khi tôi hoàn thành tác phẩm là xong việc của tôi rồi, nó hay, nó dở tùy thuộc bạn đọc và các nhà lý luận phê bình. Nên khi tôi bắt nhịp sang một truyện khác, nó hoàn toàn là một câu chuyện mới”, chị nói.

Giải Nobel không phải là cái đích

Trước đây trong một lần phỏng vấn, Y Ban nói với tôi rằng, có những truyện chị viết như được trời cho, sau nhiều năm, chị bảo cảm giác ấy đến giờ vẫn tồn tại. “Khi tôi ngồi viết Biệt đội Thiên Lý, cảm giác như có ai đó đọc cho tôi cả dấu chấm, dấu phẩy. Tôi không xây dựng đề cương, không cố tình uốn nắn, chỉ để câu chuyện tự tuôn chảy. Nếu phải cố rặn ra, tôi biết nó sẽ nhạt lắm”.

“Khóa 4 Viết văn Nguyễn Du sinh ra một số nhà văn rất hay, trong đó Nguyễn Bình Phương, Tạ Duy Anh và Y Ban là đặc biệt nổi bật. Y Ban nổi tiếng từ lâu rồi, hai ba chục năm rồi, từ những truyện ngắn đầu tiên của chị được giải Văn nghệ Quân đội là Bức thư gửi mẹ Âu Cơ. Y Ban không phải kiểu nhà văn có một giải thưởng thì thường đi xuống hoặc không viết được nữa. Ngược lại, chị là người rất hiếm, viết càng ngày càng hay. Trên đỉnh giời là một tập truyện xuất sắc của chị”. Nhà văn Bảo Ninh

Gần 40 năm cầm bút, Y Ban nói rằng, chị luôn đề cao con người, bao giờ cũng nghĩ con người phải ở bậc cao nhất, hướng tới sự tốt đẹp nhất cho dù cuộc sống ác nhất, tầm thường nhất. Trong những năm này, sau khi lần lượt đưa tiễn năm người thân sang thế giới bên kia, chị đã có cái nhìn sâu sắc hơn về tâm linh và đời sống. Mỗi câu chuyện giờ đây không chỉ là kể, mà còn là hành trình bóc tách các lớp lang của cuộc sống.

Mới đây nhất, Y Ban vừa có một chuyến lưu trú sáng tác 3 tháng ở Hàn Quốc, đúng vào thời điểm Han Kang được Nobel. Tôi hỏi sự kiện này tác động đến Y Ban như thế nào. Chị bảo: “Cũng mừng chứ, vì cô ấy là người châu Á, lại là nữ nữa. Nhưng tôi cũng tiếc chứ, tiếc cho nhà văn Việt Nam. Tôi đọc Người ăn chay rồi, tôi nghĩ nhà văn Việt Nam nhiều người viết được như thế. Nhưng mà nói đi thì cũng phải nói lại, giải Nobel Văn chương không phải là cái đích của một nhà văn. Nếu người viết mà cứ chạy theo cái đích Nobel thì nguy rồi”.

Nói vậy, nhưng Y Ban cũng khẳng định, muốn xuất khẩu văn chương, Việt Nam cần một chiến lược dịch thuật và quảng bá lâu dài, giống như Hàn Quốc với “chiến dịch kim chi”. Tuy nhiên, chúng ta không cần đập vỡ hũ mắm để chạy theo người khác, trái lại, phải đi đến tận cùng bản chất của cái “hũ mắm” ấy. Vì xét cho cùng, văn chương cũng chính là một hành trình bóc tách bản chất con người, dân tộc và văn hóa.

(Theo Tiền Phong)

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây