Chúng ta trên hành trình khất thực

Thứ ba - 26/11/2024 09:15
 

Tôi gặp ông trong một buổi chiều tình cờ tại một tiệm thức ăn nhanh. Tôi thường không có thói quen nói chuyện với người lạ, nhưng vì lúc đó cả hai rơi vào tình huống là bị đưa nhầm món, mà khách khứa lại quá đông, nên tôi và ông đều quyết định không phàn nàn, người ta cho gì ăn nấy. Ông ấy đã nói rằng: “Cũng chỉ là thức ăn để nuôi cái cơ thể xấu xí này thôi, tôi ăn gì cũng được!”. Câu nói thú vị này đưa chúng tôi ngồi chung bàn và trò chuyện một lát.

Như thường lệ, chúng tôi sẽ hỏi xã giao kiểu tên bạn là gì, bạn làm nghề gì, bạn thích ăn loại thức ăn nào… Ông nói ông làm nghề cắt tóc được 10 năm. Tôi hỏi “sao chỉ có 10 năm, trông ông cũng phải ngoài 60”. Ông bảo: “Tôi chỉ mới bắt đầu nghề này thôi, trước đây tôi làm nghề xấu”. Tôi bắt đầu tò mò: “Nghề xấu là nghề gì?”. Ông thoáng nhìn tôi với ánh mắt lưỡng lự. Tôi tự thấy ngại và nói qua loa: “Xin lỗi, tôi chỉ hơi tò mò thôi, nếu ông không thấy tiện thì không cần nói”.

Sống ở Mỹ nhiều năm, tôi nhận ra rằng người ở xứ này họ có nhiều suy nghĩ rất gần với đạo Phật. Có lẽ do cuộc sống trên đất nước này nhiều áp lực. Mỗi tầng lớp lao động đều có những áp lực riêng. Khi bỏ xuống được những tảng đá đó, nhiều người mất hàng chục năm trời. Từ đó, họ thấm thía rằng chỉ cần đủ thức ăn cho một ngày đã là sống trọn vẹn.

Ông trả lời: “Trước đây tôi làm tại một quán cà-phê trong một khu ổ chuột, phục vụ bàn là phụ, cái chính là tôi bán ma túy”. Ông dừng lại ở đó, thở một hơi dài. Chúng tôi im lặng một lúc rồi ông nói: “Hồi trẻ ấy mà, tôi luôn muốn có thật nhiều tiền, có thật nhanh, nhiều khi qua một đêm thôi tôi đã có 10 ngàn đô tiền mặt. Tôi từng có một cuộc sống xa hoa. Nhưng rồi tôi phải trả giá cho nhiều năm tù tội. Karma luôn đến gõ cửa chỉ là sớm hay muộn thôi.

Sau này, có những tháng ngày tôi không có lấy nổi vài đô-la lẻ chỉ để mua thức ăn nhanh. Rồi tôi nhận ra, trên hành trình kiếm sống, chủ yếu là no bụng và bình yên thôi. Với suy nghĩ đó, tôi quyết tâm đi học lấy bằng để làm nghề cắt tóc dù đã lớn tuổi. Tôi hài lòng với hành trình mới của mình trong nhiều năm nay. Nó cho tôi một cuộc sống đơn giản là đủ ăn đủ mặc đủ trả các hóa đơn và cảm giác ổn định. Mỗi sáng tôi thức dậy hăng hái đi làm, tối về mệt rã rời nhưng lòng bình an vì có đủ tiền cho một ngày còn sống”.

Tôi chỉ biết nói rằng ông thật là một người có ý chí mạnh mẽ. Ông cười và nói: “Tôi tin vào Karma. Nên sau này tôi cố gắng làm điều đúng”. Tôi hỏi: “Ông biết gì nhiều về Karma?”. Ông lắc đầu: “Không nhiều về sách vở, nhưng thực tế thì hơi bị nhiều”. Rồi ông cười lớn sảng khoái và đứng lên chào tạm biệt tôi vì chúng tôi đã kết thúc bữa ăn.

Sống ở Mỹ nhiều năm, tôi nhận ra rằng người ở xứ này họ có nhiều suy nghĩ rất gần với đạo Phật. Có lẽ do cuộc sống trên đất nước này nhiều áp lực. Mỗi tầng lớp lao động đều có những áp lực riêng. Khi bỏ xuống được những tảng đá đó, nhiều người mất hàng chục năm trời. Từ đó, họ thấm thía rằng chỉ cần đủ thức ăn cho một ngày đã là sống trọn vẹn.

Tất cả chúng ta đều giống nhau, mỗi người đều mỗi sáng thức dậy đi làm và chiều tối về trong một cơ thể mệt mỏi. Điểm khác nhau là khi trở về, có người mệt cả thân tâm, có người chỉ mệt cái thân, nhưng cái tâm nhẹ bỗng. Hành trình khất thực của mỗi người có thể khác nhau, nhưng đều để phục vụ cho một ông chủ là cái thân xác đang mang này thôi. Ông chủ đó muốn ăn, mặc, ở sao cho coi được. Ông chủ đó không ổn định và vô thường biết bao. Ông chủ đó đòi hỏi các nhu cầu không giới hạn và không thể kiểm soát.

Vậy thì, trên hành trình khất thực của mỗi người, chiến thắng sẽ dành cho những ai có thể thỏa hiệp với ông chủ đó.

Có hai loại thức ăn cho cơ thể của chúng ta. Một là thức ăn vật lý như thực phẩm, quần áo, nhà cửa. Hai là thức ăn cho tinh thần. Cái thứ hai tuy không nhìn thấy được, không cầm nắm được nhưng lại thao túng cái thứ nhất. Và con đường kiếm ăn của mỗi người từ đó mà khác nhau. Loại thức ăn cho tinh thần này bao gồm nhưng không giới hạn mức độ cái tôi muốn được người khác ngước nhìn và nhu cầu được thể hiện năng lực bản thân. Cho nên mới sinh ra những khái niệm như ăn ngon, mặc đẹp, đi xe xịn, ở nhà cao. Cho nên mới song song có những người nỗ lực để có được những tấm bằng học vấn cao, bên cạnh những người ít nỗ lực hơn nên mua bằng giả. Từ đó, có những người dành trọn đời để tìm kiếm hào quang danh vọng nhưng cũng có người dễ đành an phận với một cuộc sống đơn điệu.

Cái chính là chúng ta nhìn thấy ý nghĩa gì trong hành trình sống của mỗi người.

Tất cả chúng ta đều giống nhau, mỗi người đều mỗi sáng thức dậy đi làm và chiều tối về trong một cơ thể mệt mỏi. Điểm khác nhau là khi trở về, có người mệt cả thân tâm, có người chỉ mệt cái thân, nhưng cái tâm nhẹ bỗng

Đức Phật ngày xưa mỗi buổi sáng thức dậy sớm, chỉnh y pháp, tay cầm bình bát đi vào các thôn xóm. Ngài đi đến từng nhà khất thực như một vị Tỳ-kheo bình thường. Sau khi đã cảm thấy đủ thức ăn cần thiết, Ngài trở về tinh xá, thọ thực và sau đó có thời pháp thoại cho hội chúng. Mục đích lớn của Ngài là giúp chúng sanh giác ngộ và thoát khổ. Việc đi khất thực cũng chỉ là để duy trì sự sống cho thân thể. Bởi vì nếu muốn ăn ngon mặc đẹp thì hẳn Ngài đã không rời bỏ cung điện, ở đó có rất nhiều tiện nghi. Sống là vì mục đích cao cả hơn cái ăn, nơi ở.

Như vậy, để đi trên con đường của mình một cách kiên định và thanh thản, chúng ta cần xác định một việc duy nhất: Điều gì mà tôi thấy có giá trị nhất với chính tôi và với người khác trên hành trình này?

Có hai loại thức ăn cho cơ thể của chúng ta. Một là thức ăn vật lý như thực phẩm, quần áo, nhà cửa. Hai là thức ăn cho tinh thần. Cái thứ hai tuy không nhìn thấy được, không cầm nắm được nhưng lại thao túng cái thứ nhất. Và con đường kiếm ăn của mỗi người từ đó mà khác nhau.

Sếp cũ của tôi là người luôn sống với lý tưởng: Chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và truyền cảm hứng cho giới trẻ. Lần đầu gặp ông ấy cách đây nhiều năm, ông ấy luôn nói và làm về điều đó. Mỗi khi có cơ hội là ông thực hiện những buổi nói chuyện với bọn nhóc chúng tôi. Trải qua nhiều thăng trầm trong kinh doanh và công việc, có những khoảng thời gian tôi thấy ông lặng lẽ hẳn và gần như không có hoạt động nào đáng kể. Tuổi tác mỗi lúc một cao, bệnh tật thân tâm. Vậy rồi ông ấy vực dậy chính mình và cho ra mắt sách trò chuyện về giới trẻ, tổ chức những buổi chia sẻ trực tiếp cho sinh viên tại các trường đại học.

Bài học mà tôi thấy được từ đó là gì: Chỉ cần mình xác định giá trị mình mang đến cho bản thân và cho người khác, thì dù khó khăn, thất bại hay những điều bất như ý xảy đến, chúng ta vẫn có cách để thực hiện được điều mình muốn dù có thể chậm hơn nhiều người khác.

Trên con đường mưu sinh của mỗi người, có người chỉ vừa đủ sống, có người chật vật, có người của ăn không hết, có người khấm khá an ổn… Dù ở hoàn cảnh nào đi nữa, miễn sớm mai thức dậy chúng ta đầy hứng khởi đi làm, buổi tối về chúng ta ngủ ngon giấc, thì có nghĩa là chúng ta đang đi trên một hành trình đúng.

Còn nếu như mỗi ngày chúng ta sống trong lo lắng, chạy đầu này đắp đầu kia, tối về thao thức thì có nghĩa là đã đến lúc phải xem lại hành trình khất thực của chính mình. Nếu đang đi mà mệt quá thì phải làm sao? Ngồi xuống, nghỉ mệt, xem lại bản đồ, chỉnh lại la bàn, nói chuyện với bản thân. Một câu hỏi có thể giúp cho mỗi người sắp xếp lại hành lý đó là: Việc tôi đang làm có ý nghĩa gì với tôi và với người khác? Người khác đây có thể bao gồm cha mẹ, vợ chồng, con cái, bạn bè, rộng hơn thì có nhân viên, người ngoài xã hội, người trong cộng đồng, tùy vào vị trí của mỗi người.

Không có hành trình nào là tốt hay xấu. Thường chịu ảnh hưởng bởi các định kiến xã hội và các thuyết nhị nguyên khiến chúng ta hay so sánh. Con người hay có thói quen nhìn hành trình của người khác rồi phán xét, mà quên mất rằng hành trình của mình cũng nhiều bất ổn. Trong trường hợp này, hãy học lại bài học về nhìn nhận mọi vật như nó đang là mà Đức Phật đã dạy. Nhận diện đơn thuần sẽ giúp cho tâm chúng ta bớt thành kiến với người khác, tôn trọng con đường đi riêng của người khác, tập trung vào con đường riêng của chính mình.

Bởi rằng con đường nào cũng đầy gia vị của những sóng gió khổ đau, luyến ái, hạnh phúc, vỡ lẽ và rồi có thể tiến đến tỉnh thức.

Xuân Phượng (Hoa Kỳ)/Báo Giác Ngộ

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây