Những chiếc chăn rực rỡ
“Mình về làm dâu thì mẹ chồng đã mất được 20 năm. Mẹ chồng để lại một gia tài khổng lồ với những chiếc chăn ghép từ vải vụn. Ngày đầu nhìn thấy chúng, mình đã mê mẩn vì vốn thích những thứ rực rỡ...”.
Dòng tâm sự kèm theo loạt ảnh chụp những chiếc chăn của chị Trần Vĩnh Hà đăng trên một nhóm đông thành viên đã thu hút hàng nghìn lượt “thả tim” chỉ sau một ngày đăng tải.
Những chiếc chăn có tuổi đời 30-40 năm của mẹ chồng chị Hà
Mỗi chiếc chăn đều được may một cách tỉ mỉ, khéo léo, kết hợp nhiều gam màu khác nhau.
Chị Hà luôn lưu giữ những kỷ vật của mẹ chồng một cách cẩn thận. Dù có chiếc chăn đã cũ, thậm chí nhàu nát nhưng chị vẫn nâng niu, trân trọng bởi đó là tâm huyết của người mẹ chồng đã khuất.
Nhiều người đã bày tỏ xúc động trước hình ảnh những chiếc chăn này: “Đẹp thật bạn ạ. Chỉ nhìn thôi đã thấy sự tỉ mỉ, khéo léo và kiên trì”, “Mẹ chồng khéo tay gặp người con dâu biết nâng niu, trân trọng”,...
Những chiếc chăn của mẹ chồng được chị Hà lưu giữ cẩn thận
Sự kết nối đặc biệt
Chị Trần Vĩnh Hà (SN 1983) là người gốc Hà Nội. Năm 2012, chị kết hôn với chồng là người Malaysia. Khi ấy, mẹ chồng chị đã mất được 20 năm.
Dù chưa được gặp mẹ chồng nhưng qua lời kể của mọi người và những kỷ vật bà để lại, chị cảm nhận được sự kiên trì và tình yêu thương dành cho con cháu của mẹ chồng.
Chị Hà kể, mẹ chồng chị có 8 người con, hiện vợ chồng chị sống tại căn nhà của bố mẹ chồng. Mỗi dịp Tết đến, anh chị em, con cháu lại tề tựu về căn nhà này đến hết mùng 3 Tết mới trở về nhà riêng.
Chị Hà cũng tỉ mẩn may những chiếc chăn ghép cho gia đình
Gần Tết, chị thường đem chăn gối đi giặt, dọn dẹp phòng ốc để đón mọi người. “Đó là những chiếc chăn bà làm cho con cháu. Lúc rảnh, bà thường lượm những mảnh vải vụn từ cửa hàng may của con gái hoặc cắt từ quần áo cũ rồi may thành chăn.
Mình thích những chiếc chăn của bà vì nó được may rất cẩn thận, bên ngoài còn có một đường may ép nên rất bền”, chị Hà chia sẻ.
Nhà chị có khoảng 10 chiếc chăn mẹ chồng để lại. Một số khác được những người anh em đem về dùng hoặc giữ làm kỷ niệm. Có những chiếc chăn cũ rách nhưng con cháu vẫn giữ gìn.
“Mẹ chồng mình miệt mài may chăn suốt nhiều năm. Bà đem chăn tặng cho con cái hoặc những đứa cháu mới sinh. Mình cảm nhận được, bà đã gửi gắm tình yêu thương của mình qua những chiếc chăn xinh xắn ấy”.
Chị Hà dùng vải vụn may những món đồ xinh xắn
Khi mới về làm dâu, chị Hà đã ấn tượng với những chiếc chăn của mẹ chồng. Theo chị Hà, những chiếc chăn ghép này được gọi là “Bách Gia Bị” – chăn của bách gia (trăm nhà).
“Tương truyền từ đời xưa, khi nhà có con đầu lòng mới sinh được 100 ngày, họ đều đi xin hàng xóm, người thân mỗi nhà 1 ít vải vụn để làm chăn cho em bé.
Ngụ ý là xin được cái phúc của muôn nhà giúp em bé có tương lai tốt đẹp, đón rước may mắn, xua đuổi xui xẻo mà lớn lên trong hạnh phúc vui vẻ”, chị Hà kể.
Thời điểm dịch Covid-19, chị Hà cũng tập tành may chăn ghép. Chị cắt từng miếng vải vụn, may thành những chiếc chăn sặc sỡ rồi đem tặng người nhà. Một số chiếc chị giữ lại để dùng vào dịp Tết.
“Mình làm chăn không hẳn vì tiết kiệm mà vì thấy nó đẹp, hữu dụng và là một cách tưởng nhớ mẹ chồng. Mình hy vọng khi mọi người về nhà có cảm giác thân thuộc như mẹ vẫn còn ở bên”, chị Hà chia sẻ.
Ảnh: NVCC
Thanh Minh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn