Người con gái ấy chính là Trịnh Thúy Nga - người yêu rồi trở thành người vợ của thi sĩ Nguyên Sa cho đến hết đời. Và cũng phải nói ngay là trong “lịch sử thi nhân nước Việt” chưa có ai từng ví người yêu của mình là... con chó, con mèo, con cá ươn như ông Nguyên Sa: “Sáng hôm nay Nga buồn như một con chó ốm/ Như con mèo ngái ngủ trên tay anh/ Đôi mắt cá ươn như sắp sửa se mình/ Để anh giận sao chả là nước biển?...” (Nga).
Và cô Trịnh Thúy Nga phải là người yêu ông, hiểu ông lắm mới có thể chấp nhận cho người yêu “gọi” mình như thế (chó, mèo cũng còn có thể được, còn “đôi mắt cá ươn” thì... phải các cô gái khác là đá... ngay và luôn. Chẳng những thế, cô Nga còn ủng hộ việc in nguyên văn bài thơ “Nga” trên thiệp cưới của họ gửi cho bạn bè.
Nguyên Sa tên thật là Trần Bích Lan, nguyên quán ở Huế. Ông cố là thượng thư Trần Trạm, giữ chức Hiệp tá Đại học sĩ trong triều đình thời vua Tự Đức, đến đời ông nội mới ra Hà Nội sinh sống. Nguyên Sa sinh năm 1932 tại Hà Nội. Năm 1949, ông qua Pháp du học và ở tại Provins. Năm 1953, ông đậu tú tài và lên Paris để ghi danh học triết tại Đại học Sorbonne. Cũng trong thời gian này, có nhiều người Việt du học ở Pháp mang tâm hồn nghệ sĩ, đã sáng tác nhiều ca khúc, thi phẩm khơi gợi nguồn cảm hứng để Nguyên Sa viết những bài thơ đầu đời, đó là Cung Trầm Tưởng (thơ Mùa thu Paris, Bên nớ bên ni - Phạm Duy phổ nhạc), Lê Trạch Lựu (Em tôi), Lê Mộng Nguyên (Trăng mờ bên suối), Phạm Trọng Cầu (Em ra đi mùa thu)... Trong thời gian theo học tại Sorbone, Nguyên Sa đã gặp Trịnh Thúy Nga.
Về Trịnh Thúy Nga thì rất ít thông tin về lý lịch, nhưng sau khi nhà thơ Nguyên Sa đã yên nghỉ, bà viết trong hồi ký: “Năm 1952, sau khi hồi cư về Hà Nội, tôi được gia đình cho sang Pháp du học cùng với người anh họ. Ông Lan (tên thật của nhà thơ Nguyên Sa là Trần Bích Lan) qua trước hai năm. Thân sinh của ông ấy là một nhà tư sản nên cho ba người con lớn sang Pháp du học. Tôi quen em gái ông ấy ở Paris, tình cờ đến nhà chơi nên quen ông”.
Là bà nói thế, nhưng có giai thoại kể rằng, hai người đã từng quen biết, từng yêu nhau lúc còn “bé xíu” ở Hà Nội, chẳng thế mà Nguyên Sa đã làm thơ “Trời hôm ấy mười lăm hay mười tám?/ Tuổi của nàng tôi nhớ chỉ mười ba/ Tôi phải van lơn ngoan nhé đừng ngờ...” (Tuổi mười ba), còn cô bé khi hay tin người yêu du học bên Pháp đã “nằm vạ” khiến gia đình phải bán bớt một ngôi nhà để cho cô sang Pháp “đoàn tụ”...
Còn ở hồi ký của bà thì sau khi quen nhau (ở Pháp) chỉ được mấy tháng, chàng đã tỏ tình với nàng bằng... một bài thơ. Đến bây giờ cũng chẳng ai biết nội dung của bài thơ đó - kể cả con cái, vì bà muốn giữ riêng cho mình. Bà kể tiếp: “Hồi đó tôi còn trẻ, cũng chẳng suy nghĩ gì cả, chỉ lo học, thi đậu xong rồi về vì đời sống bên Pháp đắt đỏ lắm. Cũng trong năm 1953, cụ thân sinh ông Lan mất ở Hà Nội, ông ấy phải ngưng học, về nước. Lúc đó chúng tôi yêu nhau rồi, ông ấy cũng muốn tôi về chung, nhưng tôi còn ham học nên ở lại”. Từ sự cố “kẻ ở người về” này, Nguyên Sa đã cho ra đời bài thơ Paris có gì lạ không em: “Paris có gì lạ không em?/ Mai anh về em có còn ngoan/ Mùa xuân hoa lá vương đầy ngõ/ Em có tìm anh trong cánh chim... Paris có gì lạ không em?/ Mai anh về mắt vẫn lánh đen/ Vẫn hỏi lòng mình là hương cốm/ Chả biết tay ai làm lá sen?”.
Hai năm sau, Nguyên Sa trở lại Paris, họ quyết định thành hôn vào ngày 17/12/1955 trước khi trở về Việt Nam sinh sống. Bà kể: “Sinh viên tụi tôi ở lại Pháp sau Hiệp định Genève chia đôi đất nước, gia đình đã di cư vào Nam nên đâu có gởi tiền qua được. Chúng tôi đến Tòa đốc lý Paris ký giấy hôn thú, bạn bè theo đông lắm. Xong kéo nhau ra quán cà phê đối diện uống cà phê, ăn bánh. Bạn bè chung tiền trả tiền cho cô dâu, chú rể. Thế thôi”.
Bà Trịnh Thúy Nga bên mộ chồng. Ảnh Vũ Đình Trọng
Lễ cưới của họ diễn ra trong tinh thần tối giản vì còn phải cân nhắc những chi phí để hồi hương, để bắt đầu cuộc sống mới ở quê nhà, Trong lễ cưới, Nguyên Sa mặc chiếc quần jeans quen thuộc hằng ngày, còn Nga mặc bộ đồ suite mới. Ông nói rằng đó là món quà cưới duy nhất mà họ phải đi nhiều ngày, mũi dán vào cửa kính bao nhiêu lần để làm những phép cộng trừ nhân chia mệt nghỉ mới mua được. Ngay cả nhẫn cưới họ cũng chẳng có, vì Nguyên Sa đã giải thích:“Người ta làm thế nào cấm được chúng mình yêu nhau/ Nếu anh không có tiền mua nhẫn đeo tay/ Anh sẽ hôn đền em/ Và anh bảo em soi gương/ Nhìn vết môi anh trên má/ Môi anh tròn lắm cơ/ Tròn hơn cả chữ O/ Tròn hơn cả chiếc nhẫn/ Tròn hơn cả hai chiếc nhẫn đeo tay!…” (Nga).
Về sinh sống ở Sài Gòn, ông dạy môn triết tại Trường Trung học Chu Văn An, Trường Đại học Văn khoa Sài Gòn và nhiều trường tư thục khác là Văn Lang, Nguyễn Bá Tòng, Hưng Đạo, Thủ Khoa, Thượng Hiền, Võ Trường Toản. Ông và vợ còn mở hai trường tư thục là Văn Học và Văn Khôi. Trước đó Trần Bích Lan cũng có dạy môn Pháp văn, nhưng sau này bỏ, chỉ chuyên tâm dạy triết...
Năm 1975, gia đình Nguyên Sa sang Pháp sinh sống nhưng chỉ ba năm sau lại chuyển qua Mỹ. Ông mất ngày 18/4/1998, an táng tại nghĩa trang TP. Westminster. Trên mộ ông, bà Trịnh Thúy Nga cho khắc bài thơ của ông - được coi như một dự cảm: “Nằm chơi ở góc rừng này/ Chưa thiên thu cũng đã đầy cỏ hoang/ Xin em một sợi tóc vàng/ Làm hoa khởi sự cho ngàn kiếp sau/ Biết đâu thảo mộc bớt đau/ Biết đâu có bản kinh cầu dâng lên”.
Từ lúc người chồng thân yêu qua đời, bà Trịnh Thúy Nga ngày nào cũng ra nghĩa trang viếng và đặt những đóa cúc vàng rực trên mộ ông (Áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc). Bà viết trong hồi ký: “Hồi nhà tôi mới mất, ngày nào tôi cũng ra đây, sửa bông, cắt cỏ. Giờ thì lớn tuổi rồi, thì một tuần tôi ra thăm ông ấy 2 lần. Nhiều khi bực mình với ông ấy cũng ra đây nói cho ông ấy biết...”
Nguyên Sa tên thật là Trần Bích Lan, nguyên quán ở Huế. Ông cố là thượng thư Trần Trạm, giữ chức Hiệp tá Đại học sĩ trong triều đình thời vua Tự Đức, đến đời ông nội mới ra Hà Nội sinh sống.
Hà Đình Nguyên
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn