Bám biển mưu sinh

Thứ tư - 22/01/2025 12:15
 

Chị Nguyễn Thị Xuân gỡ lưới phụ giúp chồng để chuẩn bị cho chuyến vươn khơi mới. Ảnh: H.Nguyên.

Những phận đời lênh đênh

Cảng cá Cửa Sót những ngày này tấp nập tàu thuyền, ngư dân tất bật chuẩn bị ngư lưới cụ cho chuyến ra khơi mới với kỳ vọng có một cái Tết ấm no, đủ đầy. Trên mũi tàu, cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới như báo hiệu chuyến ra khơi đầy ắp tôm cá.

Đang thoăn thoắt gỡ lưới, sắp xếp nhu yếu phẩm đưa lên thuyền, chị Nguyễn Thị Xuân (43 tuổi, phường Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai, Nghệ An) chia sẻ: Hơn 20 năm nay, vợ chồng chị “định cư” ở cảng cá này để mưu sinh. Vốn sinh ra ở vùng biển ngang, nơi có Cảng cá Quỳnh Phương sầm uất, nên vợ chồng chị Xuân được bố mẹ truyền nghề và “ngấm” nghề đánh bắt hải sản từ nhỏ.

“Ở Quỳnh Phương đất chật người đông, tàu thuyền nhiều nên gia đình tôi di dời đến đây để bám biển mưu sinh. Đến đây không chỉ có vợ chồng tôi mà có đến trên 20 gia đình ở phường Quỳnh Phương đều di dời đến vùng biển Cửa Sót để đánh bắt hải sản” - chị Xuân nói.

Vợ chồng chị Xuân cưới nhau được 25 năm thì có đến hơn 20 năm sinh sống ở vùng Cảng cá Cửa Sót, xã Thạch Kim. Ban ngày, chị Xuân phụ giúp chồng là anh Hoàng Văn Liên (46 tuổi) cơm nước, vá lưới. Ban đêm, anh Liên một mình lái chiếc thuyền nhỏ vươn khơi, đánh bắt tôm, ghẹ. Thuyền cập bến, chị Xuân đón thuyền về gỡ lưới, đem hải sản nhập cho thương lái hoặc bán trên Cảng cá Cửa Sót.

Đang hì hục sửa soạn, gia cố thêm cho chiếc thuyền đã gắn bó với vợ chồng bao năm qua, anh Liên chia sẻ: Chiếc thuyền là sinh kế giúp vợ chồng tôi nuôi 3 đứa con khôn lớn, ăn học nên người. Vợ chồng chủ yếu ăn ở, sinh hoạt truyên thuyền nên cả đời cứ lênh đênh như thế. Làm nghề này vất vả, nguy hiểm, thu nhập bấp bênh vì phụ thuộc vào thời tiết. Trời cho ăn thì được ăn, trời không cho phải chịu…!

Để duy trì “lốt” mưu sinh ở vùng biển Thạch Kim, mỗi khi sinh con được khoảng 1 tuổi, chị Xuân phải đưa con đến với chồng. Con đến tuổi đi học lại đưa về gửi ông bà nội, ngoại ở quê. Cả 3 đứa con của vợ chồng chị Xuân đều phải nếm trải vị mặn mòi của biển, trải qua cuộc sống lênh đênh cùng bố mẹ từ nhỏ. Vất vả mưu sinh ở nơi xa xôi này, những cặp vợ chồng như chị Xuân chỉ mong con cái được học hành, có con chữ. “Làm lụng vất vả, ở xa nhưng nghe tin con học giỏi, chúng tôi mừng lắm, mong sao các con học hành đàng hoàng để thoát ly khỏi cuộc sống bấp bênh như bố mẹ” - chị Xuân chia sẻ.

Theo ngư dân, thuyền của ngư dân Quỳnh Phương chỉ đánh bắt vùng lộng. Khoảng 23 - 24h đêm xuất bến và cập bến vào trưa hôm sau. Trung bình chuyến đi biển của ngư dân doanh thu từ 1 đến 3 triệu đồng/chuyến, trừ chi phí thì lãi khoảng 5 trăm đến 1,5 triệu đồng/chuyến. Tuy nhiên, mỗi tháng chỉ đi được 10 - 20 chuyến.

Trên bờ đê, bà Hồ Thị Nghĩa (60 tuổi) cùng con trai Bùi Văn Hạnh (38 tuổi, trú phường Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai) đem theo nhiều đồ đạc như ngư lưới cụ, đá lạnh, thức ăn… để chuẩn bị cho một chuyến vươn khơi đánh bắt hải sản mới.

Cũng như những gia đình khác ở khu neo đậu tàu thuyền của Cảng cá Cửa Sót, gia đình bà Nghĩa có thâm niên mưu sinh ở đất này. Bà Nghĩa làm công tác hậu cần còn con trai và chồng đi biển đánh cá. Dẫu bước vào tuổi lục tuần nhưng cả hai vợ chồng bà Nghĩa vẫn phải lặn lội kiếm tiền, bám biển mưu sinh. “Sinh ra ở vùng biển Quỳnh Phương, tôi cũng không biết gia đình mình đã bao nhiêu thế hệ đi biển nữa. Yêu nghề, yêu biển nên tuổi tác không thành vấn đề” - bà Nghĩa nói.

Chỉ tay về khu trọ tạm bợ của những gia đình ngư dân phường Quỳnh Phương tá túc ở xã Thạch Kim, bà Nghĩa cho biết, họ cung cấp hải sản cho các cơ sở thu mua hải sản nên được gia chủ hỗ trợ chỗ ở miễn phí. Duy chỉ có vài gia đình đưa con đến ở cùng bố mẹ nên phải thuê nhà ở riêng.

Xóm trọ tạm bợ

Khu trọ của những ngư dân phương xa đến Thạch Kim mưu sinh chỉ cách Cảng cá Cửa Sót vài chục mét. Các cơ sở thu mua hải sản để dành mảnh đất phía sau rồi xây dựng phòng trọ cho các gia đình ngư dân tá túc.

Trong căn phòng trọ nhỏ lợp mái tôn phía sau Cơ sở thu mua hải sản Thu Cúc có đến 4 cặp gia đình chung sống. Trên sàn nhà, 4 người phụ nữ đang mải miết vá lưới. Căn phòng chỉ bố trí 2 nơi để ngư dân ngả lưng. “Chúng tôi đều quê ở phường Quỳnh Phương qua đây tá túc để làm nghề biển. Nơi sinh hoạt, nghỉ ngơi khá chật nhưng chúng tôi ở quen rồi nên cũng thấy bình thường. Cùng quê, cùng cảnh ngộ nên mọi người hỗ trợ, giúp đỡ nhau để vượt qua hoàn cảnh” - một ngư dân vui vẻ nói.

Ở chung với mọi người được 2 năm, vợ chồng anh Bùi Văn Ngọc (34 tuổi) và chị Lê Thị Hồng (32 tuổi) đưa 2 con đến ở cùng nên phải thuê nhà, tách ra ở riêng. Gia đình 4 người quây quần trong căn phòng nhỏ khoảng 45m2. Họ đặt tấm phản làm giường ngủ và bố trí một phần diện tích nhỏ làm bếp, khu vệ sinh, ưu tiên không gian để vá lưới, để đồ. “Dẫu vất vả nhưng con cái ở cùng bố mẹ mới yên tâm làm việc được” - chị Hồng nói và cho biết, nghề đi biển không chỉ cực nhọc mà hiểm nguy luôn rình rập, nhất là vào mùa mưa bão. Tháng 7/2024, thuyền của chồng chị từng bị lật úp giữa biển, may mắn người sống sót nhưng thiệt hại về kinh tế rất lớn.

Theo Giám đốc Ban Quản lý các cảng cá Hà Tĩnh Bùi Tuấn Sơn, có khoảng 20 gia đình từ phường Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai, Nghệ An qua đây mưu sinh. Những ngư dân này có kinh nghiệm làm nghề và du nhập nghề đánh bắt mới để ngư dân địa phương học hỏi, nhất là nghề lưới ghẹ và bắt ốc hương. “Là người ngoài địa phương đến nên họ rất có ý thức trong việc chấp hành các quy định của cảng cũng như cơ quan chức năng, địa phương. Đơn vị cũng tạo điều kiện về ngư trường, nơi neo đậu tàu thuyền cũng như địa điểm buôn bán hải sản để ngư dân vãng lai bình đẳng với người địa phương” - ông Sơn nói.

HẠNH NGUYÊN

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây