Cách làm này góp phần mở ra cơ hội phát triển nghề, mở rộng thị trường tiêu thụ, tăng thu nhập cho người sản xuất.
Sản xuất bánh tẻ Phú Nhi tại phường Phú Thịnh (thị xã Sơn Tây). Ảnh: Nguyễn Quang
Nhiều sản phẩm đặc sắc
Bánh tẻ Phú Nhi của thị xã Sơn Tây là món quà dân dã, thân thiện và là nét văn hóa đặc trưng của người dân làng cổ trù phú ven sông Hồng. Nhiều người chọn mua bánh làm quà biếu người thân, bạn bè vào mỗi dịp lễ hội, Tết đến, xuân về. Bánh tẻ được làm từ những nguyên liệu quen thuộc là gạo tẻ, thịt lợn, mộc nhĩ, hành khô... Song, để có được những chiếc bánh thơm ngon, đòi hỏi kinh nghiệm, sự khéo léo, chỉn chu của người thợ.
Nối tiếp và phát huy truyền thống làng nghề, các cơ sở sản xuất bánh tẻ Hùng Vân (hộ kinh doanh Nguyễn Xuân Hùng) và Thanh Bình (hộ kinh doanh Phạm Thị Bình), đều ở phường Phú Thịnh, chuyên cung cấp cho thị trường bánh tẻ chất lượng.
Ông Nguyễn Xuân Hùng chia sẻ, quy trình sản xuất bánh cần sự tỉ mỉ và công phu, từ khâu ngâm gạo, quấy bột, làm nhân, gói, hấp bánh, đến khi ra thành phẩm. Nguyên liệu sản xuất bánh tẻ là loại gạo thơm ngon, nhân là thịt ba chỉ và gia vị được lựa chọn kỹ. Lá gói bánh là lá dong rừng tươi, lá chuối khô dẻo và phải bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm.
Để nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm, năm 2020 và 2021, các cơ sở sản xuất bánh tẻ Hùng Vân, Thanh Bình đã tham gia Chương trình OCOP và đều đạt sản phẩm OCOP 4 sao. Nhờ đó, lượng sản phẩm tiêu thụ tăng gấp 2-3 lần.
Bà Phạm Thị Bình cho hay, cơ sở tạo việc làm cho khoảng 20 lao động thường xuyên và thời vụ với thu nhập từ 200.000 đến 250.000 đồng/người/ngày. Theo quy định, sản phẩm OCOP của cơ sở đã hết thời hạn công nhận, nên năm 2024, cơ sở đăng ký tham gia đánh giá lại. Quyết tâm giữ vững hạng 4 sao, cơ sở đã đầu tư máy móc thiết bị sản xuất, nhập nguyên liệu có truy xuất nguồn gốc, in tem nhãn dán, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Còn tại làng cổ Đường Lâm, du khách đến nơi đây được thưởng thức những món ăn cổ truyền, đậm hương vị xưa. Nổi bật là món cá trắm kho tộ được người dân Đường Lâm giữ gìn, truyền lại qua nhiều thế hệ.
Ông Khuất Văn Thắng (chủ hộ kinh doanh Bếp làng Đường Lâm) chia sẻ, cá trắm được kho theo công thức riêng của gia đình. Năm 2023, sản phẩm “cá trắm kho tộ” của cơ sở đã đạt OCOP 3 sao. Sau khi đạt sản phẩm OCOP 3 sao, lượng tiêu thụ “cá trắm kho tộ” của cơ sở tăng mạnh. Năm 2024, cơ sở đăng ký sản phẩm bánh chè lam tham gia Chương trình OCOP và dự kiến năm 2025 tiếp tục đăng ký tham gia đối với sản phẩm nước khế đóng bình thủy tinh.
Chủ tịch UBND xã Đường Lâm Phạm Thị Lệ Thủy cho biết, từ năm 2019 đến nay, xã có 9 sản phẩm: Kẹo lạc, kẹo dồi, gạo lứt, vừng trắng, vừng đen, gà mía, cá trắm kho tộ của 4 chủ thể tham gia Chương trình OCOP và đều đạt 3 sao. Xã Đường Lâm luôn khuyến khích các chủ thể có sản phẩm là đặc sản của địa phương đăng ký tham gia Chương trình OCOP và giới thiệu tới du khách tham quan làng cổ, góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ, tăng thu nhập cho người dân.
Hỗ trợ nhận diện thương hiệu
Phó Trưởng phòng Kinh tế thị xã Sơn Tây Bùi Hồng Hà thông tin, thị xã hiện có 103 sản phẩm đạt OCOP 3 sao, 4 sao; trong đó có 34 sản phẩm đã hết hạn chứng nhận, đang được thị xã tuyên truyền, vận động các chủ thể hoàn thiện hồ sơ để đánh giá lại. Năm 2024, thị xã có 21 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP, sẽ được đánh giá, phân hạng dịp đầu tháng 12, trong đó có 10 sản phẩm đánh giá lại.
Từ hiệu quả rõ rệt khi các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Phùng Huy Vinh cho biết, thị xã đã và đang tích cực tuyên truyền, khuyến khích các tổ chức, cá nhân phát triển sản phẩm mới, nhất là lĩnh vực du lịch, dịch vụ cộng đồng, nhằm đa dạng hóa sản phẩm, phát huy lợi thế về điều kiện tự nhiên, giá trị văn hóa, lịch sử, làng nghề, làng nghề truyền thống. Tại xã nông thôn mới kiểu mẫu Kim Sơn, thị xã đã hỗ trợ xây dựng dịch vụ du lịch cộng đồng thôn Lòng Hồ, hoàn thiện các thủ tục liên quan để đề nghị thành phố công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao thuộc nhóm sản phẩm “Dịch vụ, du lịch cộng đồng”.
Đối với những chủ thể có sản phẩm tham gia Chương trình OCOP, thị xã sẽ tiếp tục tư vấn, hướng dẫn xây dựng và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, thiết kế tờ rơi, mẫu mã, bao bì, in tem chứng nhận OCOP… Những sản phẩm đã được công nhận đạt OCOP được thị xã hỗ trợ xúc tiến thương mại, với các hình thức: Giới thiệu trên các phương tiện truyền thông đại chúng; hỗ trợ tham gia hội chợ, triển lãm giới thiệu và trưng bày sản phẩm OCOP trong và ngoài thành phố; hỗ trợ biển quảng cáo, nhận diện tại các điểm trưng bày, bán sản phẩm OCOP trên địa bàn thị xã để du khách, người tiêu dùng biết đến, giúp mở rộng thị trường tiêu thụ và nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm.
Ánh Dương
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn