Đó là câu chuyện về cụ Nguyễn Văn Dưỡng (SN 1945), trú tại tổ dân phố 7, thị trấn Phố Châu, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.
Từng là một cán bộ công tác trong ngành bưu điện, nay cụ Nguyễn Văn Dưỡng đã tròn 60 năm tuổi Đảng. Sau khi nghỉ hưu, cụ dành hết thời gian của mình đi khắp nơi tìm kiếm những bức ảnh, tư liệu về Bác Hồ. Sau hơn 30 năm lặn lội sưu tầm, cụ đã sở hữu một kho tư liệu quý giá với gần 2.000 bức ảnh và các tư liệu viết về cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Cụ Nguyễn Văn Dưỡng lưu giữ những hình ảnh quý về Bác Hồ.
Nhìn bộ sưu tập được dán đầy ắp ảnh, cho đến những cuốn sách viết tay dày cộp về Chủ tịch Hồ Chí Minh, thật khó tưởng tượng được tình cảm, tâm huyết của người Đảng viên dành cho Bác Hồ lớn đến nhường nào.
Trong ngôi nhà gỗ mộc mạc, những cuốn sách, bài báo, tấm ảnh từ đen trắng đến ảnh màu của các tác giả ca ngợi về cuộc đời, sự nghiệp của Bác Hồ được cụ Dưỡng sưu tầm từ năm 1994 đến nay. Cụ sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp theo từng giai đoạn. Mỗi tư liệu, tấm ảnh đều gắn liền với một mẩu chuyện, bài viết hay về Người.
Ngoài sưu tầm tư liệu về Bác Hồ, cụ Dưỡng còn có niềm đam mê sưu tầm tem thư về hình ảnh Bác Hồ và quê hương, đất nước. Chỉ tính riêng bộ sưu tập tem của cụ đã khoảng hơn 2.000 con tem về con người, đất nước Việt Nam trong những năm kháng chiến.
Cụ Nguyễn Văn Dưỡng cùng người vợ Nguyễn Thị Lan trong căn phòng trưng bày bộ sưu tập tư liệu về Bác Hồ kính yêu.
Cụ Dưỡng cho biết, bộ sưu tập về tư liệu Bác Hồ ngày trước khá nhiều, chỉ tiếc trận lũ năm 2002 đã làm hư hỏng hàng trăm bài báo, bức ảnh mà cụ đã dày công sưu tầm trước đây.
Suốt những năm qua, để có được bộ sưu tập quý giá về Bác Hồ, cụ Dưỡng đã lặn lội đến từng nhà của người thân, đồng đội và các cơ quan đoàn thể trong tỉnh để xin những số báo cũ. Trong đó, cụ đặc biệt chú ý các số báo chào mừng, kỷ niệm về ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày sinh nhật Bác, ngày Tết Độc lập 2/9 để chép lại các bài viết và cắt ra những tấm hình của Bác.
Và dẫu gặp nhiều khó khăn, nhưng người Đảng viên ấy vẫn luôn cần mẫn tìm kiếm, lưu giữ từng "mảnh ký ức", ghép lại thành một kho tàng để phục vụ mục đích thiêng liêng.
Không gian trưng bày ảnh Bác Hồ tại gia đình cụ Dưỡng thu hút đông đảo đoàn viên thanh niên đến xem vào mỗi dịp lễ lớn của đất nước.
Giờ đây, căn phòng nhỏ của vợ chồng cụ luôn tràn đầy những dấu ấn thời gian hào hùng. Mỗi lần ngắm lại bộ sưu tập một tay cụ dày công sưu tầm suốt hơn 30 năm qua, cụ Dưỡng tự hào: "Thực ra tôi đam mê sưu tập về tư liệu Bác Hồ từ những năm 1965. Nhưng hồi đó không có thời gian và điều kiện còn khó khăn. Đến năm 1994 tôi quyết định sưu tầm tư liệu ảnh và bài viết về Bác để thế hệ trẻ hôm nay và mai sau hiểu rõ hơn cuộc đời, những cống hiến, hy sinh to lớn của Người. Từ đó noi gương, học tập tấm gương người lãnh tụ vĩ đại suốt đời vì nước, vì dân".
Chỉ vào mỗi bức ảnh, cụ Nguyễn Văn Dưỡng giới thiệu cho tôi một loạt những sự kiện đi cùng. Cụ cho biết, sau khi sưu tầm, cụ đã kĩ càng chọn lựa, phân loại và sắp xếp tư liệu về Bác theo thứ tự thời gian.
Ngoài sưu tập về tư liệu Bác Hồ, cụ Nguyễn Văn Dưỡng còn sưu tập gần 2.000 con tem qua các thời kỳ lịch sử kháng chiến của đất nước.
Và cũng chính vì thế, từ khi cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ra đời đã có rất nhiều đoàn thể, cá nhân trên địa bàn tìm đến nhà cụ Dưỡng xin được xem, chụp, in sao ảnh ra để mang về làm giáo án và tài liệu giảng dạy cho học trò.
Anh Đinh Tuấn Dũng, Bí thư Đoàn thanh niên thị trấn Phố Châu, huyện Hương Sơn, cho biết: "Ở địa phương nhắc đến tấm gương cụ Dưỡng, từ học sinh đến các bậc cao niên đều biết rõ. Giờ đây, ngôi nhà cụ giống như một phòng trưng bày hình ảnh và bài viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Căn nhà ấy là điểm đến của các đoàn thanh niên, học sinh trong và ngoài địa phương vào các dịp lễ lớn của đất nước, kỷ niệm ngày sinh, ngày mất của Bác. Đến đây, mọi người được nghe cụ Dưỡng kể về những câu chuyện gắn với cuộc đời và sự nghiệp của Bác".
Sự đam mê sưu tầm, thu thập những tư liệu hình ảnh, bài báo, bài thơ nói về Bác và các tác giả viết về Bác của cụ Nguyễn Văn Dưỡng là một việc làm quý, không chỉ thể hiện tình yêu và sự tôn kính của cụ đối với Bác Hồ kính yêu, mà còn góp phần giáo dục cho các thế hệ hôm nay hiểu sâu sắc hơn về cuộc đời, sự nghiệp, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Thiện Quyền
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn