Từ mùa xuân cũ

Thứ hai - 24/02/2025 01:15
 

Mẹ nhẹ nhàng vuốt lại sống áo cho phẳng phiu rồi dặn Tâm: “Sớm nay, con đến cửa nhà thầy phải gọi thật khẽ nhé, không được hét toáng lên. Sau đó đứng sang bên trái, đợi thầy mở cửa thì kính cẩn cúi đầu chào rồi cất lời chúc như mẹ đã dặn. Thầy dặn gì phải nghe kỹ, nhớ kỹ không được quên từ nào…”.

Minh họa: Hiền Nhân.

Thực ra những câu ấy năm nào cậu cũng được nghe. Xốc lại cái túi thổ cẩm bên hông, Tâm như thấy chiếc bút, cuốn sổ cũng đang thích thú nhảy nhót trong đó. Hôm nay, chúng sẽ được bước ra ngoài đón năm mới bằng một cách riêng. Lòng cậu vui như hôm theo mẹ đi hội làng.

Cánh cổng vừa mở, Tâm định cất lời chào thì giật mình thấy đâu phải thầy Thịnh mà là một cậu bé chừng bảy hoặc tám tuổi. Ô hay! Sao lại có cậu bé này ở đây? Tâm hỏi thì nó nói lí nhí giải thích là ông nội bị ốm nên nó đến trông ông. À, hiểu rồi vì có lần Tâm nghe bố mẹ kể rằng thầy Thịnh chỉ có một người con duy nhất đang ở nước ngoài. Thầy lên đây công tác từ lúc còn trẻ rồi ở lại chứ không về thành phố biển quê hương.

Thầy Thịnh đang nằm thấy Tâm bước vào liền gắng gượng ngồi dậy. Nhìn thầy xanh và gầy hơn mọi khi, bao nhiêu lời hay, ý đẹp mẹ dặn dù đã thuộc làu nhưng Tâm bỗng quên khuấy. Cậu vội bước đến nắm cổ tay thầy, tay thầy nhăn nheo, mạch đập yếu hơn hôm nắm tay thầy đi qua suối.

- Thầy ơi, sao thầy lại bị ốm, thầy khỏe đi để dạy con viết chữ.

Thầy Thịnh nở nụ cười trên gương mặt khắc khổ rồi xoa đầu Tâm:

- Cậu bé ngoan, năm nay định mang đến cho ông giáo già này niềm vui gì nào?

-Dạ, con có bút hoa, vở mới mang đến để thầy dạy khai bút ạ!

- Ôi, đáng yêu quá, chẳng phải mẹ con và bây giờ là cả chị con cũng đang là những nhà giáo giỏi đó sao?

- Thưa thầy, bố mẹ con bảo: "Suối có nguồn, cây có gốc rễ". Thầy là nguồn nước, là gốc gác đó ạ nên năm mới phải xin chữ thầy để chăm ngoan, học giỏi.

Thầy Thịnh quay sang đứa cháu: “Thành này, cháu hãy mở tủ lấy chiếc hộp khảm xà cừ cho ông nhé”.

Cậu bé tên Thành cẩn thận xếp gọn từng cuốn sách lên bàn rồi lấy chiếc hộp ra đưa đến tay ông nội bằng hai tay cung kính. Đón lấy chiếc hộp, chưa vội mở ra xem ngay, thầy Thịnh quay sang nói với Tâm:

- Con có biết trên đời điều gì quý giá nhất không?

Tâm suy nghĩ giây lát rồi lễ phép thưa:

- Thưa thầy là các báu vật ạ…

Thấy ông nội khẽ mỉm cười, Thành quay sang nhìn bạn tỏ ý đắc thắng và nói vội:

- Thưa ông có phải là kiến thức không ạ?

Thầy Thịnh trầm ngâm nhìn hai đứa trẻ rồi khẽ lắc đầu.

- Các con biết không, trên đời có muôn vàn thứ quý giá. Trong từng thời điểm chúng ta nhận ra điều ấy. Này nhé, người đi câu bị tuột mấy con cá khi tháo lưỡi câu có tiếc không? Người bị mất chiếc xe đạp, người không may bị lửa thiêu rụi căn nhà… tiếc, tiếc lắm chứ nhưng những thứ đó có thể kiếm lại được. Người có ít hiểu biết có thể miệt mài siêng năng, tích lũy để bổ sung… Chỉ có sự hồn nhiên là không bao giờ có được.

Nói rồi, thầy Thịnh đưa tay lấy chiếc gậy trúc ở đầu giường đứng dậy nói với hai đứa trẻ:

- Các con có thấy hai chiếc bàn gỗ nhỏ ở mé hiên sau nhà không? Phía có cây mận đang nở là bàn của Tâm, phía có cây đào đương khoe sắc là bàn của Thành. Các con hãy viết những gì đang nghĩ trong lòng vào từng cuốn vở. Lần này sẽ không phải viết những gì ông dạy nữa…

* * *

Có một chú chim khuyên nhỏ từ đâu bay về đậu trên cành mận ngó nghiêng, chiếc mỏ nhỏ xíu vang lên những tiếng hót líu ríu thật đáng yêu. Bên phía cây đào phai đang nở những cánh hoa đẹp nhất có một cơn gió mát lành đang thổi khẽ làm lay động từng cánh mỏng. Hình như tất cả những điều bé nhỏ ấy đều khiến tâm hồn hai cậu bé có chút xao động. Thành có vẻ đang rất đắn đo. Ở phía bên này, Tâm cũng đang cắn bút. Thầy Thịnh nhận thấy sự hồi hộp trong tâm hồn hai đứa trẻ. Chúng hết ngó nhau lại ngước nhìn về phía ông. Thầy mỉm cười hiền từ rồi ra hiệu cho hai đứa trẻ lại gần:

- Thế các con có muốn được đọc những dòng khai bút của bố mẹ mình ngày còn bé như các cháu bây giờ không?

Cả hai đứa đều ngơ ngác nhìn thầy. Thầy Thịnh mở chiếc hộp gỗ, lấy ra hai cuốn vở học trò đã ngả màu thời gian và cẩn thận lần giở từng trang giấy rồi đặt lên bàn:

- Các con hãy đọc xem, ngày xưa mẹ của Tâm và cha của Thành đã viết những gì trong mùa xuân mới…

Tâm run run cầm cuốn vở của mẹ. Chữ mẹ viết ngày xưa đẹp quá, những gì mẹ viết mới thật cảm động:

“Hôm nay, mùng ba Tết, con thức dậy từ rất sớm rồi đi men theo dòng suối đến tận mó nước trong vắt, múc đầy một ống nước đem tới đổ vào chum nước nhà thầy. Chữ của thầy cũng như một dòng suối mát trong vắt hằng ngày chúng con được uống từng lời. Mấy hôm nay trời lạnh, con biết vết thương ở chân thầy tái phát, thầy không vào mó lấy nước được. Các bạn lớp con rủ nhau mỗi người góp một ống bương nước…”

Ở phía bàn bên kia, Thành cũng đang lặng im đọc những dòng chữ cha viết cách đây hai mươi năm:

“Con cũng như các bạn khác trong lớp đều được cha đối xử công bằng và nghiêm khắc. Có khi các bạn về con vẫn phải ở lại chép bài. Sáng con thức dậy đã thấy vại nước nhà mình đầy ắp. Con đi vòng ra sau núi, hái được một ít rễ cây về. Ngày mẹ còn sống, mẹ dặn con khi nào cha đau thì đem rễ ấy đun với nước cho cha uống sẽ giảm đau. Con chỉ mong chân cha hết đau để lại leo con dốc cao lên với lớp học bốn mùa gió thổi…”.

Thầy Thịnh cất tiếng cắt ngang dòng suy nghĩ của hai đứa trẻ.

- Năm mới, các con hãy viết những gì mình cảm thấy xúc động nhất, yêu quý nhất thì đó mới là khai bút, khai mở tâm hồn mình. Mỗi con chữ sẽ như một bông hoa tươi đẹp của mùa xuân.

Ánh mặt hai cậu bé sáng lên, Tâm lễ phép:

- Thưa thầy, con thấy mình phải chăm ngoan hơn, phải biết quan tâm đến người khác để có những điều hay ghi vào trang vở.

Thành nhanh nhảu:

-Cả cháu nữa, cháu còn chưa làm được hết những lời ông nội chỉ bảo…

Thầy Thịnh đưa tay ôm hai đứa trẻ vào lòng:

- Các con còn có cả cuộc đời để làm những điều đó mà. Đôi khi, chỉ cần có những điều chân thật ấy trong lòng chứ đâu cần phải viết ra cũng đủ làm ông bà, bố mẹ thấy hạnh phúc lắm…

* * *

Hai mươi năm sau, trở lại thung lũng nằm giữa hai ngọn núi cao này, Tâm không thể nhận ra đâu là xóm nhà gỗ lợp ngói đỏ ngày trước nữa. Sau nhiều lần sạt lở, toàn bộ cư dân và điểm trường đã được chuyển đến một nơi có thế đất vững chắc với hạ tầng cơ bản. Người dân xây nhà cao tầng, mở dịch vụ kinh doanh ăn, nghỉ tạo ra một khu phố tấp nập. Tâm bước vào quán, gọi một ly cà phê, bắt chuyện với chủ quán và một vài người khách nhưng những gì anh hỏi đều xa lạ với họ.

Trước khi trở về đây, anh cũng tự nhủ chỉ cần được sống lại cảm giác của giá rét, ngắm dòng suối chảy phía dưới kia và hồi tưởng về những ngày thơ bé đã là hạnh phúc lắm rồi. Sau chừng ấy đổi thay, anh lại có mặt ở đây ngày mùng Ba Tết. Đứng trả tiền, Tâm cầm chiếc áo khoác vắt lên vai rồi bước ra xe thì bỗng nghe tiếng gà trống gáy. Anh đưa mắt nhìn xung quanh và nhận ra một chú gà rừng có bộ lông sặc sỡ đang đứng trong chiếc lốp xe, chân được xích bằng sợi xích nhỏ ở ngay quán bên cạnh. Thấy có khách hỏi mua, chị chủ quán bảo:

- Gà này có ai mang tiền tỷ đến chồng em cũng nhất định không chịu bán đâu bác ạ!

- Vậy chắc anh nhà là người thích nuôi gà rừng lắm.

- Thật ra cũng không hẳn thế đâu, là ông ấy thích nghe tiếng gà gáy sáng. Cả khu này không còn con gà rừng nào nữa, gà nhà thì không ai nuôi.

Tâm nghe xong thấy lạ, hình như anh đã từng có một người bạn như thế nhưng chính anh không thể nhớ ra được đã gặp ở đâu. Đúng lúc ấy, chồng của chị chủ quán bước ra, dáng người gầy yếu nhưng dù thời gian có làm đổi thay đến thế nào thì anh vẫn nhận ra, vội chạy đến nắm chặt hai vai người đó:

- Thành, có phải Thành đấy không?

Thành sau phút ngỡ ngàng cũng ôm chầm lấy Tâm:

-Sao bây giờ cậu mới trở về ?

Hai người bạn lại có dịp ngồi bên nhau. Họ mở một cuốn sổ cũ cùng lấy bút viết những dòng chữ đầy xúc động dưới bầu trời mùa xuân…

Truyện ngắn của Bùi Việt Phương

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây