Ông bà chăm cháu - tình thương hay trách nhiệm?

Thứ bảy - 23/11/2024 10:15
 

Theo tập tục và văn hóa truyền thống, gia đình người Việt thường là các gia đình nhiều thế hệ - ông bà, cha mẹ và con cháu sống chung. Người già khi hết tuổi lao động được mặc định sẽ trông giữ các cháu thay con cái. Thế nhưng, sự mặc định này đang khiến nhiều người già rơi vào cuộc sống kém chất lượng.

Ở tuổi xế chiều, được vui vầy cùng con cháu là niềm hạnh phúc của nhiều người già.

Cách đây 3 năm, bà Vân (Thạch Hà) được nghỉ hưu theo chế độ. Nhiều năm làm công nhân vệ sinh môi trường, sức khỏe của bà cũng kém đi nhiều nên bà hy vọng nghỉ hưu để được sống nhàn nhã, có thời gian chăm sóc bản thân hơn.

Nhưng rồi bà vừa nghỉ hưu được gần 1 năm thì con gái có bầu, sinh con. Con gái và con rể bà Vân công việc bấp bênh, thu nhập không cao nên không đủ chi phí thuê giúp việc và bà phải trở thành “bảo mẫu” của cháu.

“Dù không ở chung nhà với các con nhưng buổi sáng tôi phải dậy sớm đến trông cháu cho con gái đi làm. Hằng ngày, vừa trông cháu, vừa cơm nước, giặt giũ cho con cháu. Tối mịt tôi mới về nhà mình trong trạng thái mệt rã rời. Nhiều hôm, các bà bạn hưu trí gọi điện rủ đi uống cà phê trò chuyện nhưng tôi chẳng có thời gian, tâm trí đâu mà gặp gỡ nữa” - bà Vân chia sẻ.

Với nhiều gia đình, do hoàn cảnh hoặc điều kiện kinh tế khó khăn, việc để ông bà hỗ trợ chăm cháu được xem là lựa chọn tối ưu. Tuy nhiên, cũng không ít trường hợp gia đình trẻ ỷ lại, đẩy hết trách nhiệm chăm sóc, dạy dỗ con cái cho ông bà nội, ngoại.

Chơi đùa, thư giãn cùng con cháu theo những cách phù hợp với điều kiện sức khỏe là để ông bà có thời gian nghỉ ngơi.

Đó là câu chuyện của gia đình bà Hoan ở TP Hà Tĩnh. Vợ chồng con trai bà Hoan đều làm việc tại cơ quan Nhà nước, có 2 cháu trai đang học cấp 1. Bà Hoan và chồng ở gần nhà các con nên thường đi lại thăm nom các cháu; thỉnh thoảng 2 cháu về ở cùng ông bà khi bố mẹ đi công tác xa nhà. Thời gian gần đây, con dâu thường xuyên nhờ ông bà lên trường đón cháu và “tiện cho cháu ăn cơm tối nhà ông bà luôn” vì hai vợ chồng trẻ bận đi chơi thể thao đến khuya mới về.

Bà Hoan chia sẻ: “Ngày thường, vợ chồng tôi ăn uống, sinh hoạt theo chế độ của người già, nay có các cháu nhỏ về ăn cơm, ông bà phải nấu nướng nhiều món, chế biến cầu kỳ. Chưa kể tôi phải mất nhiều thời gian dỗ cháu ăn, dọn dẹp đồ chơi, hướng dẫn cháu học bài. Có các cháu ở cùng thì ông bà cũng vui nhưng cuộc sống bị đảo lộn, sức khỏe ảnh hưởng không ít”.

“Chịu đựng” được hơn 3 tháng thì vợ chồng bà Hoan “trả cháu về nơi sản xuất”, yêu cầu các con phải dành nhiều thời gian hơn để chăm sóc, dạy bảo con cái; ông bà chỉ hỗ trợ những lúc thật sự cần thiết.

Bố mẹ vẫn là người chăm sóc, nuôi dưỡng chính nên cần dành nhiều thời gian cho con.

Ngày nay, điều kiện kinh tế phát triển, quan niệm của nhiều người về vấn đề này cũng đã thay đổi. Không đồng tình với việc đổ hết trách nhiệm chăm cháu cho ông bà, chị Nga (36 tuổi) bày tỏ quan điểm: “Con cái là trách nhiệm của cha mẹ nên khi sinh con, vợ chồng phải tự cân đối, sắp xếp việc chăm sóc, nuôi dạy. Tôi ở gần cả nhà nội, nhà ngoại, nhưng chỉ trong trường hợp đột xuất, không sắp xếp được thời gian thì mới nhờ đến ông bà. Chúng tôi coi việc ông bà chăm cháu là tình thương, không phải trách nhiệm chính”.

Bảo Hân

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây