Dù tuổi đã cao, tóc đã bạc nhưng dấu chân thiện nguyện của cô Huỳnh Thị Thy Hải (SN 1957; ngụ thị trấn Củng Sơn, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên) vẫn tiếp tục sải dài trên nhiều vùng quê nghèo, đến với những hoàn cảnh khó khăn. Cô còn giúp hàng trăm người nghèo có cỗ áo quan ấm cúng khi trở về với đất mẹ.
Làm từ thiện khi còn đứng lớp
Qua những lần thực hiện ảnh trưng bày về các điển hình học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ chí Minh trên địa bàn huyện Sơn Hòa, đồng thời theo dõi những dòng sẻ chia của cô Hải về nhiều nghịch cảnh, chúng tôi mới thấu hiểu tấm lòng của một cô giáo về hưu đối với những người nghèo khó.
Vào một sáng cuối tháng 11-2024, chúng tôi gặp cô Hải khi cô vừa trở về sau chuyến trao quà của các nhà hảo tâm gửi tặng những hoàn cảnh khó khăn. Dựng chiếc xe máy đã gắn bó với mình suốt hành trình làm từ thiện, cô niềm nở tiếp chúng tôi với chất giọng ấm áp cùng nụ cười phúc hậu.
Đề cập những việc làm từ thiện của mình, cô Hải cho biết đã gắn bó với công việc này từ khi còn là giáo viên. Thời điểm đó, chứng kiến nhiều học sinh có hoàn cảnh hết sức khó khăn, cô đã đứng ra quyên góp hỗ trợ quần áo, đồ dùng học tập để các em có điều kiện tiếp tục đến trường.
Năm 2012, khi về hưu, cô Hải đã dành toàn tâm toàn ý cho công việc thiện nguyện. "Có thời gian đi nhiều nơi và tiếp xúc những mảnh đời bất hạnh, tôi thấy cần phải nỗ lực hơn nữa để có thể giúp được nhiều người yếm thế trong xã hội" - cô bộc bạch.
Từ đó, không quản ngại khó khăn, nghe ở đâu có người gặp hoạn nạn, cô Hải liền lặn lội đến tìm hiểu và nghĩ cách vận động, quyên góp để hỗ trợ. Nhiều năm qua, cô đã tích cực kêu gọi các nhà hảo tâm tặng quà, tiền mặt cho nạn nhân chất độc da cam, người dân vùng bão lũ; hỗ trợ xe lăn cho người tàn tật... Dấu chân thiện nguyện của cô đã in trên nhiều nẻo đường trong và ngoài huyện, đến với những người đang cần sự giúp đỡ.
Đó là ông Lê Văn An - ngụ xã Hòa Định Tây, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên - bị tai nạn gãy chân. Ông An vốn bị hư một mắt, phải ngồi một chỗ không đi lại được, gia đình hết sức khó khăn. Cô Hải đã kết nối với các nhà hảo tâm giúp ông xe lăn để làm phương tiện đi lại.
Hôm đi cùng cô Hải đến trao tặng xe lăn, chúng tôi không kìm được cảm xúc, hòa chung niềm hạnh phúc với ông An khi nhận món quà mà ông hằng ao ước. Ông xúc động: "Có chiếc xe này, vợ tôi có thể đưa tôi ra đường đi dạo hay gặp gỡ, trò chuyện với những người hàng xóm".
Đó là bà Mí Dú - một phụ nữ người dân tộc thiểu số, thuộc diện hộ nghèo ở xã Sơn Phước, huyện Sơn Hòa - vốn đã khó khăn càng thêm túng quẫn khi nhà bất ngờ bị cháy. Nghe tin, cô Hải lập tức tìm đến để hỗ trợ gia đình bà.
"Hôm đó, nhà bị chập điện, lửa thiêu rụi mọi thứ trong gia đình. Số tiền 1,2 triệu đồng của đứa con trai lớn đi chặt cây keo thuê gửi về nhà để dành mua gạo ăn cũng bị cháy. May mà nhờ cô Hải giúp nên gia đình mới tạm thời có cái ăn, cái mặc" - bà Mí Dú cảm kích...
Dù tuổi cao nhưng cô Huỳnh Thị Thy Hải luôn tích cực tham gia hiến máu cứu người. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Gần 50 lần hiến máu
Ngoài những hoạt động giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn, 10 năm qua, cô Hải còn cùng các thành viên nhóm Bếp ăn Tình thương của Bệnh viện Đa khoa (nay là Trung tâm Y tế) huyện Sơn Hòa phát cơm, cháo miễn phí cho bệnh nhân nghèo.
Để có được những suất ăn sáng và trưa miễn phí cho bệnh nhân vào thứ ba và thứ năm hằng tuần, các thành viên Bếp ăn Tình thương phải thức dậy từ rất sớm, phân công nhau đi chợ, nấu nướng, phân chia khẩu phần... Tuy vất vả nhưng ai cũng vui vẻ, hạnh phúc khi nhìn thấy nụ cười trên khuôn mặt những bệnh nhân nghèo khi được nhận phần ăn ấm áp và tràn đầy yêu thương. Việc làm đó đã góp phần giúp hàng ngàn lượt bệnh nhân vơi bớt khó khăn trong thời gian điều trị.
Nhận suất cơm trưa còn nóng hổi từ các thành viên Bếp ăn Tình thương, bà Mí Lú - một bệnh nhân đang điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Sơn Hòa - nghẹn ngào: "Mình điều trị ở đây đã nhiều ngày rồi. Gia đình mình ở xa, thuộc diện khó khăn. Vì vậy, những suất ăn miễn phí đã giúp những bệnh nhân như mình đỡ tốn một khoản chi phí đáng kể".
Bên cạnh đó, cô Hải còn tích cực hiến máu tình nguyện không ngừng nghỉ, với gần 50 lần. Ông Huỳnh Duy Nhất - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Sơn Hòa - nhận xét: "Cô Hải là một tấm gương tiêu biểu, luôn tiên phong, tích cực trong phong trào hiến máu tình nguyện của huyện. Với gần 50 lần chia sẻ giọt máu đào để trao niềm hy vọng cho những bệnh nhân cần truyền máu, việc làm của cô không phải ai cũng làm được, nhất là khi tuổi đã cao".
Cô Hải trao những suất cơm miễn phí cho bệnh nhân nghèo. Ảnh: LÊ NGỌC
Quan tài 0 đồng cho người đã khuất
Chúng tôi đặc biệt ấn tượng về chuyện cô Hải kết nối với bạn bè, người quen, các tổ chức xã hội ở tận TP HCM, vận động tặng quan tài cho các hộ nghèo khi có người thân qua đời. Đến nay, cô đã tặng 468 chiếc quan tài cho những người nghèo đã khuất.
Cô Hải nhớ lại: "Nhiều cảnh đời rất bất hạnh, khi đưa quan tài đến nơi, tôi thấy người mất nằm cô quạnh đến đau lòng. Nhiều gia đình hết sức khó khăn, cùng cực lắm họ mới hỏi xin chiếc áo quan cho người thân đã mất. Vì vậy, khi nhận được điện thoại của gia đình người quá cố, dù bận đến mấy tôi cũng gấp rút đưa quan tài đến tận nhà".
Miền Trung vào mùa mưa lâm thâm, gió quật từ sông Ba khiến rừng keo nghiêng ngả. Trong đêm tối, chiếc quan tài 0 đồng thứ 468 mà cô Hải vận động được từ một cơ sở mai táng ở quận 8, TP HCM vận chuyển đến nhà người đã khuất để kịp giờ khâm liệm.
Ông Phạm Văn Châu - xã Hòa Định Tây, huyện Phú Hòa - mất ở Bệnh viện Chợ Rẫy từ sáng, thi thể được chở về nhà vào giữa đêm. Cô Hải xót xa: "Căn nhà gạch chưa tô vữa cũ kỹ nằm chơ vơ giữa đồng. Đứa con trai 8 tuổi ngồi cạnh thi hài cha, người con lớn trong quân ngũ chưa về kịp. Ông Châu bệnh đã 8 năm nay, tài sản lần lượt ra đi để có tiền chạy chữa. Gia đình giờ không còn gì...".
Tuy đã ở độ tuổi "thất thập cổ lai hy", lẽ ra phải được thường xuyên quây quần bên con cháu nhưng cô Hải vẫn miệt mài với những hoạt động thiện nguyện. Tấm lòng bao dung của cô ngày càng lan tỏa, để cùng nhau thắp sáng niềm tin trong cuộc sống và kết nối những giá trị nhân văn về tình người.
Nói về mong muốn lớn nhất của mình lúc này, cô Hải bộc bạch: "Tôi muốn mình có thật nhiều sức khỏe để giúp đỡ được thật nhiều hoàn cảnh khó khăn, chừng nào "chân chùn gối mỏi" mới ngừng, chừng nào hết người khốn khổ mới thôi". Và, cô gửi gắm 2 câu thơ khi chia tay chúng tôi: "Hãy cho nhau những gì ta có thể/ Kẻo mai này không có để cho nhau"...
Cô Hải trao quan tài cho gia đình nghèo có người thân qua đời
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH
LÊ NGỌC
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn