Thuật “Phi kiềm” là một nghệ thuật mưu lược, tập trung vào hai yếu tố chính: thẩm định năng lực và mức độ tin cậy của con người, từ đó có cách dẫn dắt họ theo ý muốn của ta. “Phi” trong thuật này có nghĩa là phân biệt thật giả, sở trường và sở đoản của đối phương. Để thực hiện điều này, người sử dụng thuật “Phi kiềm” có thể áp dụng nhiều phương pháp khác nhau như khiêu khích (phép khích tướng) bằng ngôn từ để khiến đối phương bộc lộ suy nghĩ và thái độ thực sự, giao phó cho họ những việc khó khăn rồi phê phán nhược điểm hoặc sai lầm của họ. Thuật “để hy” cũng có thể áp dụng hiệu quả trong tình huống này, giúp phơi bày những “vết nứt” trong lời nói và hành động của đối phương. Đôi khi, việc phê phán để trọng dụng, hoặc trọng dụng để phê phán cũng là một chiến lược hiệu quả, đòi hỏi cần linh hoạt trong việc xét đoán con người tùy theo hoàn cảnh và tình huống cụ thể.
Khi đã phân biệt được rõ ràng đúng sai, mạnh yếu, yêu ghét của đối phương, bước tiếp theo là “Kiềm” - kiềm chế và thao túng họ theo chủ ý của ta. Trong nhiều trường hợp, đối phương dù không mất uy quyền bề ngoài, vẫn có thể bị kiểm soát ngầm theo ý đồ của ta. Tùy từng đối tượng, có thể vận dụng một số công cụ khác nhau, từ vật chất đến tinh thần, như tưởng thưởng, khen ngợi, uy hiếp hoặc tạo ra bất ngờ để chi phối họ.
Quỷ Cốc Tử cho rằng, để sử dụng “Phi kiềm” hiệu quả, trước tiên cần phải thăm dò và suy đoán ý đồ của đối phương, từ đó dùng những lời lẽ xúc động, đánh trúng tâm lý nhằm thuyết phục họ đồng thuận với mục đích của mình. Trong lịch sử, Phạm Thư (280 - 208 TCN) là một trong những nhân vật tiêu biểu vận dụng thành công thuật “Phi kiềm”. Ông xuất thân nghèo khó nhưng nhờ tài năng ứng biến và khả năng du thuyết xuất chúng, đã vươn lên vị trí tể tướng nước Tần, góp phần đưa quốc gia này trở thành một thế lực hùng mạnh thời Chiến Quốc.
Trước khi đạt được thành công, Phạm Thư từng chịu nhiều biến cố. Trong một lần đi sứ sang nước Tề cùng đại phu nước Ngụy là Tu Giả, ông được vua Tề cảm phục vì tài ăn nói xuất chúng, khiến nhà vua có ý định giữ ông ở lại. Tuy nhiên, Phạm Thư từ chối. Sau khi trở về nước Ngụy, Tu Giả vu cáo Phạm Thư có âm mưu phản bội, buộc ông phải chạy sang nước Tần. Tại đây, Phạm Thư tự đổi tên thành Trương Lộc nhằm tránh bị nhận diện.
Khi Phạm Thư đến nước Tần, Tần Chiêu Vương đã trị vì 36 năm. Dù đất nước hùng mạnh, quyền lực thực sự lại nằm trong tay “Tứ quý”. Vua Tần luôn trong nội cung, bị bao quanh bởi tôn thân và quý thích, khiến nhân tài khó lòng tiếp cận. Dù cố gắng nhiều lần, Phạm Thư vẫn không thể vào triều để hiến kế. Ông đã nhờ người giới thiệu, tạo sự chú ý bằng lời thuyết phục rằng Trương Lộc (tên giả của ông) là bậc kỳ tài có thể cứu vãn nước Tần, “hiện nay nước Tần đang lâm vào cảnh nguy khốn, cần Trương Lộc tới giúp, vì sao lại như vậy thì phải để Trương Lộc vào gặp mặt hoàng thượng thì mới biết hết được”. Tuy nhiên, Tần Chiêu Vương không dễ bị thuyết phục, khiến nỗ lực ban đầu thất bại.
Bước ngoặt đến khi thừa tướng nhà Tần, Ngụy Nhiễm, muốn khởi binh đánh nước Tề nhằm mở rộng quyền lực. Phạm Thư, qua một năm tìm hiểu và phân tích nội tâm của vua Tần cũng như nội tình triều đình, đã gửi cho Tần Chiêu Vương một bức thư thể hiện lòng trung thành và đề cập đến hai vấn đề quan trọng. Thứ nhất, Phạm Thư chủ trương chọn người hiền tài, khích lệ khen thưởng những người có công với đất nước, phản đối dùng người theo cảm tính. Thứ hai, ông đả kích hiện tượng chuyên quyền, chỉ ra mối nguy của việc “triều đình suy yếu, còn thần tử thì mạnh lên”. Bức thư đánh trúng nỗi lo của Tần Chiêu Vương về việc củng cố triều đình và kiềm chế quyền lực của các phe nhóm. Phạm Thư còn khẳng định rằng nếu không giúp vua trị quốc hưng bang, ông sẽ chịu hình phạt nặng nhất. Điều này khiến vua Tần quyết định triệu kiến Phạm Thư.
Trong buổi yết kiến, Phạm Thư thận trọng và khéo léo phản bác sự lộng hành của thái hậu và Ngụy Nhiễm. Khi vua Tần nóng vội, Phạm Thư càng chậm rãi, tạo sự tương phản để kiểm soát cuộc trò chuyện. Khi vua Tần hỏi lần thứ ba mà vẫn không nhận được câu trả lời, vua đành phải nài nỉ: “Lẽ nào tiên sinh không muốn chỉ bảo quả nhân?”, Phạm Thư nhận thấy cơ hội để chi phối đã đến. Ông dùng lời lẽ đầy đại nghĩa, dẫn dắt vua Tần đồng ý cải tổ triều chính, đồng thời chỉ trích mạnh mẽ: “Hoàng thượng trên thì sợ uy nghiêm của thái hậu, dưới thì mê hoặc trước những lời nịnh nọt, bợ đỡ của gian thần. Hoàng thượng suốt ngày ở trong cung, không tách rời kẻ hầu người hạ, cả đời chìm đắm trong mụ mị, khó mà phân biệt được đâu là thiện, đâu là ác. Lâu dần họa lớn sẽ làm lung lay tông miếu, họa nhỏ sẽ làm bản thân bị cô lập và lâm nguy”. Mặc dù thực trạng không nghiêm trọng như lời Phạm Thư nói, nhưng ông đã khéo léo thổi phồng vấn đề để đánh vào tâm lý nhà vua, hướng vua Tần đến việc tập trung quyền lực.
Nhờ sự thuyết phục của Phạm Thư, Tần Chiêu Vương quyết định bãi chức thừa tướng của Ngụy Nhiễm và lệnh quay trở về không đánh chiếm nước Sở. Đồng thời, nhà vua bỏ “Tam quý”, bố trí để thái hậu ở sâu trong cung, không can thiệp vào chính sự. Phạm Thư được phong chức thừa tướng, hiệu là Ứng Hầu, trở thành nhân vật quyền lực bậc nhất nước Tần. Ông tiếp tục vận dụng thuật “Phi kiềm” để kiểm soát vua Tần, đồng thời áp dụng những mưu lược của mình để củng cố quyền lực và thúc đẩy sự phát triển của nước Tần. Ông không chỉ thành công trong sự nghiệp tại nước Tần mà còn được ghi danh vào lịch sử như một nhà chiến lược kiệt xuất.
Một chiến thuật quan trọng trong “Phi kiềm” là “thỉnh tướng khích tướng”, tức sử dụng lời nói để kích thích cảm xúc, khiến đối phương xúc động và thay đổi thái độ. Chiến thuật này có thể áp dụng hiệu quả trong thời hiện đại. Trong thương trường, việc vận dụng linh hoạt thuật “Phi kiềm” kết hợp với tán dương và tôn trọng đối phương một cách khéo léo, sẽ góp phần mang lại thành công trong kinh doanh, thậm chí tạo ra những kết quả bất ngờ. Tuy nhiên, khi áp dụng phương pháp này, cần lưu ý một số điểm quan trọng: Tán dương phải thật lòng, không giả dối; phải tán dương vào những đặc điểm cụ thể, thực tế; thể hiện sự cầu thị, không phóng đại sự thật; tán dương gián tiếp thường có hiệu quả hơn so với hơn tán dương trực tiếp; cần chọn thời điểm phù hợp để tán dương, tránh nói quá nhiều và không đúng lúc.
“Phi kiềm” là một trong 12 thiên mưu lược được giới thiệu trong “Quỷ Cốc Tử mưu lược toàn thư” - cuốn sách được Nhà sáng lập - Chủ Tịch Tập đoàn Trung Nguyên Legend Đặng Lê Nguyên Vũ cẩn trọng, tuyển chọn nằm trong “Tủ sách Nền Tảng Đổi Đời”, thuộc lĩnh vực Chính trị – Ngoại giao – Quân sự.
(Đón đọc kỳ sau: Quỷ Cốc Tử Mưu lược toàn thư – Ngỗ hợp)
T.N.L
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn