Gặp người ở giữa làng hoa

Chủ nhật - 12/01/2025 08:15
 

Khu vườn nhà kính hiện phổ biến ở Đà Lạt

1. Chúng tôi cầm chén nước vàng óng đưa lên ngang miệng, một mùi thơm ngòn ngọt dâng lên mời giục. Tôi đặt chén nước vừa uống cạn xuống bàn và hỏi: “Chà. Ngon, thơm và ngọt dịu. Đấy là nước gì đấy anh Nhuần?”. Ông Nhuần vui vẻ cho hay: “Đấy là nước chưng cất từ quả phúc bồn tử, người dân quen gọi là quả mâm xôi”. Ông Nhuần còn cho hay: “Nước cốt phúc bồn tử của chúng tôi được bán trong các siêu thị và được xuất khẩu nữa”. Tôi hỏi vui: “Chắc thu nhập cao?”. Ông Nhuần trả lời: “Cái hay là quả phúc bồn tử cho chúng tôi thu lời quanh năm. Thu nhập chừng trăm triệu một tháng thôi anh ạ”.

Câu chuyện làm ăn với thu lời chẳng mấy chốc chuyển sang chuyện nhà chuyện cửa. Người đàn ông có dáng người như một vận động viên thể thao nay tuổi Tân Sửu. Tôi đùa: “Tuổi ấy thảo nào công việc cứ chạy băng băng. Việc nhà việc làng cứ gọi là thẳng như đường cày”. Ông Nhuần vui ra mặt: “Làm trưởng làng hoa, làng nghề Hà Đông cũng bận bịu lắm”.

Điều “bận bịu” như ông Nhuần nói thì tôi xác nhận. Đấy, ngồi tiếp chuyện “đồng hương Hà Nội” mà chốc chốc lại thấy ông Nhuần cầm điện thoại lên, người làng hỏi có, khách hàng hỏi có và người trồng hoa ở làng khác muốn đến học hỏi kinh nghiệm làm ăn cũng có. Ấy vậy mà chúng tôi vẫn thấy nét mặt ông không hề thay đổi. Vẫn là nét mặt cầu thị và cởi mở.

Cha của ông Vũ Nhuần là cụ Vũ Thiện, sinh năm 1911. Cụ Thiện tới Đà Lạt cùng năm nhưng không phải cùng đoàn 35 cụ “tiền nhân” của làng. Cụ Vũ Thiện quê gốc ở huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định. Ông Vũ Nhuần cho hay: “Cha tôi tốt nghiệp trường Cao đẳng Nông Lâm ở Hà Nội. Cụ thuộc dòng dõi Nho học nhưng thông thạo tiếng Pháp, ra trường cụ được chính quyền Pháp cử vào trong này. Ban đầu, tức năm 1936, vào Bảo Lộc. Sau đó 2 năm thì cha tôi mới tới Đà Lạt và định cư tới giờ”.

Chả là hồi đó, anh kỹ sư canh nông trẻ Vũ Thiện được ông chủ người Pháp mời vào, mục đích là giúp việc trồng hoa, trồng rau và chăm sóc vườn hoa ở các biệt thự trong thành phố Đà Lạt. Sau khi người Pháp rút khỏi Đông Dương, thì kỹ sư canh nông Vũ Thiện ở lại làng hoa Hà Đông và tiếp tục nghề làm vườn. Cụ còn trực tiếp làm Trưởng ấp Hà Đông tới năm 1969 mới nghỉ. Tôi lại đùa vui: “Hóa ra ông Vũ Nhuần này có gene làm trưởng làng”.

Hơi thắc mắc nên tôi hỏi lại: “Thế còn quê Nhật Tân là thế nào?”. Ông Vũ Nhuần thật thà cho hay: “Khi vào trong này cha tôi đã có một đời vợ ở quê Nam Định. Vào đây cha tôi lại phải lòng một cô gái vốn là người làng Nhật Tân tên là Nguyễn Thị Mứt, tức là mẹ tôi. Chả là hồi đó gia đình bên ngoại tôi có làm vườn giúp cha tôi”. Tôi nói vui: “Đúng là tình yêu trên những luống hoa Đà Lạt”.

Cụ Nguyễn Thị Mứt sinh hạ cho cụ Vũ Thiện được 5 người con, Vũ Nhuần là người con thứ ba, nhưng lại là con trai một nên dù đã học xong Trung cấp điện tử vậy mà lại không làm nghề điện tử cho thời thượng. Vũ Nhuần “về quê” để tiếp nhận 3.000m2 đất trồng hoa trồng rau của người cha để lại.

Từ những vườn hoa vườn rau kế thừa ấy, ông Vũ Nhuần đã tăng thêm diện tích canh tác nhờ vào việc hợp tác với các chủ vườn khác. Đấy, chỉ riêng vườn phúc bồn tử thôi đã là 5.000m2, còn nếu tính cả diện tích trồng hoa trồng rau thì nhiều hơn. Ông Vũ Nhuần cho hay: “Hiện ở làng hoa Hà Đông này nhiều nhà vườn đã mạnh dạn chuyển hướng chuyên canh hoa và mạnh dạn thay đổi cơ cấu cây trồng, để hình thành vùng sản xuất hoa tập trung với quy mô lớn. Do vậy các chủ vườn phải liên kết với nhau để hình thành những vườn có diện tích đủ để đáp ưng quy mô chuyên canh”.

Không chỉ kế thừa cái gene làm trưởng làng mà Vũ Nhuần còn kế thừa cái gene “kỹ sư canh nông” của người cha. Ngồi tiếp chuyện cùng chúng tôi, ông Vũ Nhuần không hề giấu giếm chuyện làm ăn của mình. Tôi nói vui: “Với chúng tôi thì đã đành vì chúng tôi có biết làm vườn đâu. Nhưng ông cứ nói hết bí quyết làm vườn với mọi người như thế không sợ người ta “lấy mất nghiệp” của mình sao?”.

Ông Vũ Nhuần cười, đúng là một người đàn ông cầu thị và cởi mở như chúng tôi gặp lúc đầu: “Mọi người ở đây gọi tôi là “già làng”. Mà đã là già làng thì phải chăm lo làm ăn cùng mọi người chứ”. Giản dị và chân thật đến thế sao bảo cả làng hoa Hà Đông này đều tín nhiệm. Nhớ lúc ghé vào cửa hàng tạp hóa của cô Nguyễn Thị Tuyết Trinh ở đường Lý Nam Đế, để đặt vấn đề nhờ cô chỉ giúp là chúng tôi từ Hà Nội vào, vậy gặp ai ở đây thì sẽ được việc. Cô Trinh trả lời luôn là: “Làng này có bác Vũ Nhuần. Em thấy các nhà báo về đây đều được bác ấy tiếp”. Nói rồi cô Trinh gọi luôn điện thoại, đầu dây bên kia tôi nghe câu nói: “Mời giúp các bác ấy tới nhà tôi nhé”.

Ông Vũ Nhuần giới thiệu về người cha của mình

2. Ông Vũ Nhuần kể cho chúng tôi hay: “Năm 1991, tôi vừa tròn ba mươi tuổi, vợ lại mới sinh con thứ hai nên gia cảnh cũng khó khăn. Đã thế năm đó ở Đà Lạt có mưa to và kéo dài. Vậy là vườn nhà có bao nhiêu cây hoa bị mưa làm giập hết”. Tôi lo lắng hỏi lại: “Vườn hoa giập hỏng hết thì lấy tiền đâu chăm vợ đẻ?”. Ông Vũ Nhuần vẫn thế, nét mặt vẫn không tỏ băn khoăn hay lo lắng điều gì, tôi nghĩ thầm “bình tĩnh là phương thuốc để vượt khó”.

Sau khi mời chúng tôi uống xong tuần trà atiso gọi là “làm đầu câu chuyện” thì ông Vũ Nhuần đứng dậy, ông bảo: “Mời các anh vừa thăm vườn vừa nói chuyện”. Chúng tôi hiểu là ông “nông dân” này rất ham việc, trò chuyện thì cũng phải vừa làm vừa nói chuyện mới hiệu quả.

Khu vườn phúc bồn tử của gia đình ông Vũ Nhuần ở ngay đầu đường, chỗ ấy có con đường dốc bậc thang dẫn từ đường Lý Nam Đế xuống. Trước mắt chúng tôi là rất nhiều khu vườn của người dân trong làng. Tôi “ngơ ngác” nhìn bởi tất cả các vườn đều được che kín bởi những nhà kính, nhìn mãi cũng không biết là vườn nào trồng hoa, vườn nào trồng rau.

Ông Vũ Nhuần vẫn bước đều chân dẫn chúng tôi vào vườn nhà mình. Lúc “chui” vào bên trong vườn chúng tôi mới ồ à, vườn phúc bồn tử này đang rộ những chùm quả chín. Chỉ tay lên mái nhà kính, ông Vũ Nhuần nói: “Vườn này vẫn còn nguyên khung nhà ban đầu được làm bằng gỗ. Hơn ba mươi năm rồi các anh ạ. Bây giờ ở đây mọi người đều làm nhà kính khung sắt cho bền”.

Thì ra, năm 1991, năm Đà Lạt mưa to kéo dài ấy, người đàn ông ba mươi tuổi Vũ Nhuần sau bao ngày suy nghĩ tính toán đã quyết định thử làm nhà kính che chắn mưa cho vườn nhà mình. Tôi hỏi luôn: “Mình tự nghĩ à?”. “Không đâu anh - ông Vũ Nhuần trả lời - Tôi phải tìm đọc tham khảo sách chứ. Chuyện làm nhà kính ở nước ngoài đã có lâu rồi nhưng ở ta chưa thấy”.

Vậy là Vũ Nhuần đã “giải được bài toán” che chắn mưa. Ông vừa tự mầy mò tham khảo tài liệu. Ban đầu nhà kính của ông làm khung gỗ, mái lợp bằng những tấm nilon bình thường. Nhưng lớp nilon này chỉ được vài tháng thì hỏng, hỏng lại phải thay nên cũng cách rách. Cuối cùng qua đọc tài liệu, Vũ Nhuần tìm được vật liệu mới, đó là những tấm vải nilon có độ bền cao, khó loãng hóa. Khung gỗ cũng được thay bằng khung sắt vừa bền lại vừa thi công nhanh. Những “nhà kính” ra đời và nhanh chóng được phổ biến. Không chỉ cho người Đà Lạt mà ai ở đâu hỏi cũng được chia sẻ hết, không có chuyện giấu giếm làm của riêng. Thuật ngữ “nhà kính” cũng ra đời từ đó. Nay mô hình “nhà kính” được sử dụng rộng khắp.

Ông Vũ Nhuần bảo: “Sử dụng nhà kính có cái hay là che chắn được mưa, che chắn được gió và giữ được vườn luôn có độ ẩm thích hợp. Rau hoa trồng được trong mọi thời tiết, trong mọi thời điểm. Thu nhập cũng tăng lên”. Nói rồi ông chợt trầm ngâm: “Nhưng cũng có cái chưa được là nhà kính ngăn nước mưa thấm vào đất. Nên khâu tiêu thoát nước mưa có vấn đề”.

Để khắc phục chuyện tiêu thoát nước mưa, đảm bảo đất không úng nước gây sạt lở thì các nhà vườn phải tiến hành làm rãnh thoát nước. Nước thoát theo rãnh được dồn vào hệ thống mương nước quanh các khu vườn. “Đó là nguồn nước tưới dự trữ cho mùa khô các anh ạ” - ông Vũ Nhuần chỉ mương nước mà chúng tôi vừa bước qua cây cầu nhỏ cho biết vậy.

Vừa hay bà Nguyễn Thị Bích Liệu, vợ ông Nhuần, và hai cậu con trai cũng tới vườn để thu hoạch trái phúc bồn tử. Ông Nhuần giới thiệu: “Cụ ngoại của vợ tôi là một trong ba mươi nhăm người đầu tiên đấy. Ảnh của cụ được treo thờ ở Nhà văn hóa làng hoa Hà Đông đấy”.

Nguyễn Trọng Văn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây