Đêm hội Đình Vũ

Thứ bảy - 22/02/2025 17:15
 

Kính uể oải ngồi nhổm dậy, đỡ lấy bát cháo yến trên tay bà vú: - Con xin... Rồi, từ tốn ăn. Quan tuần phủ bước vào phòng, đem theo một luồng hơi ấm gì đó khó tả, hòa lẫn mùi trầm hương phảng phất tỏa ra từ chiếc đỉnh đồng trong góc phòng.

- Sáng nay, em thấy trong người thế nào?

- Em khỏe...

Kính cố tỏ ra bằng một giọng đầy tự tin làm quan tuần ánh mắt phần nào đã an tâm, dù ánh mắt đó thường ngày nhìn đám lính tráng thuộc hạ cấp dưới làm chúng phải lấm lét sợ hãi, nhưng với Kính, đứa em út trong nhà, nó lại dịu dàng hơn bao giờ hết.

- Tối nay hội làng Đình Vũ phải không, vú nhỉ?

Kính đưa bát cháo đã ăn gần hết cho bà vú, ân cần hỏi.

- Ừ, con...

Bà vú khẽ mỉm cười nhìn bát cháo có vẻ hài lòng rồi đi ra, nhanh tay khép luôn cửa phòng lại, quan tuần phủ khẽ nhíu mày:

- Em muốn đi chơi hội tối nay?

- Dạ vâng, bên Đình Vũ tối nay có hội vật, em muốn tới đó xem cho khuây khỏa.

Quan tuần phủ không nói gì, nhìn sắc mặt đã có phần hồng hào của em trai, ngập ngừng giây lát như định nói gì thì Kính đã tiếp:

- Anh cho em đi chơi hội nhé, em thấy người cũng khỏe lên rồi...

Nói xong, như để chứng minh, Kính bật dậy khỏi giường vươn vai, vặn người cho các khớp xương kêu răng rắc.

- Thôi được, để bảo bọn phu kiệu chúng nó chuẩn bị võng.

- Thôi khỏi... Kính vội xua tay: Em đi bộ sang Đình Vũ với thằng ở cũng được, cho khỏe chân, với lại Đình Vũ cách có một con sông.

Kính bị ốm đã hơn tháng nay, vợ chồng quan tuần phủ lo lắm, Kính ở từ bé với vợ chồng anh chị, đó là từ khi cha mẹ Kính lần lượt qua đời từ lúc Kính mới khoảng 5-6 tuổi. Nhà có hai anh em cách nhau đến gần hai mươi tuổi, lúc đó quan tuần mới chỉ đang chức quan huyện, đón Kính về chăm sóc nuôi nấng. Mấy năm gần đây, nhờ làm tốt công tác đê điều cũng như cải cách việc trồng trọt sao cho phù hợp với thời tiết rất được mùa, năng suất cao, nhân dân no ấm, mùa màng tươi tốt, quan huyện được thăng chức tuần phủ, quyền hành đứng đầu nghiêng ngả một tỉnh, không ai là không kính sợ.

Kính được chiều lắm, năm nay đã 18 tuổi, chả biết làm sao mà dù quan tuần to lớn bệ vệ bao nhiêu thì Kính càng mảnh khảnh, thư sinh bấy nhiêu, lại thường xuyên đau ốm, uống đủ thứ thuốc bổ trên đời, ăn đủ thứ cao lương mĩ vị mà cái tạng người lúc nào cũng như gió thổi bay. Được cái, Kính vô cùng thông minh, học đâu hiểu đó, am tường sử địa, lại rất mực thảo hiền, không khinh khi kẻ nghèo hèn một mảy may, nên được chúng bạn rất mực yêu quý. Đi đâu chơi, thấy ăn mày ăn xin Kính cũng cho tiền; tới nhà bạn nào nghèo quá, Kính cũng sai người mang tới cho mấy bao gạo hoặc xuất kinh phí để sửa sang nhà cửa nếu thấy quá dột nát v.v... và v.v... Mọi việc làm có vẻ hơi... bồng bột với dân đen của Kính, quan tuần phủ chẳng bao giờ ngăn cấm, duy chỉ có vợ quan tuần, tức là chị dâu của Kính là không hài lòng, nên Kính chỉ thi thoảng lén xin anh tiền, chứ gần như chưa bao giờ phiền hà tới chị dâu.

- Em cầm lấy 200 quan này mà đi chơi hội...

Quan tuần ân cần đưa cho Kính một túi vải nhung màu đỏ be bé, cái túi đựng tiền mà chỉ có con nhà quyền quý mới thường sử dụng, sau khi cả nhà vừa ăn cơm tối xong.

- Tiền mừng tuổi từ Tết em vẫn còn gần một ngàn, nhưng anh đã cho thêm thì em xin nhận.

Kính vui vẻ đón lấy túi vải nhung, khuôn mặt tuấn tú bừng lên niềm phấn khích, có lẽ là vì Kính đã nghĩ tháng ba tới, thằng Chi, đứa bạn thân nhất sắp lấy vợ, Kính sẽ tặng nó 300 quan để tậu ruộng.

Minh họa: Hà Huy Chương

- À, em này... Quan tuần phủ như thể nhớ ra một chuyện gì đó khi mà ba bề bốn bên dinh thự nhà quan, đèn đuốc đã giăng như sao sa khắp các tòa nhà lừng lững.

- Dạ, vâng anh...

Kính mở to hai mắt chăm chú.

- Sắp tới. Anh định gửi em học tại một trường trung học lớn trên Hà Nội, em thấy thế nào?

Quan tuần giọng dịu dàng, nhưng có thể hiểu rằng, ông đang có ý định muốn tách Kính ra khỏi đám bạn nghèo hèn mà Kính vẫn thường hòa đồng chơi với chúng, mà theo ông đó chỉ là những bọn thường dân chuyên bòn rút tiền bạc cũng như lợi dụng lòng tốt của em trai mình mà thôi...

- Rồi, sau đó em sẽ sang Pháp du học, điều đó là rất tốt và chắc cha mẹ chúng ta dưới suối vàng sẽ vô cùng hài lòng.

Quan tuần phủ khẽ châm một điếu xì gà thượng hạng sau khi đã nói tiếp, phòng khách nhà quan không biết cơ man nào là những đồ vật quý giá, bắt mắt nhất là tấm da hổ mà một tù trưởng người Mường trên Hòa Bình năm ngoái đã cưỡi ngựa đi xuống tỉnh lị kính tặng quan, được treo trang trọng ở bức tường chính giữa.

- Em... Kính ngập ngừng chưa trả lời vội, lúc này đã tầm 7 giờ tối, Kính liếc nhìn chiếc đồng hồ mạ vàng đeo trên tay, quà sinh nhật quan tuần tặng hôm rồi, không quên kéo cổ chiếc áo dạ vô cùng đắt tiền cho ngay ngắn, cũng là do quan tuần cất công lên Hà Nội mua cho dịp đầu đông vừa qua.

- Thế em đi chơi hội đi, nhớ về sơm sớm nhé.

Quan tuần như hiểu ý, rồi như chợt nhớ ra điều gì, ông rút trong túi áo ra một sợi dây chuyền bằng bạc lủng lẳng chiếc nanh hổ dài ngoẵng:

- Em đeo chiếc nanh hổ này vào người để tránh gió máy cũng như có kẻ xấu nào định hãm hại bùa ngải. Quà của nhà họ Vương trên Hà Giang tặng anh năm ngoái.

- Vâng... Kính đón lấy, đeo ngay vào cổ, cung kính chào rồi cùng thằng ở đi nhanh ra cửa.

Đình Vũ là một làng trù mật, chỉ cách phố thị một con sông quanh năm nước trong thấy đáy, khi Kính cùng thằng ở đi như chạy tới bến đò thì đã thấy khắp mặt sông hàng trăm ngọn đuốc đang bừng bừng cháy, đó là đèn đuốc của mấy chục chiếc thuyền từ các làng lân cận tối nay đến xem hội vật làng Đình Vũ, chen lấn đậu gần kín mặt nước bên kia.

- Đã bảo đi từ 6 giờ rồi mà chị dâu cứ bắt phải ăn cơm xong mới đi. Giờ bói đâu ra đò để sang Đình Vũ.

Kính lẩm bẩm nói với thằng ở, nó chừng 14 tuổi, lon ton chạy xuống trước, giọng dõng dạc nói với đám người đang lố nhố ở chỗ vài con thuyền dưới đó:

- Có cậu Kính, em trai quan tuần phủ muốn sang sông.

Ngay lập tức, một con đò đã định rời bến vội vã cắm sào, đám người trên đó nhảy hết lên bờ, thằng ở gọi to:

- Cậu ơi, xuống đò đi, còn chờ gì nữa.

Kính hấp tấp xuống đò, mọi người đều cúi đầu chào Kính. Kính gật đầu đáp lễ. Con đò nhanh chóng rời bến mà chẳng một ai dám xuống cùng, chỉ có mình Kính với thằng ở. Người lái đò là một ông lão có râu tóc bạc phơ quắc thước, tay chèo vẫn còn khỏe khoắn lắm, chẳng mấy chốc đã đưa thuyền sang tới bờ bên kia, cố gắng len vào đám thuyền đỗ trước đó để cập bến, kẻ lên người xuống đông vui náo nhiệt. Kính mở túi vải nhung hấp tấp lấy 5 quan tiền đưa cho ông lão:

- Biếu cụ ạ.

- Dạ, không. Cậu cho con xin 2 hào thôi ạ.

Ông lão vẻ hoảng sợ khi nhìn thấy 5 quan tiền đò. Kính trìu mến:

- Cụ cầm lấy đi ạ - Chàng để vào lòng bàn tay run lẩy bẩy của ông lão rồi nhanh miệng hỏi - Mà cụ ơi, sới vật mấy giờ bắt đầu ạ?

- Dạ, tầm 7 rưỡi...

- Thế thì muộn mất rồi - Kính xem đồng hồ rồi hớt hải bảo với thằng ở - 8 giờ kém 15 rồi, đi nhanh thôi thằng này.

Đường từ bến sông vào Đình Vũ chỉ có một quãng mà đông chật người chen lấn, hoa xoan bay lả tả khắp đường, lẫn cùng ánh đuốc là tiếng trống giục liên hồi phía hồ bán nguyệt. Ở đó, cơ man nào là đèn lồng, treo khắp dưới mái chùa, mái đình, trên các tán cây, rực rỡ một góc trời. Giữa hồ là một gò đất làm sới vật hình tròn, rộng chừng 4 mét, có thuyền đưa các đô vật ra đó, trên bờ tiếng hò reo huyên náo nổi lên không ngớt, nhất là đám thanh niên trai tráng, xen lẫn tiếng chuông chùa ở bên chính điện, hòa lẫn tiếng nhạc chèo ồn ã ở giữa sân đình cũng như tiếng chầu văn inh ỏi bên cung Mẫu. Nhưng, người ta tập trung đông nhất ở quanh hồ bán nguyệt để xem đấu vật đã diễn ra sôi nổi từ 5 giờ chiều.

Chen lấn mãi, toát mồ hôi, Kính mới tới gần được sới vật, thằng ở thì đã bị lạc đâu mất trong đám đông hay cũng bởi lúc trên thuyền Kính đã cho nó 3 quan tiền để tha hồ mà ăn quà vặt. Hàng quán có ở khắp nơi đông chật người chen lấn, nhất là ở chỗ hàng tranh với hàng trầu cau. Người ta treo la liệt hàng trăm bức tranh đủ loại từ Đông Hồ, Hàng Trống, cho đến khảm trai, xà cừ cho khách khứa tấp nập tới ngắm nghía mua bán.

Các cô hàng cau yếm thắm môi hồng thì mau mắn chào mời khách nhanh chân đến bên những mẹt trầu của mình, 1 hào 1 miếng, gần như ai đi hội cũng ăn, mồm phún phín đỏ, mặt hồng lên, cười nói rôm rả, mắt long lanh vì say nước trầu. Bên kia thì hàng thuốc, bên này thì hàng kẹo, chỗ thì hàng lụa cho các bà các cô rối rít tang bồng, rồi thì hàng tò he cho bọn trẻ con kéo đến inh ỏi xúm xít đông nghịt, tất cả tạo nên một quang cảnh đông vui chưa từng có.

- Cậu ơi, con đây...

Thằng ở chen được tới bên Kính, xòe tay đưa cho một miếng trầu cánh phượng.

- Trầu của cô Ngọc làng Đặng đó, cậu - Nó tủm tỉm nói.

- Cô Ngọc tối nay cũng đi bán trầu sao? - Kính đỏ mặt cầm lấy bỏ luôn vào mồm nhai.

- Vâng, cô Ngọc đẹp nhất làng Đặng đang bị đám thanh niên bu quanh mẹt trầu ở đằng kia.

Thằng ở vẫn cái giọng như trêu ghẹo làm Kính càng đỏ mặt, lấy tay cốc mạnh vào đầu nó, vừa khi có tiếng người nói oang oang vào chiếc loa đồng như lệnh vỡ ở sới vật giữa hồ.

- Tất cả im lặng, sau đây là trận chung kết hội vật làng Đình Vũ năm nay giữa đô vật làng Đình Vũ và đô vật làng Thanh Mỹ.

Đám đông cùng hò reo như chợ vỡ, người ta bỏ cả nghe hát chèo ở sân đình cũng như xem bà đồng múa may trong cung Mẫu, chạy hết ra để chứng kiến trận chung kết quan trọng. Kính thấy nóng bừng cả người vì nước trầu bởi chàng hay nuốt và cũng vì hồi hộp, bởi Kính vốn tạng người yếu ớt nên đặc biệt hâm mộ các đô vật lực lưỡng khỏe mạnh, coi họ như thần tượng. Vừa lúc, chiếc loa đồng tiếp tục oang oang nói:

- Giải nhất năm nay là một cuộn lụa điều thượng hạng Hà Đông cùng một chiếc mâm đồng chạm trổ vân mây tuyệt kỹ của Đồng Kỵ. Giờ thì xin mời hai đô vật cùng đi thuyền ra sới.

Một chiếc thuyền nhỏ đưa hai đô vật ra sới giữa hồ trong tiếng chiêng trống inh ỏi cũng như reo hò vô cùng phấn khích của biển người đông kín. Hàng chục ngọn đuốc được thắp lên trước đó cắm xung quanh sới vật trông thật trang trọng và nghiêm cẩn. Đô vật làng Đình Vũ bước lên sới trước trong tiếng cổ vũ nồng nhiệt của thanh niên trai tráng làng mình. Người này cao phải mét tám, cơ bắp cuồn cuộn, săn chắc, khuôn mặt dữ dằn trông có vẻ kiêu ngạo, đặc biệt vận khố bằng lụa đỏ như muốn tỏ ra ta đây là đô vật của một làng giàu có.

Đô vật làng Thanh Mỹ bước lên theo sau trong tiếng cổ vũ có vẻ nhỏ hơn, người này cũng cao phải tầm mét tám, cũng có cơ bắp cuồn cuộn, nhưng trên khuôn mặt góc cạnh lại có đôi mắt sáng như sao trông tinh anh khác thường, đặc biệt vận một chiếc khố bằng vải thường màu nâu nhạt có vài chỗ vá. Kính chăm chú nghển cổ nhìn, dành nhiều thiện cảm cho đô vật làng Thanh Mỹ. Bỗng có ai đó cung kính nói sau lưng chàng:

- Dạ, bẩm cậu.

- Vâng...

Kính ngạc nhiên quay lại khi mà các đô vật đang bắt đầu khởi động trong bóng cờ bay của hai người nào đó hối hả cầm chạy ngược nhau xung quanh sới vật.

- Dạ, con tìm cậu mãi, con là chánh tổng làng Đình Vũ, ông con tức quan tuần chiều nay đã cho người sang căn dặn rằng, khi nào cậu đến phải được ngồi chỗ trang trọng nhất, mà mãi giờ này cậu mới tới ạ. Dạ, con mời cậu ra chỗ hàng ghế đại biểu, có trầu cau, trà nước ở đấy.

- Dạ, thôi. Tôi đứng đây được rồi, hãy để tôi được tự nhiên.

Kính trả lời người đó rồi vội quay lên, vừa lúc trận chung kết giữa hai đô vật bắt đầu bằng nghi thức bái tổ trong tiếng trống chầu vang lên trang trọng. Kìa, nghi thức xe đài bắt đầu rồi kìa... Có tiếng cậu thanh niên nào đó hét to làm tất cả đều chăm chú căng mắt theo dõi. Đó là những tư thế như “phượng hoàng tung cánh”, “sư tử vờn cầu”, “rồng bay trong gió” v.v... được hai đô vật thể hiện uyển chuyển, rồi múa tay, co chân, đi lại rình miếng lẫn nhau, và rồi trận chung kết đã bắt đầu diễn ra.

Có vẻ như đô vật Đình Vũ khỏe hơn, nhiều kinh nghiệm hơn nên đưa ra nhiều miếng bốc cực kỳ mạnh mẽ. Đô vật Thanh Mỹ tìm cách chống trả bằng các miếng gồng cũng thật là vững chãi, rồi phản công bằng các miếng sườn trong tiếng hò reo cổ vũ phấn khích quanh sới vật. Người thì tấn công, người thì chống đỡ, rồi lại phản công, cố gắng kiềm chế đối phương bằng cách nắm, kéo, vặn, đè, cùng những miếng, đòn bất ngờ sao cho hạ được đối phương. Cả hai đô vật trong trận chung kết quả là kỳ phùng địch thủ, người thì miếng ngáng, người thì miếng đệm để làm cho đối phương ngã xuống nhưng chưa thấy ai nhường ai.

- Dạ, thưa cậu. Đô vật làng Đình Vũ con đã thắng giải năm trước, đô vật làng Thanh Mỹ năm nay định sang phá giải đó ạ. Nhưng, thật khó, vì đô vật làng Đình Vũ con đã thắng tất cả các đô vật khác trong suốt thời gian mở hội đến giờ.

Chánh tổng làng Đình Vũ vẫn đứng bên cạnh Kính giả lả giải thích. Kính hồi hộp quá đỗi trong tiếng trống chầu thúc giục.

- Dạ, bẩm cụ chánh. Cụ cứ yên tâm ạ, làng mình năm nay vẫn sẽ thắng, con đã bảo trước với đô vật Thanh Mỹ rồi, đừng có thắng nếu không cái khoản nợ 3 vạn quan tiền và 100 bao thóc làng nó nợ làng mình năm ngoái, năm nay không trả sẽ bị thưa kiện ạ.

Có ai đó nhanh chân chạy đến nói nhỏ vào tai ông chánh tổng như thế, vừa lúc lợi dụng đô vật Thanh Mỹ đang lần chần, đô vật Đình Vũ nhổm ngay dậy làm một miếng bốc bằng hết sức bình sinh trong tiếng hò reo cổ vũ của tất cả mọi người.

- Thắng rồi, Đình Vũ thắng rồi.

- Thắng rồi, thắng rồi... Đình Vũ, Đình Vũ...

Người ta kêu lên mỗi người một câu, hợp lại tạo thành một luồng âm thanh vang vọng tới khắp các làng lân cận trong tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng thanh la rộn rã. Hai chân đô vật Thanh Mỹ đã bị bốc lên khỏi mặt đất để minh chứng rằng mình đã thua trong một trận chung kết đầy kịch tính. Không đợi thuyền vào đón, người đó cúi chào người chiến thắng rồi nhảy luôn xuống hồ, nước ngập tới bụng, lội ngay vào bờ cách chỉ khoảng 5-6 mét, rẽ người biến mất vào đám đông.

Kính hấp tấp chen lấn chạy theo, thằng ở cũng nhanh chân ngay đằng sau, qua hàng trầu, Kính dừng bước khẽ cúi đầu chào cô Ngọc đang e thẹn giữa đám chị em quần là áo lượt, người mà chàng thầm thương trộm nhớ bấy lâu nay rồi mải mốt tìm, chỉ thấy cái lưng trần ướt đẫm mồ hôi của đô vật thấp thoáng giữa muôn người đi hội lao nhanh về phía bến đò. Khi Kính chạy được ra tới bến đò thì thuyền của đô vật vừa rời bến. Cũng may, ông lão chở đò khi trước vẫn cắm sào ở đó như muốn đợi chàng về. Kính hấp tấp:

- Đuổi theo chiếc thuyền kia.

Kính và thằng ở bước nhanh xuống thuyền. Ông lão vội nhổ sào, bẻ lái đưa con thuyền ra ngay giữa dòng. Bóng trăng xuân lồng lộng khắp mặt sông hòa cùng muôn ánh đuốc, con thuyền mà đô vật đang tự chèo có vẻ hối hả trở về vì tủi thân chuyện gì đó nên đi nhanh như tên, các thuyền đi hội ngược dòng đều phải tấp vào gần bờ để tránh. Đuổi mãi thì thuyền của ông lão cũng gần bắt kịp vì thuyền của đô vật chuẩn bị cập bến làng Thanh Mỹ. Kính chắp tay cung kính, hổn hển nói vọng sang:

- Dạ, xin hỏi tráng sĩ tên gì ạ?

Người đó đôi mắt sáng tinh anh đã đỏ hoe ngạc nhiên nhìn Kính từ đầu tới chân rồi cung kính trả lời.

- Dạ, thưa công tử, kẻ hèn tên Chí, họ Bùi, nhà ở phía Đông làng Thanh Mỹ.

- Vâng... - Kính hấp tấp với giọng nói thật thà - Tráng sĩ thật dũng mãnh ạ. Em xin có một ngày đến nhà để được bái sư.

Người đó lại càng ngạc nhiên hơn nữa, nhìn chiếc nanh hổ Kính đeo trước ngực sáng như ngà dưới ánh trăng cũng đoán được phần nào Kính là người không phải tầm thường, dè dặt:

- Công tử nên học hành trường lớp để sau này làm quan, chứ theo học cái nghề võ biền này làm gì ạ.

- Em... Kính ấp úng: Em đã thích học vật từ lâu rồi vì tạng người yếu đuối, em chỉ mong muốn được khỏe mạnh như tráng sĩ thôi. Mà hôm nay có vẻ như em thấy tráng sĩ đã có phần nào nhường nhịn cho đô vật làng Đình Vũ.

- Vâng, chỉ vì... chỉ vì... - Đô vật ấp úng - Chỉ vì cuộn lụa điều Hà Đông mà kẻ hèn này đã mạo muội tới tranh giải, cố giành giải nhất để đem về may áo cho mẹ, cũng như nhà chưa có mâm đồng. Nhưng...

Từ đôi mắt sáng của đô vật, hai hàng nước mắt lăn dài xuống. Trên bờ gió ở đâu bất chợt thổi mạnh làm hoa xoan từng đám bay lả tả xuống mặt sông. Thằng ở vội vàng nói:

- Dạ, thưa cậu. Ông dặn phải về sớm ạ, không thì con sẽ bị đánh tuốt xác.

Kính vội chắp tay về phía đô vật cung kính với vẻ mặt bội phần ngưỡng mộ:

- Tạm biệt tráng sĩ, hẹn ngày mai tái ngộ.

Đô vật lau nước mắt, không nói gì, chỉ chắp tay vái sang rồi bâng khuâng nhìn chiếc thuyền chở Kính ngược dòng sông quay trở về dưới ánh trăng.

Sáng hôm sau, Kính xin chị dâu 3 cuộn lụa điều tốt để vào một chiếc mâm bạc, cùng một vò rượu quý với 2 con gà sống thiến thật to. Kính đi từ rất sớm, thằng ở hớn hở gánh các thức trên vai, cả hai cùng xuống đò, thẳng hướng làng Thanh Mỹ. Khi quan tuần phủ hay chuyện thì thuyền đã đi tới giữa dòng rồi, cũng đành chiều em mà không cho gọi về. Tới được nhà đô vật họ Bùi thì nắng đã lên cao bằng con sào. Mái nhà tranh lưa thưa vài sợi khói xung quanh thật nhiều tre trúc, trước sân có một bà lão mặc áo vá đang hái những lá trầu, vài con gà xinh xinh líu ríu mổ thóc gần đó. Đô vật từ trong nhà bước ra nhìn Kính ngạc nhiên bội phần xen lẫn sự vui mừng khôn xiết.

- Lạy thầy ạ.

Kính quỳ xuống lễ phép: Con xin dâng 3 cuộn lụa điều và một chiếc mâm bạc. Mong thầy chiếu cố nhận con làm học trò để mai sau con sống là người có tinh thần thượng võ.

Đô vật vội đỡ Kính dậy, giàn giụa nước mắt. Cả hai cùng vào nhà, thằng ở vội vàng bày các thức lên chiếc bàn tre.

- Lễ to quá, kẻ hèn này nào dám nhận, chỉ xin công tử vò rượu và đôi gà sống thiến thôi.

Đô vật rưng rưng nhìn mâm lụa, chân thành nói với Kính như thế.

- Dạ không. Kính quả quyết: Xin thầy cứ nhận cho, có một ít lụa gọi là để bác đây may áo. Còn chiếc mâm bạc này, con xin tặng gia đình làm kỷ niệm.

Bà lão đã đi vào, ân cần têm cho Kính một miếng trầu, Kính mỉm cười đón lấy. Ngoài sân, nắng đã chan hòa khắp nơi, vừa lúc, cây đào ngay đầu ngõ nhà đô vật đang rực rỡ nở hoa.

Truyện ngắn của Dương Đình Lộc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây