Ảnh minh họa: Freepik
"Đau thế này thì lại chết non thôi!" - câu cửa miệng quen thuộc của cụ Năm khiến vợ chồng cô Thuận, chú Hiếu là con dâu, con trai trưởng của cụ vừa thương lại vừa buồn cười. Làm con, ai cũng xót mẹ, nhưng họ cũng đau đầu khi mẹ nhất quyết tin rằng mình có bệnh, dù bác sĩ bảo đó chỉ là tình trạng đau mỏi xương khớp thông thường của người già.
Cụ Năm luôn có cảm giác không ổn trong người. Hôm thì đau lưng, hôm thì nhức khớp, ngày lại thấy ho hắng khó chịu. Bất kể con cháu phân tích thế nào, cụ cũng không tin. Chỉ bác sĩ nói thì cụ nghe theo, nhưng là ở chỗ khám, về tới nhà vài hôm cụ lại thấy bất an. Các con khuyên chỉ cần uống các loại thuốc bổ như đơn bác sĩ kê, cụ lại cho rằng, có bệnh cần phải được thăm khám thường xuyên không thì nguy hiểm. Thế là chưa kịp uống hết đơn thuốc, cụ nằng nặc đòi đi khám lại.
Ban đầu cô chú Thuận - Hiếu cũng "chiều" cụ đưa đi khám theo yêu cầu, nhưng càng đi cụ càng nghĩ đến nhiều bệnh nghiêm trọng và xếp mình vào diện "bệnh nhân đặc biệt". Nhất là mỗi khi nghe tin có cụ nào cùng thời với mình qua đời là cụ Năm lại muốn… đi khám bác sĩ. Người khác có 1 bệnh, cụ Năm tự nhận mình có 4, 5 bệnh cùng lúc. "Mẹ nói giống như mình có cả siêu thị bệnh vậy", chú Hiếu đùa, nhưng đằng sau câu nói đó là một hành trình dài chăm sóc mẹ già bận bịu của vợ chồng cô chú.
Sự quan tâm chu đáo của con cháu sẽ mang đến cho tuổi già của cha mẹ cuộc sống an vui. Ảnh minh họa: Freepik
"Chiến thuật" ứng phó sáng tạo
Nhận thấy mẹ thích đi khám nên chỉ muốn uống hết thuốc thật nhanh, cô chú Thuận - Hiếu đành phải nghĩ cách ứng phó. Một mặt, họ phải kiểm soát liều lượng thuốc trong ngày để đưa mẹ uống, dặn dò để mẹ nhớ đã uống thuốc, không đòi thêm. Mặt khác, họ phải nhờ sự trợ giúp của "hội người quen biết" để làm "bác sĩ" tư vấn từ xa kiêm hoãn lịch khám của mẹ.
Vậy là mỗi lần cụ Năm đòi đi khám, cô chú phải nhờ khi thì bạn thân, khi là bạn của các con, các cháu, thậm chí cả hàng xóm… gọi điện, nghiêm túc "chẩn đoán" bệnh tình và dặn dò cụ uống thuốc đúng giờ, hết đơn mới được đến khám lại. Cũng may, cụ Năm chịu nghe lời những bác sĩ trực tuyến này.
"Mẹ nghe rồi nhé, bác sĩ Chiến bảo cứ chịu khó vừa uống thuốc, vừa xoa bóp thêm là đỡ đau lưng đấy mẹ ạ", "Mẹ nghe bác sĩ Hoài dặn đó, tuần sau mới đến lịch khám, mẹ mặc ấm, giữ người ấm là không bị nhức mỏi nữa đâu", sau mỗi lần được tư vấn như vậy, cụ Năm chịu nghe theo, dù cũng chính những lời đó các con nói cả trăm lần lại không lọt tai cụ.
Nhờ "chiến thuật" khéo léo này, lịch khám bác sĩ của cụ Năm thưa dần. Vợ chồng cô chú Thuận - Hiếu được an tâm vì mẹ không liên tục đòi đi khám, không đòi uống thuốc nhiều cho nhanh hết đơn nữa. Quan trọng hơn, cụ Năm vẫn thấy mình được quan tâm, lắng nghe và có một "đội ngũ bác sĩ" tận tình, chu đáo, luôn sẵn sàng tư vấn bất cứ lúc nào.
Điều người già cần nhiều hơn là thuốc
Thấu hiểu được tâm lý người già muốn tìm đến bác sĩ không chỉ vì sức khỏe mà còn bởi họ muốn được quan tâm, cần một ai đó lắng nghe, xác nhận rằng những gì họ đang trải qua là có thật và sợ nhất phải xa con cháu. Vậy nên vợ chồng cô chú Thuận - Hiếu vẫn luôn tìm mọi cách để đáp ứng tốt nhất yêu cầu của mẹ.
Cũng chính bởi thế, cô chú Thuận - Hiếu phải học cách "chữa bệnh" không chỉ bằng thuốc mà bằng sự kiên nhẫn, thấu hiểu và cả những "chiến thuật" sáng tạo mỗi ngày. Bởi điều quan trọng nhất là giúp cha mẹ già sống vui, sống khỏe theo cách họ cảm thấy an tâm nhất.
Tuệ Khang
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn