Nghiêm khắc xử lý các vi phạm liên quan đến công tác bảo mật dữ liệu

Thứ sáu - 08/11/2024 21:05
 

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp. Ảnh: VPQH

Các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đều thống nhất cao về sự cần thiết phải xem xét và ban hành Luật Dữ liệu. Theo các đại biểu, việc xây dựng Luật Dữ liệu là rất quan trọng, cần thiết để đảm bảo công tác chuyển đổi số quốc gia, nhằm phục vụ quản lý nhà nước, vừa khai thác, ứng dụng dữ liệu trong phát triển kinh tế - xã hội, vừa thắt chặt dữ liệu cá nhân và dữ liệu phi cá nhân, đảm bảo an ninh, an toàn thông tin.

Bên cạnh đó, các ĐBQH cũng cho ý kiến góp ý, tập trung vào một số vấn đề lớn, như phạm vi điều chỉnh, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật đến nguyên lý, nguyên tắc áp dụng pháp luật, tính khả thi của dự luật.

Nhiều ý kiến đề nghị, dự thảo luật cần quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân phải áp dụng các biện pháp bảo mật... Đồng thời, cần có chế tài nghiêm khắc để xử lý các vi phạm liên quan đến công tác bảo mật dữ liệu.

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: VPQH

Phát biểu mở đầu phiên thảo luận, đại biểu Đào Chí Nghĩa (Đoàn ĐBQH TP. Cần Thơ) cho biết, hiện nay tình trạng lộ lọt dữ liệu, xâm phạm quyền riêng tư ngày càng gia tăng, đòi hỏi phải có những quy định cụ thể về bảo mật và bảo vệ quyền riêng tư của người tiêu dùng.

Chính vì vậy, dự thảo luật cần quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân phải áp dụng các biện pháp bảo mật như mã hóa, xác định hai yếu tố, bảo vệ "bức tường lửa", việc sử dụng công nghệ Blockchain, công nghệ chuỗi khối hay hiểu đơn giản là công nghệ giúp mã hóa tất cả các dữ liệu thành phần, đồng thời kết nối chúng lại thành một chuỗi dài và bảo đảm thông tin dữ liệu.

"Mặt khác, cần phải có chế tài nghiêm khắc để xử lý các vi phạm liên quan đến công tác bảo mật dữ liệu, theo đó các cơ quan, tổ chức, cá nhân phải chịu trách nhiệm pháp lý nếu dữ liệu cá nhân bị rò rỉ hoặc bị đánh cắp do sơ suất trong quá trình bảo mật" - đại biểu nêu ý kiến.

Liên quan đến nội dung về quyền riêng tư và bảo mật thông tin, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, cần làm rõ khái niệm quyền riêng tư để bảo đảm thống nhất với Điều 21 của Hiến pháp và Điều 38 của Bộ luật Dân sự. Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, cần bổ sung, định nghĩa rõ ràng về quyền riêng tư trong dự thảo Luật Dữ liệu để bảo đảm sự thống nhất và bảo vệ quyền lợi của công dân.

Cùng chung quan điểm, đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc) nêu rõ, khoản 1 Điều 21 Hiến pháp quy định "mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn". Khoản 1 Điều 38 Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng quy định "đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ".

Theo đó, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên của gia đình đồng ý. Vì vậy, đại biểu đề nghị, cần rà soát quy định về vấn đề này để đảm bảo tính thống nhất với Hiến pháp và pháp luật hiện hành.

Đại biểu Điều Huỳnh Sang (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước). Ảnh: VPQH

Cho ý kiến về nội dung bảo vệ dữ liệu, đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước) lưu ý, hiện nay việc cung cấp dữ liệu có rủi ro cao về an toàn thông tin, có thể lộ, lọt thông tin khi thực hiện bàn giao giữa tổ chức, cá nhân.

Theo đại biểu, bàn giao dữ liệu thường sử dụng các phương thức như kết nối, liên thông, tích hợp, đồng bộ cơ sở dữ liệu, cài đặt, cắm thiết bị lưu trữ để sao chép tài liệu, gửi tài liệu qua thư điện tử và các ứng dụng nhắn tin và khi các cơ quan yêu cầu tổ chức, cá nhân, cung cấp dữ liệu cần có phương án để bảo đảm an toàn, tránh nguy hại, lộ lọt thông tin của tổ chức, cá nhân.

Do đó, đại biểu đề nghị, cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung trách nhiệm của cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội trong việc chỉ định phương thức bàn giao tài liệu cho phù hợp với thực tiễn. Đồng thời, nghiên cứu bổ sung quy định cụ thể về hợp tác quốc tế trong kỹ thuật xử lý và bảo vệ dữ liệu, vì đây là nội dung rất quan trọng trong tình hình phát triển xuyên biên giới, xuyên quốc gia rất nhanh chóng như hiện nay.../.

M. THÚY

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây