Đừng làm tổn thương con trẻ

Thứ ba - 19/11/2024 00:00
 

Trẻ lớn lên trong môi trường gia đình thường xuyên có xung đột dễ có xu hướng nổi loạn, thiếu kiểm soát cảm xúc.

"Ba mẹ con dạo này ít cãi nhau về chuyện tiền nong rồi. Mỗi lần giận ba, mẹ vô phòng tụi con ngồi hoặc ngủ lại với con, hôm sau tự nhiên hạ hỏa" - bé Bí Ngô (12 tuổi) kể khi nghe tôi hỏi thăm.

Giận cá chém thớt

Bé Bí Ngô là con gái của chị Mai Ngọc (40 tuổi, đồng nghiệp cũ khá thân của tôi). Vợ chồng Ngọc đều là công chức, đồng lương vừa nuôi hai con ăn học, đóng tiền mua căn hộ trả góp vừa hỗ trợ tiền mua thuốc cho ba chồng Ngọc bị tai biến nằm một chỗ nên thiếu trước hụt sau. 

Đã vậy, chồng Ngọc thỉnh thoảng lai rai với bạn bè. Mỗi lần anh về trễ, cả hai lại lớn tiếng trước mặt các con xoay quanh vấn đề tài chính, trách nhiệm gia đình. Có lúc họ dùng những lời lẽ gay gắt, thậm chí xúc phạm nhau.

Thời gian đầu, Bí Ngô và em trai chỉ im lặng, ngồi khóc ở một góc nhà, dần dần cả hai trở nên lầm lì. Thậm chí có lần Bí Ngô còn nói: "Hay là ba mẹ ly hôn đi, cho khỏi cãi nhau". 

Cũng có khi Bí Ngô tâm sự với tôi: "Ba mẹ giận nhau, tụi con được "bonus" những tiếng la mắng vô cớ kiểu "giận cá chém thớt".

Đem điều này kể cho vợ chồng bạn nghe, cả hai giật mình nhận ra mâu thuẫn của họ đã ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý các con. 

May mắn là sau lần nghiêm túc ngồi lại đề ra nguyên tắc chi tiêu; học cách kiểm soát cảm xúc và giải quyết vấn đề trong hòa bình, không khí gia đình đã dần cải thiện.

Chị Ngọc Hà và anh Minh Tuấn (quận 8, TP HCM) có một cô con gái 8 tuổi. Trong một lần bất đồng quan điểm với vợ về việc học tiếng Anh của con, anh Tuấn đã lớn tiếng ngay trong bữa ăn. 

Bé My run rẩy rồi òa khóc. Nhìn con, cơn giận trong anh Tuấn dịu lại, chị Hà cũng nhanh chóng chuyển hướng câu chuyện sang chủ đề nhẹ nhàng để trấn an tinh thần con.

Khi con đi ngủ, chị Hà nhẹ nhàng góp ý với chồng rằng việc lớn tiếng trước mặt con khiến trẻ cảm thấy thiếu an toàn trong chính gia đình mình. 

Để tránh lặp lại những tình huống tương tự, anh chị thỏa thuận nếu có bất đồng sẽ nhắn tin trao đổi để tìm hướng giải quyết.

Minh họa AI: VY THƯ

Minh họa AI: VY THƯ

Gia đình anh Vũ Minh (quận 12, TP HCM) cũng từng trải qua thời kỳ khủng hoảng khi mâu thuẫn giữa vợ chồng leo thang; nguyên nhân chỉ vì anh quá "thiên vị" gia đình bên nội mình và ít quan tâm vợ con. 

Điều này khiến vợ anh đôi lúc chạnh lòng, có cảm giác như bị bỏ rơi. Một lần, chị vô tình phát hiện anh gửi một số tiền khá lớn cho em trai mà không cùng bàn bạc khiến chị tức giận, dẫn đến một trận cãi vã lớn. 

Bé An (10 tuổi) khóc cầu xin cha mẹ ngừng cãi nhau, trong khi bé Na (5 tuổi) chỉ biết ôm con gấu bông, ngồi nép ở góc phòng với khuôn mặt hoảng sợ.

Sau hôm đó, anh Minh nhận ra những hành động tưởng chừng nhỏ của mình có thể khiến vợ mất lòng tin và làm các con bất an. Từ đó, anh sắp xếp công việc hợp lý để dành thời gian cho vợ con nhiều hơn.

Học cách kiềm chế

Trong cuộc sống gia đình, mâu thuẫn vợ chồng là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, cách mà cha mẹ đối mặt và giải quyết những bất đồng này có thể ảnh hưởng sâu sắc đến tâm lý, hành vi của con. 

Khi những cuộc tranh cãi xảy ra trước mặt trẻ, hậu quả thường không chỉ dừng lại ở sự tổn thương tâm lý tức thời (bất an, lo lắng) mà còn gây ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển của trẻ (gia tăng hành vi tiêu cực).

Nhiều nghiên cứu cho thấy trẻ lớn lên trong môi trường gia đình thường xuyên có xung đột dễ có xu hướng nổi loạn, thiếu kiểm soát cảm xúc và hình thành thói quen ứng xử tiêu cực. 

Khi trẻ trưởng thành, thường gặp khó khăn trong việc xây dựng mối quan hệ lành mạnh, có nguy cơ cao trong việc lặp lại các hành vi tiêu cực trong hôn nhân của chính mình.

Phân tích nguyên nhân cãi nhau trước mặt con, những nhân vật trong những câu chuyện trên đều thừa nhận họ đã không biết cách kiểm soát cơn giận, không biết trì hoãn cuộc tranh cãi để tránh làm tổn thương con. 

Sự mệt mỏi và áp lực từ công việc, tài chính cũng dễ khiến mâu thuẫn bùng nổ, sẵn sàng "xả ra" cho "hả". Ngoài ra, không có thói quen lắng nghe và thấu hiểu nhau sẽ dẫn đến bất đồng leo thang thành tranh cãi lớn.

Về giải pháp giải quyết mâu thuẫn mà không làm tổn thương con, người trong cuộc cho rằng phải học cách kiềm chế và chọn thời điểm, không gian riêng để giải quyết mâu thuẫn. 

Sự tôn trọng là yếu tố quan trọng để tránh những lời nói gây tổn thương. Anh Minh Tuấn đúc kết khi mâu thuẫn phát sinh, vợ chồng nên áp dụng nguyên tắc "3 không": không nói to, không xúc phạm và không kéo dài quá 24 giờ.

Còn với chị Mai Ngọc, cha mẹ có thể giáo dục con cách giải quyết mâu thuẫn một cách tích cực thông qua thực tế của gia đình. Điều này giúp con hiểu xung đột là điều bình thường trong cuộc sống, miễn là biết cách xử lý. 

"Việc giáo dục con cách đối mặt và giải quyết xung đột cũng sẽ giúp con trưởng thành với tư duy tích cực và cảm xúc ổn định" - chị Mai Ngọc chia sẻ.

Trong khi đó, anh Vũ Minh nhấn mạnh đến việc tăng cường sự gắn kết gia đình. Những hoạt động cùng nhau sẽ giúp các thành viên biết lắng nghe nhau, cải thiện tình cảm và giảm thiểu cơ hội xảy ra xung đột do hiểu lầm. 

Gia đình không chỉ là nơi che chở mà còn là môi trường đầu tiên hình thành nhân cách cho trẻ.

Hãy cùng nhau xây dựng một mái ấm hạnh phúc để nuôi dưỡng những tâm hồn khỏe mạnh và yêu thương.

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây