Tuyển dụng nhà giáo: Nên giao quyền và trách nhiệm cho ngành giáo dục

Thứ bảy - 09/11/2024 17:00
 

Trong phiên thảo luận tại tổ sáng ngày 9/11, nhiều đại biểu cho rằng, nên giao quyền và trách nhiệm đầy đủ hơn cho ngành giáo dục trong việc tuyển dụng nhà giáo.

Đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam đề nghị giao trách nhiệm và quyền tuyển dụng giáo viên cho ngành giáo dục (Ảnh: Nghĩa Đức)

Quan tâm đến quy định thẩm quyền tuyển dụng được quy định tại khoản 2, Điều 16 dự thảo luật, đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Quảng Nam khẳng định, nhà giáo là đối tượng đặc thù, cần được quan tâm nhằm phục vụ cho sự nghiệp phát triển giáo dục đào tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao. Tuy nhiên, hiện nay đang có tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ, phân bổ chỉ tiêu giáo viên theo dân số ở địa phương. Giáo viên ở thành phố lớn thì thừa nhưng ở những vùng khó khăn lại thiếu. Việc tuyển chọn giáo viên vẫn đang do ngành Nội vụ ở các địa phương thực hiện nên không thể giải quyết được hết bài toán về thừa, thiếu giáo viên.

Trước thực tế trên, đại biểu Tạ Văn Hạ đề xuất với Ban soạn thảo dự án Luật Nhà giáo là việc tuyển chọn giáo viên nên giao cho ngành giáo dục ở các địa phương tuyển chọn. Mặt khác, việc giảm biên chế cũng cần xem xét để đảm bảo chất lượng giảng dạy tốt nhất.

Đồng quan điểm trên đại biểu Châu Quỳnh Giao - Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang thống nhất với việc nhà giáo trong cơ sở giáo dục công lập do cơ quan quản lý giáo dục chủ trì tuyển dụng hoặc phân cấp, ủy quyền. Đối với cơ sở giáo dục được giao quyền tự chủ, người đứng đầu cơ sở giáo dục thực hiện việc tuyển dụng. Nhà giáo trong cơ sở giáo dục ngoài công lập do cơ sở giáo dục chủ trì tuyển dụng theo quy chế tổ chức, hoạt động của cơ sở giáo dục.

Toàn cảnh phiên thảo luận tại tổ 5 vào sáng 9/11 (Ảnh: Nghĩa Đức)

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé – Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang cho rằng, hiện nay, nếu vẫn giao cho ngành nội vụ tuyển dụng giáo viên theo số học sinh/lớp thì còn khiến cho những vùng, miền khó khăn không thể tuyển đủ giáo viên các môn học vì số lượng học sinh/lớp ở những nơi này thường không thể đông đủ như các thành phố lớn. Các địa phương không thể lấy biên chế giáo viên của tỉnh này chuyển sang tỉnh khác. Vì vậy, giải pháp giao quyền và trách nhiệm đầy đủ hơn cho ngành Giáo dục trong việc tuyển dụng giáo viên là hợp lý. Ngành nội vụ có thể phối hợp với ngành Giáo dục trong tuyển dụng giáo viên ở các địa phương nhưng phải đảm bảo nguyên tắc tuyển đủ, đảm bảo chất lượng.

Cũng liên quan đến tuyển dụng giáo viên, dự thảo luật quy định "nhà giáo trong cơ sở giáo dục công lập do cơ quan quản lý giáo dục chủ trì tuyển dụng hoặc phân cấp, ủy quyền. Đối với cơ sở giáo dục được giao quyền tự chủ, người đứng đầu cơ sở giáo dục thực hiện việc tuyển dụng"

Đại biểu Đại biểu Âu Thị Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang cho hay, với quy định nêu trên, tuyển dụng đối với nhà giáo giảng dạy trường Trung học phổ thông (do Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý) thuộc thẩm quyền của Sở Giáo dục và Đào tạo là phù hợp với quy định hiện hành về tuyển dụng viên chức; tuy nhiên, đối với thẩm quyền tuyển dụng nhà giáo ở cấp huyện (cấp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở) giao cho Phòng Giáo dục và Đào tạo tuyển dụng là chưa phù hợp quy định hiện hành và thực tiễn đối với tuyển dụng viên chức (thẩm quyền tuyển dụng viên chức của UBND huyện, thành phố), đề nghị cần được nghiên cứu quy định rõ hơn đối với từng cấp học cho phù hợp.

Đại biểu Âu Thị Mai góp ý về thẩm quyền tuyển dụng giáo viên (Ảnh: Thu Hường)

Liên quan đến quy định thẩm quyền điều động nhà giáo, tại khoản 4, Điều 19 dự thảo Luật quy định: “Thẩm quyền điều động do cơ quan quản lý giáo dục chủ trì tham mưu thực hiện hoặc thực hiện theo phân cấp, ủy quyền”; còn tại khoản 2, Điều 22 dự thảo quy định thẩm quyền biệt phái nhà giáo như sau: “Thẩm quyền biệt phái nhà giáo do cơ quan quản lý giáo dục chủ trì, tham mưu thực hiện hoặc phân cấp, ủy quyền”.

Đại biểu Âu Thị Mai đề xuất, thẩm quyền điều động, biệt phái đối với nhà giáo ở cấp huyện (cấp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở) giao cho Phòng Giáo dục và Đào tạo chủ trì cần cân nhắc, do theo quy định hiện hành chức năng, nhiệm vụ tham mưu về công tác cán bộ (gồm cả nhà giáo giữ chức danh, chức vụ quản lý; nhà giáo không giữ chức vụ và việc tiếp nhận từ nhà giáo về cơ quan quản lý giáo dục (Phòng Giáo dục và Đào tạo) thuộc thẩm quyền cơ quan tham mưu công tác cán bộ (Phòng Nội vụ).

Thu Hường

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây