Đại biểu Hoàng Văn Cường phát biểu thảo luận tại tổ 1 - sáng 9/11.
Tại Tổ 1 (Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội), các đại biểu đồng tình với sự cần thiết xây dựng Luật Nhà giáo và sửa đổi Luật Việc làm như Tờ trình của Chính phủ; đồng thời đề nghị rà soát các quy định trong dự thảo luật đảm bảo thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật.
Cho ý kiến về dự thảo Luật Nhà giáo, các đại biểu thống nhất sự cần thiết ban hành Luật Nhà giáo, nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về vị trí, vai trò của đội ngũ nhà giáo trong sự nghiệp phát triển đất nước; hoàn thiện hệ thống pháp luật về nhà giáo, đồng thời có chính sách đặc thù để xây dựng và phát triển nhà giáo; khắc phục các bất cập trong quản lý nhà nước về nhà giáo hiện nay, kiến tạo các chính sách đột phá để phát triển đội ngũ nhà giáo.
Lần đầu tiên dự thảo Luật Nhà giáo được trình Quốc hội, đại biểu Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm (Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội) vui mừng khi thấy nhiều điều khoản tôn vinh nghề giáo – một nghề cao quý trong xã hội.
Theo đại biểu, dự thảo Luật Nhà giáo đã khái quát đầy đủ chính sách về nhà giáo, quyền và nghĩa vụ của nhà giáo, chính sách tiền lương, đãi ngộ với nhà giáo, đào tạo. Điều này thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước nhằm phát huy vai trò quyết định trong đảm bảo chất lượng giáo dục.
Đáng chú ý, dự thảo Luật đã quan tâm đến chính sách tiền lương với quan điểm nhà giáo được bố trí ưu tiên cao nhất trong hệ thống thang, bậc lương hành chính sự nghiệp, được hưởng ưu đãi nghề nghiệp... Có chính sách thu hút người có trình độ cao, người có tài năng, người có năng khiếu đặc biệt công tác trong ngành giáo dục…
Các đại biểu tham dự thảo luận tại tổ 1.
Tâm đắc với 8 điểm mới của dự thảo luật, đại biểu Thích Bảo Nghiêm nhìn nhận, điều này sẽ tạo điều kiện cho nhà giáo yên tâm công tác. Qua đó, không chỉ thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với nghề giáo – nghề cao cả trong những nghề cao cả, mà còn tạo điều kiện để nghề giáo phát triển, thu hút người tài, người giỏi, giúp đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Nhấn mạnh nghề giáo là nghề đặc biệt, đối tượng tác động là con người, sản phẩm giáo dục là tri thức, tư chất của con người, đại biểu Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội - nêu ý kiến, ngoài 8 điểm quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm của nhà giáo, dự thảo luật cần bổ sung một số yêu cầu cao hơn. Trong đó nhà giáo không chỉ mẫu mực, nêu gương trong hoạt động nghề nghiệp, mà phải mẫu mực trong sinh hoạt cộng đồng, chuẩn mực trong các hành vi ứng xử xã hội.
Nhà giáo không chỉ tôn trọng, đối xử công bằng, bảo vệ các quyền lợi của người học, mà phải có trách nhiệm động viên, khuyến khích, khích lệ để người học phát triển những tư duy sáng tạo của cá nhân; phải tôn trọng các ý kiến khác biệt không vi phạm chuẩn mực đạo đức và pháp luật của người học.
Nhà giáo không chỉ có nghĩa vụ nghiên cứu khoa học, mà trong thời gian nghỉ hè hoặc khi có điều kiện phù hợp, nhà giáo phải có trách nhiệm tham gia thực hiện các hoạt động cộng đồng phù hợp với chuyên môn của mình...
Về một số nội dung cụ thể trong dự thảo luật, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định nhà giáo được quyền bảo lưu ý kiến chuyên môn, quyền đề xuất sáng kiến về nội dung và phương pháp giảng dạy. Nhà giáo được tôn trọng và bảo vệ nhân phẩm, danh dự không phải chỉ trong hoạt động nghề nghiệp, mà phải được tôn trọng, bảo vệ mọi lúc, mọi nơi. “Không phải quyền được nghỉ hè, mà nghỉ hè phải gắn với nhiệm vụ tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ và phục vụ cộng đồng”.
Tại phiên thảo luận, một số đại biểu cho rằng, khái niệm cơ sở giáo dục có nội hàm rất rộng, do đó cần xem xét bổ sung làm rõ thêm khái niệm “cơ sở giáo dục” và đồng thuận với Luật Giáo dục 2019 để có cách hiểu đúng và thống nhất về cơ sở giáo dục.
Ngoài ra, cần có sự thống nhất về định nghĩa giáo viên, giáo dục thường xuyên giữa Luật Giáo dục và dự thảo Luật Nhà giáo.
Minh Phong
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn