Truyền dạy nghệ thuật điêu khắc và diễn xướng dân gian trong lễ bỏ mả của đồng bào Cơ Tu

Thứ sáu - 29/11/2024 14:40
 

Sáng ngày 29/11, tại huyện Nam Đông (tỉnh Thừa Thiên Huế), Phân Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại Huế phối hợp với Phòng VHTT huyện Nam Đông đã khai giảng lớp truyền dạy nghệ thuật điêu khắc và nghệ thuật diễn xướng dân gian trong nghi lễ bỏ mả của đồng bào Cơ Tu. Đây là hoạt động thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1 từ năm 2021-2025.

Trong 2 năm qua, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam là một trong các cơ quan nghiên cứu khoa học được Bộ VHTTDL giao triển khai các đề tài thuộc dự án 6 ở các địa phương có đồng bào dân tộc thiểu số thuộc vùng Tây Bắc, Tây Nguyên và miền núi Trung bộ. Ở miền núi Trung bộ, trong năm 2024, Viện đã lựa chọn dân tộc Cơ Tu ở tỉnh Thừa Thiên Huế để lập và triển khai dự án "Nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, phát huy lễ bỏ mả của người Cơ Tu ở thôn Dỗi, xã Thượng Lộ, huyện Nam Đông".

Hình ảnh tại lễ khai giảng lớp truyền dạy được tổ chức tại huyện Nam Đông.

Phân Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại Huế cho biết, lễ bỏ mả là một nghi lễ rất quan trọng trong chu kỳ đời người, góp phần tạo nên các hệ giá trị bản sắc văn hóa đặc trưng của đồng bào Cơ Tu trong bức tranh các dân tộc thiểu số miền núi Trung bộ cũng như cả nước.

Lớp truyền dạy được tổ chức dịp này với mục đích phục dựng, lưu giữ và trao truyền các kỹ thuật điêu khắc tượng, kỹ thuật điêu khắc hoa văn trang trí trên nhà mồ; nghệ thuật trình diễn các vũ điệu, làn điệu dân ca, các loại nhạc cụ gắn với quá trình thực hành nghi lễ bỏ mảtruyền thống của dân tộc Cơ Tu.

Theo đó, tại các buổi truyền dạy, các già làng, nghệ nhân có uy tín người Cơ Tu sẽ trực tiếp trao truyền, chỉ dạy lại cho các học viên là thế hệ trẻ, là những thành viên của cộng đồng các làng bản ở Nam Đông về di sản nghệ thuật điêu khắc và diễn xướng dân gian đặc sắc của dân tộc mình. Sau lớp truyền dạy, các nghệ nhân, già làng, học viên của lớp truyền dạy sẽ là những hạt nhân đóng vai trò tạo nên sức sống cho mô hình "Bảo tồn làng truyền thống dân tộc Cơ Tu" đang được xây dựng ở thôn Dỗi, xã Thượng Lộ, huyện Nam Đông.

Phân Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại Huế cho hay, trong bối cảnh hiện nay, lớp truyền dạy này có ý nghĩa rất quan trọng, bởi nhiều di sản đang biến đổi nhanh chóng, nhiều nghệ thuật truyền thống bị mai một trước xu thế phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực đời sống.

Đây được xem là một giải pháp cụ thể, một hành động thiết thực nhằm góp phần lưu giữ, trao truyền, bảo tồn, phát huy nghệ thuật điêu khắc và diễn xướng dân gian, một trong những giá trị văn hóa phi vật thể tiêu biểu của đồng bào Cơ Tu.

Lê Chung

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây