Khởi tố vụ án đánh ghen ở Cần Thơ. Ảnh cắt ra từ clip
Hậu quả của việc dùng bạo lực để đánh ghen hiện đang là chủ đề bàn luận sôi nổi trên nhiều diễn đàn mạng xã hội sau khi Công an quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, ngày 3/1 cho biết đã khởi tố vụ án để điều tra vụ việc chị N.N bị vợ của đồng nghiệp đánh ghen.
Cho rằng N.N quan hệ tình ái với chồng mình, chị H.N.B.T, ngụ tại TP Cần Thơ, đã cùng người nhà đi đánh ghen N.N ngoài đường. Làm việc với cơ quan công an, chị T. và Q đã thừa nhận hành vi vi phạm pháp luật. Chị T. cho rằng N. đã quan hệ tình ái mờ ám với chồng của chị, nên đã chặn đường đánh chị N.
Vụ việc hiện đang gây tranh cãi và bàn luận trên mạng xã hội về việc tuân thủ pháp luật và cách hành xử đúng khi ghen tuông. Phóng viên Báo Phụ nữ Việt Nam đã có cuộc trao đổi cùng luật sư, Hòa giải viên của TAND TPHCM Đỗ Ngọc Thanh xoay quanh các bàn luận liên quan.
Luật sư, hòa giải viên Đỗ Ngọc Thanh. Ảnh: NVCC
PV: Nhiều vụ việc đánh ghen đã xảy ra, người vợ bị khởi tố, "vừa mất chì vừa mất chài", với tư cách là luật sư, là hòa giải viên của TAND TPHCM, luật sư có ý kiến như thế nào?
Luật sư Đỗ Ngọc Thanh: Đánh ghen là một hành động xuất phát từ cảm xúc mạnh mẽ khi người trong cuộc bị tổn thương sâu sắc về mặt tình cảm và lòng tin. Tuy nhiên, việc sử dụng bạo lực hay hành vi làm nhục để giải quyết mâu thuẫn không chỉ đi ngược lại các giá trị đạo đức mà còn vi phạm nghiêm trọng pháp luật. Hậu quả của hành vi đánh ghen thường là "vừa mất chì vừa mất chài" khi người vợ không còn sự bình tĩnh, tự làm thấp giá trị bản thân trong gia đình và phải đối mặt với những trách nhiệm pháp lý nặng nề.
Với tư cách là Luật sư và hòa giải viên, tôi khẳng định rằng việc sử dụng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn là lựa chọn sai lầm. Thay vì đạt được mục đích níu giữ gia đình, hành động này có thể dẫn đến những hậu quả pháp lý nghiêm trọng như bị khởi tố về các tội danh: "Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác; tội làm nhục người khác; tội gây rối trật tự công cộng" theo Bộ luật Hình sự. Những hậu quả đó không chỉ gây tổn hại nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của người thực hiện mà còn làm xấu thêm tình hình mối quan hệ gia đình, tác động tiêu cực đến con cái và xã hội.
PV:Nhưng người trong cuộc luôn bị cảm xúc chi phối, khó mà tư duy lý trí như người ngoài cuộc…
Luật sư Đỗ Ngọc Thanh: Điều cần thiết nhất vẫn là giữ bình tĩnh và kiểm soát cảm xúc trong mọi hoàn cảnh, ngay cả khi sự việc gây tổn thương sâu sắc. Như vậy mới không có những ân hận về sau. Các hành động bốc đồng sẽ chỉ làm tình hình trở nên phức tạp hơn, thậm chí có thể dẫn đến những hậu quả pháp lý, tinh thần và danh dự nghiêm trọng.
Trong các buổi hòa giải tại TAND TPHCM đối với tâm sự có tình huống tương tự, tôi thường khuyên người trong cuộc rằng, khi đối mặt với trường hợp chồng hoặc vợ ngoại tình, cần lựa chọn cách giải quyết hợp lý và đúng pháp luật. Việc thu thập chứng cứ hợp pháp, như tin nhắn, hình ảnh, video hoặc lời khai nhân chứng, là bước đi đầu tiên giúp bảo vệ quyền lợi chính đáng. Tuy nhiên, điều quan trọng là không để cảm xúc dẫn dắt đến các hành vi vi phạm pháp luật, như bạo lực hay xúc phạm danh dự người khác, bởi pháp luật không chấp nhận những hành vi này dù lý do có chính đáng đến đâu.
Người trong cuộc nên tìm đến sự hỗ trợ từ các chuyên gia, bao gồm Luật sư, Hội phụ nữ và Hòa giải viên, để được tư vấn cách xử lý tình huống một cách hiệu quả và hợp pháp. Luật sư sẽ giúp phân tích tình huống, đưa ra phương án tối ưu và đại diện trong các vấn đề pháp lý. Đồng thời, việc tìm đến các chuyên gia tâm lý cũng rất quan trọng để giải tỏa cảm xúc, củng cố sự tự tin và tìm lại sự cân bằng trong cuộc sống.
Nếu mối quan hệ không thể cứu vãn, một giải pháp dài hạn cần được cân nhắc, chẳng hạn như ly hôn để giải thoát bản thân khỏi sự tổn thương kéo dài. Đây là cách thể hiện sự tự trọng, bảo vệ bản thân và tạo điều kiện để xây dựng một cuộc sống mơi, một tương lai tốt đẹp hơn.
PV:Có ý kiến cho rằng, bạo lực không giải quyết được các rắc rối tình yêu, ghen tuông không "mang" người chồng quay về nhà. Vậy phụ nữ cần làm gì để có thể sống an vui, hạnh phúc khi cứ nghĩ tới, hoặc nhìn thấy sự phản bội của chồng?
Luật sư Đỗ Ngọc Thanh: Khi một mối quan hệ bị tổn thương nghiêm trọng bởi sự phản bội, việc níu kéo bằng bạo lực hay sự ghen tuông chỉ khiến tình hình thêm căng thẳng và đẩy xa các bên hơn. Để sống an vui, hạnh phúc, người phụ nữ cần tập trung vào việc xây dựng giá trị bản thân và tìm kiếm sự cân bằng trong cuộc sống.
Điều đầu tiên là học cách yêu thương và tôn trọng chính mình, nên ưu tiên chăm sóc sức khỏe, phát triển bản thân, và xây dựng sự độc lập cả về tài chính lẫn tinh thần. Một người phụ nữ độc lập không chỉ tạo dựng được vị thế cho bản thân mà còn có khả năng tự quyết định cuộc sống mà không phụ thuộc vào bất kỳ ai.
Việc tha thứ, không phải để níu kéo người khác, mà để giải thoát bản thân khỏi sự đau khổ, cũng là một cách để tiến lên. Học cách buông bỏ những điều đã không còn thuộc về mình sẽ giúp phụ nữ tìm thấy sự thanh thản và sẵn sàng đón nhận những cơ hội mới trong tương lai.
NGƯỜI CHỒNG PHẢN BỘI ĐÁNG BỊ LÊN ÁN
PV: Trên thực tế, người chồng ít khi bị lên án trong các vụ đánh ghen, mà chỉ có hai người phụ nữ dằn vặt nhau. Điều đó cần phải điều chỉnh/thay đổi như thế nào?
Luật sư Đỗ Ngọc Thanh: Đúng là đã tồn tại thực tế như vậy, trong các vụ đánh ghen, người chồng thường ít bị lên án, trong khi phụ nữ lại rơi vào cảnh dằn vặt và công kích lẫn nhau. Đây là hậu quả của tư duy xã hội còn nặng nề định kiến, nơi trách nhiệm giữ gìn gia đình dường như luôn được đặt lên vai người phụ nữ, bất kể ai là người sai. Điều này cần phải thay đổi.
Ngoại tình là hành vi sai trái, không chỉ về đạo đức mà còn vi phạm pháp luật khi đi ngược lại nguyên tắc hôn nhân một vợ một chồng. Trách nhiệm của sự tan vỡ thuộc về tất cả các bên liên quan, đặc biệt là người đã phản bội lời cam kết trong hôn nhân (sự thủy chung). Do đó, không thể có chuyện người chồng "đứng ngoài cuộc" trong khi những tổn thương, xung đột lại đổ dồn lên phụ nữ. Điều này không chỉ bất công mà còn làm sâu sắc thêm những mâu thuẫn vốn đã khó giải quyết.
Xã hội cần có cái nhìn công bằng hơn. Việc phán xét hay xử lý pháp luật cần áp dụng cho tất cả các bên một cách bình đẳng, bất kể giới tính. Người chồng phản bội cũng phải chịu trách nhiệm như người vợ. Chỉ khi nào tất cả các bên liên quan được đối xử như nhau thì những bất công này mới có thể được tháo gỡ.
PV: Ngoài việc phân tích về yếu tố tình cảm, tâm lý, mong luật sư phân tích về các tội danh mà người vợ phải đối mặt khi đánh ghen bằng bạo lực với tình địch.
Luật sư Đỗ Ngọc Thanh: Khi người vợ lựa chọn đánh ghen bằng bạo lực, bên cạnh những tổn hại về tình cảm và danh dự, họ còn phải đối mặt với các tội danh hình sự nghiêm trọng theo quy định của pháp luật. Đây là điều cần được hiểu rõ để tránh biến cảm xúc bộc phát thành hành vi vi phạm pháp luật, gây thêm tổn thương không chỉ cho người khác mà còn cho chính bản thân mình.
Trước tiên, hành vi đánh ghen bằng bạo lực có thể dẫn đến tội "Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác" theo Điều 134 Bộ luật Hình sự. Nếu việc đánh ghen gây ra thương tích hoặc tổn hại sức khỏe cho nạn nhân, người thực hiện có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Mức độ xử phạt phụ thuộc vào tỷ lệ tổn thương cơ thể và mức độ nghiêm trọng của hành vi. Ví dụ, nếu nạn nhân có tỷ lệ thương tích từ 11% trở lên, hình phạt có thể là từ cải tạo không giam giữ đến phạt tù nhiều năm.
Tiếp theo, nếu hành vi đánh ghen kèm theo các hành động như xé quần áo, chửi bới, quay video phát tán, thì có thể cấu thành tội "Làm nhục người khác" theo Điều 155 Bộ luật Hình sự. Đây là tội danh liên quan đến hành vi xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người khác, với khung hình phạt từ phạt cảnh cáo, phạt tiền đến phạt tù lên đến 5 năm tùy thuộc vào mức độ và hậu quả gây ra.
Ngoài ra, nếu việc đánh ghen diễn ra nơi công cộng, gây mất trật tự, thu hút đám đông hoặc ảnh hưởng đến sự yên ổn xã hội, người vợ có thể bị truy cứu thêm về tội "Gây rối trật tự công cộng" theo Điều 318 Bộ luật Hình sự. Mức phạt cho tội này có thể dao động từ cải tạo không giam giữ đến án phạt tù cao nhất là 7 năm, tùy vào hậu quả và mức độ nghiêm trọng của hành vi.
Trong trường hợp hành vi chưa đủ yếu tố để cấu thành tội phạm hình sự, người vi phạm vẫn có thể bị xử phạt hành chính theo quy định pháp luật.
PV: Xin cảm ơn luật sư!
Đinh Thu Hiền (thực hiện)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn