Ảnh minh họa (nguồn: Internet)
Sau nhiều lần thuyết phục, cuối cùng mẹ tôi cũng đồng ý đến bệnh viện. Qua thăm khám, bác sĩ cho biết, mẹ tôi bị đục thủy tinh thể, muốn mắt nhìn rõ hơn thì bắt buộc phải mổ thay thủy tinh thể, bác sĩ tư vấn nên thay loại thủy tinh thể tốt. Dĩ nhiên là ngoài chi phí bảo hiểm y tế thanh toán, gia đình phải nộp thêm một khoản tiền. Số tiền mà theo cách nhẩm tính của mẹ tôi là “hết cả tấn thóc”.
Cũng như bao người phụ nữ thôn quê, mẹ tôi chất phác và tảo tần. Khi chị em tôi còn nhỏ, bố mẹ chẳng quản vất vả làm lụng nuôi các con, để chị em tôi không thiếu ăn, thiếu mặc, rồi lại cố để các con được học hành theo sở nguyện. Dù kinh tế không dư giả, nhưng mẹ tôi chẳng tiếc tiền sắm sửa cho chồng con những thứ tốt đẹp. Cho đến tận bây giờ, mẹ tôi vẫn giữ thói quen ấy. Dường như, mỗi khi phải tiêu gì đó cho bản thân, dù là chữa bệnh, mẹ tôi cũng đắn đo sợ tốn kém. Vì thế mà mắt dù mờ đã khá lâu, đến nay mẹ tôi mới đồng ý mổ.
Theo lịch hẹn, tôi đưa mẹ đến bệnh viện. Đến nơi mới thấy, số người có tuổi bị các vấn đề về mắt rất nhiều, đặc biệt là bị đục thủy tinh thể. Mổ thay thủy tinh thể không quá phức tạp nên mẹ tôi chọn làm ở một bệnh viện tư nhân uy tín.
Sau khi làm xong các thủ tục, đưa mẹ vào phòng chờ mổ, tôi trở ra khu vực sảnh ngoài cùng người nhà nhiều bệnh nhân khác. Lúc này, một nhân viên bệnh viện đi đến nói, do bệnh viện không có căng tin, xung quanh cũng không có quán ăn nên người nhà bệnh nhân có nhu cầu đặt cơm trưa thì đăng ký để bệnh viện gọi giúp. Cơm bình dân, chế biến sạch sẽ, chỉ 30.000 đồng một suất. Nghe vậy, mọi người xếp hàng để đăng ký.
Đứng trước tôi là một bác gái, trạc tuổi mẹ tôi, dáng người chân quê. Bác nói với nhân viên bệnh viện chỉ đăng ký một suất ăn.
Nhân viên bệnh viện hỏi lại: “Bác đăng ký một suất cho người bệnh hay cho bác ạ?”. Người phụ nữ thật thà: “Tôi đăng ký cho chồng tôi đang chờ mổ thôi”. “Vậy bác ăn gì? Xung quanh đây không có quán ăn đâu bác ơi...?”, chị nhân viên quan tâm hỏi lại. Người phụ nữ lúng túng, nói cụt lủn: “Tôi ăn gì kệ tôi", như chừng thấy mình lỡ lời, người phụ nữ trạc tuổi mẹ tôi lại nói nhỏ, như thanh minh: “... nhà tôi cũng ở gần đây”.
Sau khi đăng ký đặt cơm thì người nhà bệnh nhân cũng đồng thời nộp tiền cho nhân viên. Tôi liếc nhìn người phụ nữ, một xấp tiền với nhiều mệnh giá khác nhau được rút ra từ trong túi quần. Có lẽ, bà đã gói ghém mang theo để chữa bệnh cho chồng. Dù không liên quan, nhưng tôi bất chợt suy nghĩ, so với xấp tiền người phụ nữ ấy có, 30.000 đồng một suất ăn hẳn nhiên không nhiều.
Rồi tôi lại nhớ tới mẹ, nhớ đến sự tiết kiệm của bà. Ngày nhỏ, mỗi lần vào những dịp đặc biệt, mẹ thường dẫn chị em tôi đi ăn bánh mì, những chiếc bánh mì pa tê thịt giòn tan, đẫm nước sốt, thơm lừng, đến tận bây giờ tôi hẵng còn nhớ, ngày ấy với những đứa trẻ ở quê tôi, không phải ngày nào cũng có thể được ăn bánh mì. Nhưng đến nơi, lần nào mẹ tôi cũng chỉ gọi 3 chiếc, đủ cho 3 chị em tôi, còn bà thì không. Hay những lần bố dẫn cả nhà đi ăn quán, mẹ tôi vẫn luôn tìm lí do để ở nhà. Lớn lên rồi tôi mới hiểu, đâu phải mẹ tôi không thích ăn bánh mì, không thích ăn phở, chỉ vì bà muốn tiết kiệm một chút tiền mà thôi.
Đến tận bây giờ, khi cuộc sống đã vơi bớt vất vả, nhọc nhằn, mẹ tôi vẫn giữ thói quen tiết kiệm. Mẹ tôi có bệnh đau đầu lâu năm, mỗi lần như vậy tôi muốn chở mẹ ra quán gội đầu, để người ta bóp đầu cho bà. Mỗi lần đi về, mẹ nói thật dễ chịu. Nhưng rồi, mẹ tôi cũng ít khi chịu đi lắm, tôi biết là do bà tiếc tiền.
Thực ra, những người phụ nữ như mẹ tôi không hiếm. Họ sẵn sàng gói ghém, dồn từng đồng từ tiền bán dăm tạ lúa, vài con lợn cho những việc lớn trong gia đình, hay đơn giản là để cho chồng, cho con được “bằng bạn, bằng bè”. Nhưng lại luôn tiếc những đồng tiền ít ỏi tiêu cho chính bản thân mình. Mẹ tôi cũng chưa từng nói một lời phàn nàn, kêu ca. Đó, dường như là sự lựa chọn - lựa chọn “đứng sau” niềm vui của những người mà mẹ yêu thương.
Khánh Lộc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn