Tôi cảm nhận được bầu không khí ảm đạm bao trùm lấy căn nhà. Bức tường dày vẫn không ngăn được tiếng khóc của bà ngoại. Khi ấy, tôi tròn 11 tuổi, cũng là lần đầu tiên nghe đến hai từ “ung thư”.
Tôi là Đàm Thanh Huyền (sinh năm 1998, Hà Nội). Cứ ngỡ "cơn ác mộng" của ung thư xương năm 11 tuổi đã chấm dứt, vậy mà ở tuổi 25, tôi đối mặt với bệnh ung thư lần hai.
11 tuổi, tôi mất đi một phần cơ thể
Năm 2013, khi đang vùi đầu vào sách vở, cố giành được một suất vào trường chuyên của huyện, vùng đầu gối của tôi liên tục đau nhói. Đã thử uống hàng loạt thuốc kháng sinh nhưng không có tác dụng, mẹ tôi quyết định ôm con xuống Hà Nội để tìm nguyên nhân.
Sau hàng loạt khâu kiểm tra, chụp chiếu, tôi mệt rã rời, gối đầu lên chân mẹ ngủ thiếp. Trong cơn mê, tôi thoáng nghe mẹ gọi điện thoại cho bố, giọng run, hai mắt đỏ hoe, trên tay vẫn nắm chặt kết quả chẩn đoán.
Tôi mắc ung thư xương nguyên phát năm 11 tuổi. Đến năm 25, tiếp tục đối mặt ung thư sarcoma xương di căn phổi.
11 tuổi, tôi chưa thể định nghĩa “ung thư xương nguyên phát” là gì. Chỉ biết từ thời điểm sau khi đi viện, tôi luôn được người nhà quây quần lại chăm sóc, được cho nhiều món quà bánh ngon.
Sau này, tôi mới lờ mờ nhận ra đó là “đặc quyền” của người lớn dành cho đứa nhỏ mà “bản án tử” đang treo lơ lửng trên đầu.
Hành trình chiến đấu với ung thư của tôi được mở ra bằng một ca phẫu thuật cắt bỏ đi chân trái. Thời điểm ấy, kỹ thuật thay xương vẫn còn là một điều quá mới mẻ đối với y tế.
Một lựa chọn khác là bảo tồn chi, thế nhưng, số lượng người tử vong khi lựa chọn phương pháp này khiến mẹ tôi lắc đầu ngay lập tức. Tôi buộc phải mất đi một phần cơ thể, như một cách để nối dài sự sống.
Trước phẫu thuật, hai chân tôi còn lành lặn. Sau phẫu thuật, một đoạn chân trái đã bị mất đi. Tôi tự mặc cảm về sự "khác biệt" so với các bạn nên chẳng thể hòa nhập vào những cuộc vui với bạn bè.
Sau một năm, tôi khỏi bệnh.
Năm học mới đến, tôi đứng tần ngần trước cổng trường học, cảm thấy bản thân lạc lõng so với bạn bè. Một lần nữa, bờ vai của mẹ lại là điểm tựa vững chắc. Tôi tự tin trở lại lớp học thay vì phòng hóa trị.
Hai căn bệnh ung thư "dạy" cho tôi nhiều bài học, rằng phải biết trân trọng sự sống, vì luôn có những người yêu thương mình vô điều kiện.
Ung thư sarcoma xương di căn phổi
Buổi chiều nằm trên vai mẹ cùng những ngày vào hóa chất đến suy kiệt trôi vào một miền ký ức xa thẳm. Bẵng đi 10 năm, cuộc sống tôi dần đi vào quỹ đạo.
25 tuổi, tôi dấn thân vào con đường làm streamer với tần suất livestream 4 giờ/ngày. Lao đầu với công việc, tôi gần như bỏ quên sức khỏe, thường thức giấc vào 7h sáng và chỉ lên giường đi ngủ khi đồng hồ đã điểm 4h.
Tháng 2/2023, những cơn đau đầu ập đến liên tục. Kết quả chụp X-quang cho thấy có một đốm mờ ở phổi.
Hàng loạt cuộc kiểm tra đã được tiến hành đều chỉ về kết quả duy nhất “Ung thư sarcoma xương di căn phổi”.
Thời gian truyền hóa chất, tóc tôi rụng dần.
Đối mặt với căn bệnh ung thư lần hai, tôi gần như sụp đổ. Không hồn nhiên như tuổi 11 vì tôi biết hiện tại mình có nhiều thứ để mất. Căn nhà vừa mua vẫn chưa trả dứt nợ, ba mẹ đã lớn tuổi chẳng có ai đỡ đần.
Hóa trị vài đợt, tôi không còn nhận ra chính mình. Làn da vốn trắng nõn lại chi chít những vết bỏng hóa chất, nóng ran đến tận xương, như có ai dùng lửa đỏ châm vào da. Cơ thể tôi suy kiệt, đầu móng tay lở loét. Tôi bỗng nhìn thấy bản thân của năm 11 tuổi.
Trong phác đồ điều trị đã được vạch ra, tôi chỉ vừa đi đến 1/3 đoạn đường. Điều này đồng nghĩa với việc phải có thêm vài chục buổi nằm trên giường hóa trị, vài chục lần hóa chất chảy vào cơ thể, tôi mới có khả năng lui bệnh. Nhưng mọi thứ kéo đến dồn dập, tôi quyết định ngưng vào thuốc trong sự ngỡ ngàng của mọi người xung quanh. Bất kể lúc này, khối u đã nhỏ hơn 30% so với ban đầu.
Mất niềm tin vào Tây y, tôi bắt đầu tìm đến các loại thuốc nam, thuốc bắc. Nghe bảo ăn cơm trộn gạo lứt, ăn rau quả có thể đẩy lùi ung thư, tôi quyết định thử ngay. Từ nước củ ráy, nước cỏ lúa mì đến nước ép hoa quả… có khoảng thời gian, tôi uống đến 9 loại nước một ngày.
Hai tháng đầu, mọi thứ vẫn ổn. Kết quả chụp chiếu cho thấy khối u không phát triển thêm. Tôi càng chắc nịch sự lựa chọn của mình là đúng.
Ba tháng sau, tôi lại đến bệnh viện kiểm tra. Lúc này, khối u đã tăng kích thước, bác sĩ khuyên tôi nên trở lại điều trị. Không chấp nhận sự thật, tôi lại đến gõ cửa cầu cứu một bác sĩ chuyên điều trị ung thư bằng biện pháp miễn dịch. Thế nhưng, vẫn nhận lại cùng một câu trả lời.
Theo vị bác sĩ, tôi đang mang trong người khối u ác tính và chỉ có hóa chất mới đủ để kiểm soát sự phát triển của nó. Lúc này, tôi mới vỡ lẽ, không phải là nước củ ráy hay củ mì, dòng hóa chất từ những đợt vào thuốc trước mới là thứ ngăn khối u không phát triển thêm.
Ba tháng tiếp theo, hóa chất cạn dần. Khối u to ra, chèn ép nội tạng khiến tôi chẳng thể thở nổi. Vị bác sĩ điều trị ở khoa Nhi, Bệnh viện K3 (Tân Triều), vẫn kiên trì gọi điện thoại nhiều lần cho mẹ để khuyên nhủ cho tôi tiếp tục điều trị.
Trong những cơn đau, tôi thấy mẹ lúc thì bận bịu trong bếp chuẩn bị món này, món kia mỗi khi nghe ai mách “tốt cho người mắc ung thư”, khi thì ngồi trước bàn thờ gia tiên, cầu khấn ơn trên cho tôi được sống.
Khởi đầu mới
Tôi trở về giường bệnh, tiếp tục vào hóa chất. Mọi thứ đều cũ kỹ, thế nhưng, tâm trí tôi đã khác.
Tôi không chọn cách trốn tránh, tháo chạy khỏi căn bệnh này mà trực tiếp đương đầu với nó. Lần chiến đấu này, tôi mạnh mẽ hơn vì sau lưng mình luôn có gia đình, những người yêu thương tôi hơn cả tính mạng.
Tôi quyết định chiến đấu đến cùng cho sức khỏe, để sống những ngày trọn vẹn nhất bên những người thân yêu.
Vẫn là những lần vật vã khi vào thuốc, là những cơn hoa mắt, chóng mặt do giảm bạch cầu, thế nhưng, tôi không oán trách bởi đã xem đây là một phần của cuộc sống.
Những ngày không ở viện, tôi tự “thưởng” cho bản thân bằng những chuyến đi đến những nơi mà trước đây không thể đến. Ở bên những người thân yêu, tôi chợt nhận ra những giây phút bình dị, đáng quý thế này đã bị tôi lãng quên trong suốt nhiều năm lao vào công việc.
Tháng 5/2024, tôi lên giường phẫu thuật để cắt đi phần thùy phổi bị hoại tử ở khối u. Mọi thứ diễn ra suôn sẻ, tôi được xuất viện với khối u đã giảm kích thước. Đó cũng là lúc tôi hay tin bệnh ung thư của mình cũng dần lui.
Hai lần mắc ung thư, tôi tưởng chừng như đã đánh mất mọi thứ: cơ hội, ước mơ, và cả chính mình. Thế nhưng, từ những tro tàn ấy, tôi nhận ra sự sống là món quà quý giá, nhận ra vẫn luôn có những người yêu thương tôi mà chẳng màng nhận lại điều gì.
Mong rằng, dù bị cuộc đời xô ngã, chúng ta vẫn có đủ dũng khí để đứng dậy, tiếp tục mỉm cười và bước về phía trước.
Kỳ Duyên (ghi)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn