Tôi thấy cậu tôi bật khóc, đắng cay và chua chát.
Cậu tôi ôm lấy bờ vai nhỏ nhắn của tôi, bật khóc nấc lên: "Con Huệ phải bỏ học thôi cháu ạ!".
Huệ là con gái lớn của cậu tôi với người vợ thứ hai. Hiện Huệ là sinh viên năm cuối của đại học Y. Tôi không dám nhìn vào mắt cậu. Bao nhiêu cay đắng, dâu bể của cuộc đời dường như đều đổ lên đầu người đàn ông khốn khổ là cậu ruột của tôi. Và, tôi biết mọi lời an ủi dành cho cậu lúc này dường như vô nghĩa. Bằng tình cảm ruột thịt, tôi chỉ mong cậu tôi lại có thể mạnh mẽ, vượt qua cú sốc này để sống tiếp những ngày tháng cuối đời một cách vui vẻ.
Cậu tôi rời quân ngũ khi đã ngoài ba mươi tuổi. Cậu lấy vợ muộn. Khi đứa con đầu lòng vừa mới biết bò thì mợ tôi mang trọng bệnh. Mợ tôi mất ở tuổi ba mươi, sau bốn năm hai vợ chồng ăn dầm nằm dề khắp các bệnh viện lớn ở Hà Nội, TP HCM. Để có tiền chữa bệnh cho mợ, cậu vay mượn anh em họ hàng nội ngoại, bất cứ thứ gì có thể bán được để lấy tiền chạy chữa, thuốc thang cho vợ, cậu đều bán hết.
Mợ mất rồi, cậu chẳng thiết tha gì làm ăn. Nhiều năm sau, số tiền nợ ngày xưa, cậu chưa thể trả hết. Trong ký ức của tôi vẫn ghi đậm hình ảnh cậu cao lênh khênh, gầy ốm, tay dắt chiếc xe đạp cũ với những bước chân nặng nhọc trên con đường cát sỏi để về nhà.
Không có bàn tay đàn bà thu vén, cỏ dại mọc vô đến tận bậc thềm nhà. Cậu nhất quyết không chịu lấy vợ nữa, mà cũng không người phụ nữ nào dám lấy cậu để mang thêm nợ vào thân. Mười năm sau, khi số nợ cậu vay mượn lúc trước được trả hết, tôi thấy cậu cười nhiều hơn. Hai gian nhà cũ được đảo lại lớp ngói mới; mảnh sân nhỏ được bàn tay cậu sửa sang; ngõ trước vườn sau, cỏ không còn um tùm. Ấy là lúc cậu tôi mơ ước có lại một mái ấm thật sự.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Bằng một mối duyên nào đó, cậu lấy người vợ thứ hai. Huệ là con chung của cậu mợ tôi. Cuộc đời cậu như lật sang trang mới khi trời ban cho đứa con gái cao ráo, xinh xắn, thông minh, học giỏi nhất nhì làng. Mỗi lần có dịp vui, cậu nói về con gái bằng một giọng rất tự hào:
- Hắn phải học Y, sau này làm bác sĩ. Nghèo khổ đến mấy, cậu cũng gắng nuôi được!
Huệ đậu đại học y thật. Ở một làng quê xa xôi, ít người được học hành như quê tôi mà có người đậu đại học Y là một sự kiện đáng mừng. Khắp làng trên xóm dưới không ai là không biết con bé vừa ngoan ngoãn vừa học giỏi. Người ta còn nói với nhau rằng âu cũng là phúc phần của cậu mợ tôi.
Rồi một hôm, mẹ tôi gọi điện báo tin rằng mấy ngày nay cậu không đi làm, không thá chi ăn uống nữa!
Ba mươi năm rồi tôi mới thấy cậu buồn, y như cái ngày nhận tin người vợ đầu bị trọng bệnh, vô phương cứu chữa.
Cậu tôi nằm trên giường, quay mặt vào góc tường tối, khóc nấc lên từng hồi dài.
- Hết rồi cháu ơi, không ai cứu được hắn nữa rồi!
Không biết bằng một ma lực nào đó, đứa con gái ngoan ngoãn, thông minh mà cậu yêu quý, kỳ vọng nhất cuộc đời lại sa chân vào con đường cờ bạc, vay nợ tín dụng đen trên mạng.
- Hắn báo nợ lần thứ nhất bốn trăm triệu đồng cháu ạ. Bốn trăm triệu, không phải bốn triệu!
Mỗi tháng kiếm đủ bốn triệu để gửi cho con chi phí học tập đã là cả một gánh nặng với cậu mợ. Suốt năm năm qua, gánh gồng nuôi con học đại học, trong nhà cậu không còn một thứ gì đáng giá để có thể bán được nữa. Cậu đếm từng ngày, con học sắp xong là có thể đi làm để bớt khổ, vậy mà…
"Hắn gọi điện vay mượn hết các cô, các chú, bạn bè trong họ hàng và trong xóm; người một hai triệu, người năm bảy triệu đồng cháu ạ. Ai cũng nghĩ rằng học đại học tốn kém, và vì không ai lạ gì hoàn cảnh của cậu mợ, người cùng làng với nhau cả nên không ai nỡ từ chối. Riêng số tiền hắn vay cả người quen là hơn một trăm triệu đồng. Cậu mợ nai lưng ra làm trả nợ, không thì không dám ngẩng mặt nhìn ai. Nhà cũng thế chấp ngân hàng từ mấy hôm trước rồi. Cả mảnh vườn ông bà để lại cũng bán. Lần thứ hai hắn báo nợ lên đến sáu trăm triệu đồng nữa, vị chi là một tỉ cháu ơi. Sáu trăm triệu đồng vay nặng lãi thì một tháng trả biết bao nhiêu!" - cậu nói trong nghẹn ngào.
Tôi đọc được nỗi khổ tâm trong mắt cậu tôi, không phải vì cậu tiếc số tiền một tỉ, không phải vì nỗi sợ mất nhà mất đất, mà vì nỗi thất vọng bởi bao nhiêu kỳ vọng của nửa cuộc đời còn lại cậu đã đặt cả vào đứa con gái duy nhất, vốn dĩ rất thông minh và ngoan hiền.
Và, ngoài đời kia, liệu có bao nhiêu người xuất thân nghèo khó, được học hành tử tế nhưng lâm đường cùng, ngõ cụt như em tôi?
Lần thứ hai, tôi thấy cậu tôi bật khóc, đắng cay và chua chát.
BẢO PHÚC
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn