Những mảnh đời cơ cực

Thứ sáu - 03/01/2025 09:15
 

Bà Nguyễn Thị Tám

Ở tuổi 71, lẽ ra phải được thảnh thơi, an dưỡng tuổi già bên con cháu, thì bà Nguyễn Thị Tám hàng ngày vẫn lặn lội đi bán từng tờ vé số để mưu sinh. Chồng mất, các con lần lượt có gia đình riêng, ít khi về thăm bà. Năm 2008, hôn nhân người con út đổ vỡ, bỏ lại con gái 3 tuổi cho bà nuôi dưỡng. Từ đó, 2 bà cháu sống nương tựa vào nhau, một mình bà bươn chải nuôi cháu ăn học.

Bà Tám chia sẻ: “Tôi sinh ra và lớn lên trong gia đình khó khăn. Không có đất đai hay vốn liếng để làm ăn, nên tôi chọn công việc bán vé số để mưu sinh và nuôi cháu khôn lớn. Bất kể trời mưa hay nắng, tôi vẫn cố gắng bán hết vài chục vé mỗi ngày, kiếm tiền mua chút gạo, chút rau sống lay lất qua ngày. Gần đây, trong người tôi không khỏe, đi khám mới biết mình bị tiểu đường, viêm phổi, sỏi thận, huyết áp... Trong cảnh túng quẫn và đau bệnh triền miên, cháu tôi phải bỏ dở việc học đi phụ giúp việc nhà, chạy bàn cho quán nước, kiếm tiền trang trải cuộc sống”.

Nhiều năm nay, bà Nguyễn Thị Tám mưu sinh bằng việc bán số dạo. Trung bình mỗi ngày bà đi bộ hàng chục cây số, vẫn bán chưa hết 100 tờ vé số. Hôm nào trời nắng, thì việc buôn bán tạm ổn, còn gặp mưa dầm không ai mua, bà phải cố gắng chi tiêu gói ghém, nhưng vẫn thiếu hụt. Hiện tại, bà đang bệnh nhưng không có tiền chữa trị. Rất mong các nhà hảo tâm gần xa giúp đỡ, để bà có điều kiện trị bệnh - Trưởng Ban Công tác Mặt trận khóm An Ninh Lê Thị Diễm thông tin.

Bà Nguyễn Thị Điệp

Tương tự, hoàn cảnh của bà Nguyễn Thị Điệp (61 tuổi) cũng rất cơ cực. Gia đình bà có 4 thành viên, đang sinh sống trong ngôi nhà xiêu vẹo, dột tứ bề, mỗi khi có mưa giông là nơm nớp lo sợ. Từ khi anh Nguyễn Hồng Dự (con trai bà Điệp) chẳng may bị tai nạn gãy xương đùi, mất khả năng lao động, thì mọi thứ trong gia đình đều do bà Điệp lo liệu. Từ cái ăn, cái mặc, đến tìm kế sinh nhai. Sau biến cố của con trai, con dâu cũng bỏ đi, để lại 2 đứa cháu cho bà nuôi dưỡng...

“Để trang trải cuộc sống, người nghèo như chúng tôi ai thuê gì cũng làm, từ thu hoạch nông sản, nhổ cỏ, phụ quán ăn, giúp việc nhà... Chưa kể, những ngày mưa bão, hết mùa vụ chúng tôi thường thất nghiệp và ngày làm được phải bù đắp chi tiêu cho những ngày không có việc làm. Nhìn con tật nguyền, nhìn cháu thơ dại tôi cũng không biết khi mình không còn làm nổi nữa thì cuộc sống của gia đình sẽ ra sao?” - bà Điệp trăn trở.

Nói về hoàn cảnh gia đình của bà Nguyễn Thị Điệp, Trưởng ban Công tác Mặt trận khóm An Ninh Lê Thị Diễm xác nhận: “Từ trước đến nay, gia đình bà Điệp chỉ sinh sống bằng việc làm thuê. Dù bị gù lưng, nhưng anh Dự vẫn đi giữ vịt thuê phụ giúp gia đình. Thời điểm anh bị tai nạn gãy xương đùi, do gia đình không có điều kiện chữa trị, dẫn đến 2 chân anh bị teo nhỏ, đi lại bất tiện. Đứa con lớn của anh đang học lớp 7, đứa nhỏ dù đã 9 tuổi nhưng chỉ ú ớ không thể nói chuyện. Từ đó, mọi gánh nặng đều đổ dồn lên đôi vai của bà Điệp. Kính mong cộng đồng xã hội giúp đỡ cho 2 hoàn cảnh trên, để họ tạm vượt qua những khó khăn trước mắt, vơi bớt một phần cơ cực trong cuộc sống”.

Mọi chia sẻ, giúp đỡ, bạn đọc có thể gửi về địa chỉ: Ban Công tác Xã hội - Từ thiện Báo An Giang (số 399B Hà Hoàng Hổ, phường Mỹ Xuyên, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang). Điện thoại: 0986.058.053. Tên tài khoản: Báo An Giang, số tài khoản: 6700201006825 tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Chi nhánh An Giang. Khi chuyển khoản, bạn đọc cần ghi rõ họ tên người được hỗ trợ.

NGUYỄN XÊ

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây