Hãy mạnh dạn nói lời từ chối khi bạn thấy mệt mỏi và không sẵn sàng giúp đỡ người khác. Ảnh: K.P.
Trong công việc, Ji-hyun được đánh giá Là một “nhân viên xuất sắc”, có tinh thần trách nhiệm cao và tốt bụng với đồng nghiệp. Cô còn là một “người bạn đáng tin cậy”, bất kể khi nào bạn bè gặp khó khăn cô đều sẵn sàng đến bên họ. Đối với cô, buông bỏ những kỳ vọng đó là một điều đáng sợ, giống như sự phản bội.
Vì vậy, khi đồng nghiệp nhờ cô làm bất kể việc gì, cô đều vui vẻ giúp đỡ họ, thậm chí có thể hoãn lại việc riêng của mình, khi bạn bè rủ đi tụ tập, cô cũng cố gắng hết sức dù tình hình sức khỏe không tốt hoặc tâm trạng không vui.
Dù có việc quan trọng cần giải quyết, cô vẫn giữ lời hứa bằng cách sẵn sàng hủy lịch trình hoặc chạy đôn chạy đáo hoàn thành công việc của mình để có thể kịp lịch đi gặp gỡ bạn bè. Nhưng khi những kỳ vọng đó luôn được đáp ứng, mọi người lại muốn nhiều hơn thế.
“Tại sao tôi luôn cho đi nhưng mọi người vẫn mong đợi nhiều hơn nữa kia chứ? Là do người ta ích kỉ hay sự hy sinh của tôi vẫn chưa đủ?”
Mặc dù Ji-hyun cũng rất mệt mỏi, nhưng cô ấy không bao giờ nói ra được những câu chối từ. Cô ấy không thể làm mọi người thất vọng. Kết quả khiến cho việc gặp gỡ mọi người chỉ giống như một trách nhiệm cần phải hoàn thành chứ chẳng phải niềm vui. Càng gặp nhau, những khó chịu càng tích tụ và các mối quan hệ trở nên mệt mỏi khi phải cố kìm nén những cơn tức giận bộc phát.
Khi tìm đến văn phòng tư vấn, Ji-hyun cũng đã rơi vào tình trạng sức cạn lực kiệt. Từ sáu tháng trước, cô vừa phải chuẩn bị cho kỳ thi thăng chức vừa phải hoàn thành tất cả các hạng mục công việc khác, cô đã không còn một chút sức lực nào nữa.
Vậy mà, những kẻ chỉ muốn nhận nhưng lại không muốn cho đi đã quá nhẫn tâm, cô biết rõ mình như một kẻ ngốc nhưng cũng không thể nói ra được một lời nào. Sau bài kiểm tra thất bại, những vấn đề mà cô ấy chịu đựng, dồn nén bấy Lâu không thể nào cứu vãn được nữa, và cuối cùng chúng đã bùng nổ. Ji-hyun tự nhốt mình trong phòng. Cô chạy trốn đến vùng an toàn, một nơi không phải từ chối hay bị từ chối bởi bất kỳ một ai.
Ji-hyun cần sự giúp đỡ nhưng cô ấy không thể đưa cánh tay của mình lên vì sợ bị từ chối. Đối với cô, bị từ chối cũng giống như bị chối bỏ chính sự tồn tại của mình, và nỗi sợ hãi cứ thế đã chiếm trọn suy nghĩ của cô, thậm chí nó lớn đến mức bản thân cô cảm thấy bị tổn thương trước khi nhờ đến sự giúp đỡ của ai đó.
“Tôi không thích cô. Cô không phải Là người quan trọng đến mức tôi phải để ý đến. Cô thật phiền toái. Cô là gánh nặng của mọi người.” Sự từ chối đối với cô, giống như một bản án tử hình cho một mối quan hệ. Vì vậy, Ji-hyun đã cố gắng hết sức để không từ chối cũng như không bị từ chối.
Ji-hyun trở thành người tốt đối với mọi người, nhưng không thể trở thành người tốt đối với chính bản thân mình. Cô là một người bạn đáng tin cậy và mơ ước của mọi người, nhưng điều đó lại càng khiến cô cảm thấy khó chịu, mỗi khi cần sự giúp đỡ thì lại chẳng có ai sẵn sàng để cô dựa vào.
“Dù vậy, nhưng tại sao tôi vẫn không ngừng bị dao động?”, Ji-hyun là người hỏi câu hỏi đó nhưng dường như chính cô cũng đã biết trước câu trả lời.
“Nếu tôi từ chối, hay nói lên ý kiến của mình hoặc bày tỏ cảm xúc không hài lòng… Liệu chuyện đó có gây khó chịu hoặc quá thô lỗ hay không?”
Ji-hyun biết rằng chứng trầm cảm và lo âu của cô là vấn đề trong các mối quan hệ, đặc biệt là thái độ bị giao động của chính cô. Tuy nhiên, trong những tình huống bị kích động khiến cảm xúc dâng cao, nó sẽ chi phối hành động của cô ấy. Mặc dù không muốn, nhưng trạng thái bị giao động cứ lại lặp đi lặp lại, dường như cô không có cách nào khác có thể điều chỉnh được.
Để nói lên được cảm xúc thật của bản thân mà không bị dao động, ta cũng cần phải có kỹ năng giao tiếp lành mạnh. Giao tiếp lành mạnh không những không gây ảnh hưởng đến người khác, mà còn giúp ta không bị người khác lay động. Chúng ta không chỉ có thể bày tỏ được những suy nghĩ, cảm xúc, ý kiến của bản thân, mà còn phải học cách lắng nghe những gì đối phương đang nói.
Giao tiếp lành mạnh tạo ra các mối quan hệ lành mạnh. Nhưng giao tiếp chưa bao giờ là chuyện quá dễ dàng. Có ba lý do chính sau đây. Lý do đầu tiên là do chúng ta không biết cần phải nói “cái gì”, “như thế nào” để diễn đạt cụ thể những điều mình muốn nói mà không bị dao động.
Trong trường hợp này, sự tự tin trong giao tiếp bị giảm đi đáng kể. Lý do thứ hai là mặc dù trong đầu chúng ta đã hình dung được mình cần nói “cái gì” và nói “như thế nào” nhưng do tâm lý lo lắng, sợ hãi, nó trở thành rào cản, trói buộc việc giao tiếp của ta. Nguyên nhân thứ ba là do quán tính của lý trí, nó “phản ứng tức thời” theo thói quen cũ, mặc dù những tư tưởng trói buộc bản thân đã được loại bỏ.
Angela Sen/ Light Books & NXB Phụ nữ Việt Nam
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn