Người phụ nữ cao quý nhất Cách mạng Pháp

Chủ nhật - 12/01/2025 13:15
 

Chân dung Phu nhân Roland. Ảnh: Gustave Jean Jacquet.

Nếu một người vợ có ảnh hưởng đến hoạt động chính trị của chồng, bà phải khôn ngoan giấu kín việc này với người xung quanh.

Đó là trường hợp của người vợ đáng chú ý, Phu nhân Roland (Marie-Jeanne Roland), được nhiều người ca tụng là "người phụ nữ cao quý nhất" của Cách mạng. Cùng với Marie Antoinette, bà đã tạo ra sức ảnh hưởng lớn tới Cách mạng Pháp thế kỷ XVIII.

Trong hai năm từ 1791 đến 1793, khi Cách mạng đang ở đỉnh cao, Marie-Jeanne "Manon" Roland là cánh tay phải của chồng trong các tuyên bố quan trọng của ông tại chính phủ. Bà luôn cần thận thể hiện mình là một người vợ bình thường không quyết đoán, chứ không phải quái điểu hay can thiệp như kẻ thù của chồng bà phỉ báng sau này.

Trong hồi ký viết từ phòng giam năm 1793, bà nhớ lại các cuộc thảo luận chính trị diễn ra giữa các đại biểu cánh tả cấp tiến thường xuyên gặp nhau trong căn hộ của nhà Roland:

Tôi biết vai trò nào phù hợp với giới tính của mình và tôi không bao giờ từ bỏ nó. Các cuộc họp diễn ra với sự có mặt của tôi, song tôi không tham gia vào. Ở bên ngoài bàn tròn, tôi làm việc chân tay hoặc viết thư trong khi họ bàn bạc. Nhưng dù tôi có gửi đi mười bức thư, điều này thỉnh thoảng vẫn xảy ra, tôi vẫn không bỏ lỡ một lời nào đã được nói ra trong các cuộc họp này, và đôi khi tôi phải cắn môi để không thốt ra một lời nào bày tỏ ý kiến của mình.

Ngay cả trong giai đoạn này của Cách mạng, khi chồng bà vẫn chưa nổi tiếng, bà cẩn thận che giấu sự quan tâm tha thiết đến chính trị và vai trò của bà trong việc góp phần thúc đẩy sự nghiệp của chồng. Một năm sau, khi chồng bà đang được cân nhắc cho vị trí bộ trưởng nội vụ, nghị sĩ Brissot quay sang bà như một người có ảnh hưởng trung gian. Theo lời của bà: "Brissot đến gặp tôi vào một buổi tối... hỏi xem liệu Roland có đồng ý đảm nhận trách nhiệm đó hay không; tôi trả lời rằng... nhiệt huyết và sự năng động của anh ấy sẽ không bị trách nhiệm này ngăn cản”.

Sophie Grandchamp, người bạn thân nhất của Phu nhân Roland trong những năm này, sau đó khẳng định rằng Manon Roland thậm chí còn háo hức nắm giữ quyền lực chính trị hơn chồng mình.

Sau khi chồng đảm nhận chức vụ mới, Phu nhân Roland đóng vai trò vợ của bộ trưởng với niềm thích thú. Bà tiếp khách hai lần một tuần, một lần tiếp đồng nghiệp của chồng, lần thứ hai là những người nổi tiếng khác trong thế giới kinh doanh và quản lý. Tuy nhiên, bà không thích sự phô trương xa xỉ bởi điều đó không phù hợp với lý tưởng cộng hòa.

Ở hậu trường, Phu nhân Roland là một đối tác mạnh mẽ hơn nhiều. Bà là người đứng đầu Văn phòng Ý kiến Công chúng do chồng điều hành và là tác giả nhiều ấn phẩm của cơ quan này. Bà mô tả công việc của mình là người phiên dịch thành văn cho các tư tưởng của Roland:

Nếu vấn đề liên quan đến thông tư, chỉ thị, tài liệu công quan trọng, chúng tôi sẽ trao đổi về vấn đề đó theo sự tin tưởng mà chúng tôi đã có với nhau. Và khi đã thấm nhuần ý tưởng của anh ấy, ấp ủ ý tưởng của riêng tôi, tôi cầm chiếc bút mà tôi có nhiều thời gian hơn anh ấy để ghi chép. Vì cả hai chúng tôi đều có cùng nguyên tắc và cùng quan điểm, cuối cùng chúng tôi đồng ý về hình thức, chồng tôi chẳng mất gì khi chuyển [dự án của anh ấy) qua tay tôi!

Marilyn Yalom & Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây