https://baomoi-tts-mcloud-bf-s1.bmcdn.me/q0jskRvD5_8/ace851cdf5111a4f4300/3c01eaf63476db288267/64/55eaf2d2b4cb5d9504da.m4a?authen=exp=1737865830~acl=/q0jskRvD5_8/*~hmac=666a605765d2dff384097b9467e78204
Câu chuyện về cô Kazuyo Watanabe, một phụ nữ Nhật Bản luôn hết lòng với bệnh nhi, đặc biệt là bệnh nhi tại Bệnh viện Trung ương Huế thật đáng trân trọng. Cô là Chủ tịch Liên đoàn Chăm sóc trẻ em châu Á (trụ sở tại Nhật Bản), người đã có nhiều năm gắn bó với Việt Nam để hỗ trợ các bệnh nhi ung thư đang điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế.
“Người mẹ Nhật” lặng lẽ gieo yêu thương đến bệnh nhi ung thư
Những ngày cận Tết, khi cô Watanabe đến khu điều trị bệnh nhi ung thư, các em nhỏ tíu tít chạy theo ôm chân, níu áo. Từ lâu các bệnh nhi, phụ huynh và y, bác sĩ tại trung tâm này trìu mến gọi cô là “mẹ Nhật”.
Khi đến Việt Nam du lịch lần đầu cách đây 20 năm, bén duyên với Huế, sau đó cô đã trở lại để giảng dạy tiếng Nhật tại Trường Ðại học Sư phạm Huế, rồi làm việc cho một dự án giúp đỡ trẻ em lang thang cơ nhỡ. Tình cờ biết được tỷ lệ bệnh nhi ung thư tại Bệnh viện Trung ương Huế bỏ điều trị rất cao, cô Watanabe đã quyết định dừng tất cả công việc và lập dự án riêng giúp đỡ bệnh nhi ung thư. Từ đó, đều đặn 3 tháng một lần, Watanabe rời Tokyo đến Huế. Công việc thường nhật của cô tại Huế là chăm sóc và chữa trị trẻ em ung thư trên cả nước về Huế điều trị. Cô Wantanabe lấy làm hạnh phúc khi nhiều cháu được điều trị khỏi bệnh ung thư, về nhà đi học bình thường rồi trưởng thành, vào học đại học, có cháu lập gia đình và sinh con.
“20 năm trước khi tôi tới đây thì tỷ lệ sống sót của bệnh nhân vẫn còn thấp và tỷ lệ bỏ điều trị ung thư vẫn còn cao, Sau 20 năm, tôi thấy có sự thay đổi, tỷ lệ điều trị thành công cao hơn nhiều và tỷ lệ bỏ điều trị thấp hơn. Nhiều em đã lành bệnh và sinh hoạt cuộc sống bình thường đi học, đi làm”- cô Wantanabe nói.
“Người mẹ Nhật” tận tình chăm sóc bệnh nhi
Mỗi lần trở về Huế, cô Watanabe như về lại mái ấm gia đình, nơi có nhiều đứa con yêu thương chờ đón. Chị Đặng Thị Hạnh, ở xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, phụ huynh của một bệnh nhi bày tỏ, một năm trước, khi bác sĩ thông báo con gái bị ung thư máu, gia đình chị sụp đổ và tính chuyện bỏ viện, đưa cháu về nhà. Nghe tin này, ngày nào cô Watanabe cũng đến động viên, khuyên bảo vợ chồng chị Hạnh hãy làm hết mình vì con, có gì khó khăn cô sẵn lòng giúp đỡ. Rồi cô Watanabe đến thăm và chăm sóc cháu mỗi ngày. Sự quan tâm chân tình trong từng việc nhỏ của cô khiến chị Hạnh cảm thấy mình có lỗi nếu không cố gắng hết sức mình vì con.
“Bà Watanabe đồng hành với các mẹ, các em ở đây. Bà đến đây, bà đối xử với bệnh nhân, tôi cứ nghĩ là hơn người ruột thịt của mình nữa, vì bà quan tâm quá nhiều. Bà chăm sóc các em, bà giải thích cho người nhà bệnh nhân, động viên người nhà bệnh nhân, giúp đỡ người nhà bệnh nhân. Người nhà bệnh nhân đôi khi khó khăn, nói sang bà, bà vẫn giúp. Bà rất chân tình. Mỗi lần bà về thì bà thấy người nhà bệnh nhân ôm bệnh nhân, bà tâm sự rất nhiều”- chị Hạnh nói.
Gieo hy vọng cho những mầm xanh
Cách đây 2 thập kỷ, tỷ lệ bệnh nhi ung thư bỏ điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế là 50%, nhưng với sự kết nối và những việc làm của Watanabe, hiện tỷ lệ này chỉ còn chưa tới 5%. Đó là một điều kỳ diệu! Còn đối với Watanabe, tình yêu và mong muốn đem đến nụ cười cho các bệnh nhi đã tiếp thêm sức mạnh cho cô trên hành trình thiện nguyện.
Sinh ra và lớn lên trên nước Nhật, một quốc gia có ngành y tế hiện đại, Watanabe nhận thấy trẻ em Việt Nam chịu nhiều thiệt thòi so với trẻ em Nhật. Nhiều em ở Việt Nam bị ung thư nhưng không được phát hiện sớm. Khi chẩn đoán bị ung thư là gia đình đưa bệnh nhân về luôn, rất ít trường hợp quay trở lại điều trị. Phần lớn bố, mẹ các em quá cơ cực và mang nặng tâm lý “ung thư là hết thuốc chữa”. Hơn nữa, gia đình các bệnh nhi ở xa nên chỉ đủ điều kiện đến chữa trị đôi lần, không thể kiên trì điều trị nhiều năm. Cô Watanabe chia sẻ: “Tôi rất hiểu và chia sẻ sự khó khăn của gia đình bệnh nhi nên tôi đã trở lại Nhật Bản bằng mọi cách xin tài trợ để hỗ trợ kinh phí tàu xe đi lại, tiền ăn cho các bệnh nhi để gia đình quyết tâm chữa trị. Bỏ viện là chúng ta đã gạt đi sự sống của những mầm xanh”.
Không gian giải trí cho bệnh nhi tại Bệnh viện Trung ương Huế
Bệnh nhi điều trị ung thư là gắn tuổi thơ trong bệnh viện. Thương yêu, muốn bù đắp những khoảng trống tinh thần cho các em, cô Watanabe có ý tưởng tổ chức các buổi dã ngoại, sinh nhật, nhiều hoạt động vui chơi trong các ngày lễ, Tết… dành cho bệnh nhi ngay tại bệnh viện. Watanabe còn sáng lập hội phụ huynh, vừa để tạo không khí thân quen như một đại gia đình, vừa để chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc và điều trị bệnh nhi. Cô thường xuyên đưa các bác sĩ hàng đầu của Nhật đến Huế thăm khám các bệnh nhi và đưa bác sĩ, điều dưỡng của Bệnh viện Trung ương Huế đi học tập, nâng cao chuyên môn ở các nước tiên tiến. Bác sĩ Châu Văn Hà, Trưởng Khoa nhi tổng hợp 2 thuộc Trung tâm Nhi khoa, người đồng hành với cô Watanabe ngưỡng mộ về tấm lòng yêu thương của “người mẹ Nhật”.
“Cảm xúc của cô, đồng cảm với bệnh nhân ung thư nên thương yêu bệnh nhân ung thư giống như một người mẹ thương con vậy, nên các cháu ở đây coi cô như một người mẹ Nhật ở Việt Nam vậy. Cho nên, tình cảm của cô giành cho các cháu luôn luôn thắm thiết, rất được sự kính trọng của các bố mẹ bệnh nhân ở đây”- bác sĩ Châu Văn Hà nói.
Bà Kazuyo Watanabe được thành phố Huế tôn vinh là công dân danh dự nhân dịp Quốc tế Phụ nữ 8/3/2024
Trong những ngày Tết, tại Bệnh viện Trung ương Huế, gần 1.000 bệnh nhân ở lại điều trị bệnh. Phần lớn là các bệnh nhân nặng đang cấp cứu hồi sức, ung thư giai đoạn cuối… Cuộc chiến giành giật sự sống diễn ra âm thầm nhưng quyết liệt. Nhìn những khoảnh khắc các em vui cười, cô Watanabe càng thêm yêu thương, hy vọng. Bác sĩ Hoàng Lan Hương, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cho rằng, cũng nhờ sự đóng góp rất tích cực của Watanabe, Bệnh viện Trung ương Huế đã triển khai thành công ghép tế bào gốc đồng loài cho 40 bệnh nhi và ghép tế bào gốc tự thân 4 ca thành công, mở ra hy vọng trong điều trị ung thư cho bệnh nhi.
“Cô Watanabe có rất nhiều các hoạt động, ví dụ như, nhà tình thương để cải thiện bữa ăn dinh dưỡng cho các bệnh nhi cũng như kết nối hỗ trợ cho phụ huỵnh. Bà cũng huy động nguồn tài trợ rất lớn để triển khai khu ghép tế bào gốc cho bệnh nhi ung thư; kết nối với các tổ chức từ thiện tổ chức rất nhiều khóa đào tạo cho bác sĩ trẻ ở bệnh viện Trung ương Huế đi tiếp thu kỹ thuật ghép tế bào gốc ở bệnh nhi và sau đó triển khai ở Trung tâm nhi Bệnh viện Trung ương Huế”- bác sĩ Hoàng Lan Hương nói.
Lê Hiếu/VOV-Miền Trung
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn