Ảnh minh họa. Nguồn: RDNE Stock project/Pexels.
Cha mẹ sinh con ra chỉ là cha mẹ về mặt sinh học, nhưng để thực sự trở thành người mà con trẻ ghi nhớ và yêu quý, hay trở thành những người cha, người mẹ đúng nghĩa, cha mẹ cần kiên trì và nỗ lực rất nhiều. Điều này đòi hỏi không chỉ trách nhiệm mà còn cả tình yêu thương, sự quan tâm và đồng hành trong suốt quá trình con trẻ trưởng thành.
Một số bậc cha mẹ không dành đủ thời gian bên con nên khó nhận biết được cảm xúc của trẻ trước khi trẻ có những hành động bốc đồng. Khi thấy con có cảm xúc thất thường, nhiều cha mẹ cảm thấy hoảng loạn và không biết cách giúp đỡ con, họ chỉ biết tìm đến sự hỗ trợ từ các chuyên gia tâm lý. Trên thực tế, người duy nhất có thể thực sự giúp đỡ trẻ chính là cha mẹ.
Nếu cha mẹ, những người luôn đồng hành cùng con trong quá trình trưởng thành, không thể giúp con vượt qua khó khăn, thì việc hy vọng vào người khác là điều không thực tế. Khi con gặp vấn đề, cha mẹ cần phải tự nhìn lại bản thân trước, xem mình đã làm tròn trách nhiệm, nghĩa vụ với con cái hay chưa. Nếu cha mẹ không chủ động, con cái sẽ phải đối mặt với những khó khăn mà không có sự hỗ trợ cần thiết.
Gia đình của Trương Ái có điều kiện khá tốt. Cô và chồng là bạn học đại học, sau khi tốt nghiệp không lâu, họ kết hôn và cùng nhau khởi nghiệp. Do bận rộn với công việc, Trương Ái không có nhiều thời gian để chăm sóc con cái. Sau khi sinh đứa con thứ hai, công việc của cô càng thêm áp lực, nên cô đã mời người chị từng ly hôn đến ở cùng để giúp cô chăm lo con cái và quán xuyến việc gia đình.
Ban đầu, không khí gia đình của Trương Ái rất hòa thuận, mỗi người đều làm tròn trách nhiệm của mình. Nhưng khi con gái lớn bước vào tuổi dậy thì, cô bé bắt đầu có những hành vi nổi loạn như hẹn hò với bạn nam cùng lớp, thường xuyên trốn học và qua đêm bên ngoài.
Điều này khiến Trương Ái hoảng loạn, bởi dù đã là mẹ của hai con, cô vẫn chưa có kinh nghiệm nuôi dạy con cái. Trước đây, con gái lớn được bà nội chăm sóc. Mặc dù Trương Ái đã khuyên bảo con rất nhiều nhưng tình hình không mấy cải thiện. Lúc này, chị gái cô khuyên: “Trong gia đình, chắc chắn phải có người ‘trấn áp’ được con bé.
Chị thấy nó chẳng sợ em gì cả. Hay em để bố nó ra mặt, đánh cho nó một trận, biết đâu nó sợ rồi sẽ ngoan ngoãn nghe lời hơn.” Trương Ái đã thực sự hết cách với cô con gái lớn, nên cô bảo chồng dạy dỗ con gái một trận. Dù chồng cô vốn là người hiền lành, nhưng chuyện con gái yêu sớm cũng khiến anh cực kỳ đau đầu và trở nên nóng nảy.
Hôm đó, khi thấy con gái ra ngoài cả đêm, đến tận sáng mới về, anh đã rất tức giận. Trương Ái đứng bên cạnh lại thêm dầu vào lửa, khiến anh không kìm được mà đánh con. Nhưng không ngờ, cô con gái lớn nhân cơ hội này bỏ nhà ra đi, cùng cậu bạn trai trốn đi nơi khác, không để lại bất kỳ tin tức gì. Mỗi ngày, Trương Ái sống trong lo lắng tột cùng, trong khi chồng cô thì trách móc rằng cô toàn nghĩ ra những cách chẳng đâu vào đâu và liên tục phàn nàn. Nhìn gia đình hạnh phúc của mình bỗng chốc tan vỡ, Trương Ái cảm thấy hối hận.
Để tìm sự an ủi tinh thần sau những căng thẳng gia đình, Trương Ái muốn gần gũi với cậu con trai. Nhưng cô nhận ra rằng thằng bé ngày càng xa lánh mình, thậm chí cố tình tránh né không đến gần mẹ. Một hôm, con trai cô không may bị ngã, Trương Ái đang ở nhà nên vội vã chạy đến xem con có sao không. Tuy nhiên, thằng bé vừa khóc vừa tìm đến người bác thay vì mẹ. Trương Ái đứng chết lặng, không hiểu mình đã làm gì sai để con trai lại xa cách với mình như vậy.
Trong tình huống của Trương Ái, cấu trúc gia đình rõ ràng không bình thường. Thay vì chỉ có cha mẹ và con cái, hoặc có thể thêm ông bà hỗ trợ chăm sóc, gia đình của cô lại có sự hiện diện của người bác. Điều này trở nên bất lợi khi người bác liên tục can thiệp và đưa ra ý kiến, làm ảnh hưởng đến sự phát triển và hướng đi của nhiều vấn đề trong gia đình.
Trương Ái, dù mạnh mẽ và quyết đoán trong công việc, lại trở nên yếu đuối và bất lực trong cuộc sống gia đình. Cô quá tin tưởng và phụ thuộc vào chị gái, dẫn đến việc mất đi tiếng nói riêng trong gia đình.
Có thể thấy, Trương Ái thực sự gặp khó khăn trong việc hàn gắn mối quan hệ với con gái. Cô ấy có thể tìm đến sự giúp đỡ của bà nội, người mà con gái có mối quan hệ gần gũi hơn, để khuyên cô bé quay về nhà.
Khi con gái trở về, Trương Ái không nên lập tức áp đặt quyền lực làm mẹ, vì trước đây cô không tham gia nhiều vào việc nuôi dạy con, nên việc cố gắng kiểm soát con ở thời điểm này sẽ chỉ dẫn đến sự phản kháng mạnh mẽ từ phía cô bé. Thay vào đó, cô cần xây dựng lại lòng tin và tình cảm với con gái, thông qua sự kiên nhẫn, thấu hiểu và tôn trọng.
Về trường hợp của cậu con trai thứ, Trương Ái cần phải nhận ra rằng việc con trai xa lánh mình là do cậu bé đã gắn bó với bác gái, người đã thay thế vai trò của Trương Ái trong việc chăm sóc và nuôi dạy cậu bé. Để khắc phục điều này, ưu tiên hàng đầu của Trương Ái là sắp xếp cho chị gái rời đi, nhằm khôi phục lại cơ cấu gia đình bình thường, nơi cô có thể tự đảm nhận vai trò làm mẹ. Khi người bác không còn hiện diện, con trai sẽ có cơ hội gần gũi và gắn bó với Trương Ái hơn, từ đó mối quan hệ mẹ con sẽ dần được cải thiện.
Rất nhiều bậc cha mẹ vì không ở bên con cái mà bỏ lỡ quá trình trưởng thành của trẻ; cũng có những cha mẹ sống cùng con nhưng lại thờ ơ, không quan tâm đến trẻ, dẫn đến việc họ cũng bỏ lỡ những khoảnh khắc quan trọng của con. Các ông bố, bà mẹ cần phải ngăn chặn sự xuất hiện của những người ngang bậc trong vai trò nuôi dạy con cái, bởi những người này có độ tuổi và trải nghiệm tương tự, dễ dàng chiếm lấy vị trí của cha mẹ trong lòng trẻ.
Cha mẹ có trách nhiệm chăm sóc và nuôi dưỡng con cái, chỉ khi họ dành nhiều tình cảm và nỗ lực hơn cho sự trưởng thành của trẻ, con cái mới thật sự muốn gần gũi và mở lòng với cha mẹ, ngay cả khi bước vào giai đoạn dậy thì.
Phàn Tổ An/ Skymomy & NXB Dân trí
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn