Cứ thế, Võ Đăng Khoa dẫn người đọc vào thế giới của riêng mình, bay bổng thanh thoát, bất kể trong không gian đó là một đời sống nghiệt ngã và ngổn ngang nỗi niềm.
Hồn nhiên mà thấu cảm
Võ Đăng Khoa viết những truyện ngắn này ở tuổi mười tám đôi mươi, cho nên không lạ khi toàn bộ tập truyện Lạc đà bay nhuốm đầy nét trẻ trung hồn nhiên. Trong đó có em bé ngây thơ thương cảm, không biết giống lạc đà sinh sản nhanh quá mức đang đe dọa sự cân bằng của môi trường em sống.
“Đứa bé hỏi cha của mình, trong những ngày mà ông được nghỉ, một kỳ nghỉ dài:
- Lạc đà thế nào rồi, cha?
Ông mân mê tay gỡ những vết chai, nói:
- Đừng hỏi về chúng…
Cha em có vẻ bực bội, nhưng khi trông thấy đôi mắt tròn đen láy của em, đôi mắt của sa mạc, ông lại dịu xuống và buộc phải trả lời cho đứa bé hiểu rõ:
- Không phải là tất cả, nhưng một phần nhiều trong số chúng đã có một chuyến bay, con yêu!
- Một chuyến bay?
- Phải, một chuyến bay… lên thiên đường” (trang 55).
Rất nhẹ nhõm, nghe như thi vị, nhưng là một đoạn kể, tả, đối thoại đầy sức nặng. “Một kỳ nghỉ dài” của người cha là sau một thời kỳ dài lái xe chở lũ lạc đà đi, đưa chúng lên trực thăng. Bàn tay có “những vết chai” vì lao động cật lực xử lý lũ lạc đà. Và “một chuyến bay” tưởng như câu chuyện huyền ảo, thực ra là đưa lũ lạc đà lên máy bay trực thăng, chở đi xa và xô chúng ra khỏi cửa máy bay từ trên cao.
Một cuộc tàn sát. Hệ quả tất nhiên của việc nhà quản lý và dân chúng vô tư thả cho chúng sinh sôi tự nhiên, dẫn đến nạn vật mãn. Loài người có nạn nhân mãn gây nghèo đói cho một số quốc gia, thì trong tự nhiên cũng có nạn vật mãn. Võ Đăng Khoa đã dựng lên một đất nước tưởng tượng, nơi đó người ta xử lý vấn nạn thừa lạc đà bằng những cuộc tàn sát.
Nhìn đời trong trẻo, nhưng không phải là cái trong trẻo của ấu trĩ ngây thơ mà là sự trong trẻo của người trưởng thành. Sự trưởng thành này ở một tác giả rất trẻ như Võ Đăng Khoa không hẳn là do trải nghiệm hay kinh nghiệm, mà hẳn là ở lòng trắc ẩn, ở sự nhạy cảm và thấu cảm – thấu hiểu và cảm nhận sâu đậm.
Cũng ở giữa không gian trong trẻo do mình tạo dựng này, Võ Đăng Khoa nhập thân vào đứa thiếu niên nhìn mối quan hệ giữa bà nội và mẹ mình, muôn đời là chuyện mẹ chồng nàng dâu mà ở đây là sự lép vế của người con dâu (Dưới mái ngói). Đó còn là tâm trạng của anh chàng đi chăn vịt thuê có cảm xúc không thể thổ lộ với một thiếu phụ thường xuyên bị chồng đánh đập. Rốt cuộc anh ta không thể can thiệp, không thể thay đổi được số phận thiếu phụ, mà chỉ giải thoát tâm trạng nặng nề của chính mình bằng cách “lấy toàn bộ số tiền trước giờ dành dụm cưới vợ để mua một nửa bầy vịt” (Theo bầy). Vậy là chàng trai phải chấp nhận số phận lỡ dở của mình để được trở thành một người làm chủ đàn vịt. Rồi biết đâu anh sẽ lại giống như người chồng chăn vịt của thiếu phụ kia, vòng đời của anh sẽ lặp lại vòng đời của anh ta, lại có một cô vợ để những khi say mèm trút giận bằng những cú đánh đấm.
Những người đàn bà là nạn nhân của chồng và rượu bia không dám phản kháng. Họ chỉ biết ngấm ngầm mong chờ một cách thụ động đến một tương lai lật ngược thế cờ: “Rượu bây giờ tiếp tay cho chồng họ, nhưng cỡ chục năm nữa, rượu sẽ tiếp tay cho họ khi sức họ đã có thể phản kháng thân thể nát bởi rượu của chồng mình” (trang 87).
Bìa tập truyện ngắn Lạc đà bay. Ảnh:NXB Trẻ
Vòng đời cũng sẽ lặp lại với cô gái tính cách mạnh mẽ sắc sảo tên là cô Bén. Đúng là sắc bén (Ngược dòng). Cô phản ứng và chống trả người cha thường khi say rượu lại dùng bạo lực với mẹ cô. Nhưng dù có như con dao bén thì cô vẫn thất bại và sụp đổ trước đấng bậc là người gia trưởng. Để hoàn tất sự thất bại một cách trọn vẹn, cô quyết định thật nhanh gọn: không ở lại đối đầu với cha nữa mà đi lấy chồng. Cảnh ngộ gia đình tương lai của cô được hé lộ trong một ẩn dụ: sau lễ cưới, chú rể hiền lành lần đầu tiên uống rượu đã “nằm gục trước hàng ba, chân chỉ còn một chiếc giày, bê bết đất cát, hát nhầy nhựa mấy câu không đầu không cuối”. Nhìn chú rể tân hôn “có chút hoài nghi, Bén thấy người nằm trên ván đó sao mà giống già Hai đến lạ” (trang 66). Tức là giống cha cô khi say rượu về và đánh đập mẹ cô.
Như vậy tác giả gợi mở rằng vòng đời của cô có thể lặp lại vòng đời của người mẹ. Cách phản ứng và chống trả người cha, dù đáo để đến mức nào thì vẫn là sự chống chọi của người còn non trẻ, còn ngây thơ. Đó là cái ngây thơ trên nền một hiện thực nghiệt ngã luân hồi chưa tìm ra lối thoát.
Cũng quẩn quanh như vậy là chuyện một ông giáo “những tháng cuối cùng trước lúc về hưu, ông dạy đám học trò với một sự xấu hổ, không phải vì thằng con mà vì chính bản thân ông. Khi không dạy được con mình làm sao có thể dạy được những đứa con của người khác” (trang 74, 75). Ông già về hưu mù lòa chỉ còn thú vui là chiều chiều đi câu cá. Người mù nghe được cả “tiếng cái phao vừa lún xuống rất khẽ. Rồi lại nằm im như từ đầu vẫn vậy. Con cá này ranh! Nhưng ông biết, càng nhấm nháp thì càng không thể dứt ra được. Lần nhấm nháp đầu tiên đã báo hiệu cho những lần sau đó. Khi cơn thèm được kích thích thêm chút mùi vị, nó sẽ không dừng lại được” (trang 72). Đứa con trai của ông giữa đời cũng như con cá kia, sau lần nhấm nháp đầu tiên sẽ thèm khát mà mắc câu. Cá mắc câu, người sa bẫy. Cá và người đều vì đói mà liều thân. Ông giáo già thả câu luôn giật về được những con cá đó, nhưng con cá lớn nhất đời ông thì bị đời buông câu, giật ra xa khỏi người cha, vào vòng lao lý.
Dù sao mặc lòng, cái người quan sát hiện thực dữ dội và nghiệt ngã này vẫn giữ được góc nhìn trong sáng của người trẻ. Trẻ từ cách miêu tả cuộc đi câu của ông già. Trẻ từ chỗ khơi sâu tâm lý báo thù của thiếu nữ trước người cha tàn bạo. Trẻ trong cách tô đậm cho nhân vật một tâm lý giải tỏa bằng cách rướn mình làm ông chủ đàn vịt, để cho bằng người. Đứa trẻ kia thì không nhìn thấy cuộc tàn sát mà chỉ thấy lạc đà bay thật ngoạn mục. “Gió rít, táp vào da thịt. Lạc đà phi giữa không trung, đạp chân lên những tầng gió. Và những cú lượn vòng, nằm ngửa bụng lên trời, nếu ở trên mặt đất thì lạc đà sao làm được thế! Gió ở trên này không cuộn theo chút cát, lạc đà táp vào gió. Những chùm lông vàng bay, gợn sóng. Ai nói lạc đà không thể bay? Hãy nhìn lên bầu trời, những cái chấm đen đen trên nền xanh thẳm, lạc đà đang bay!” (trang 54).
Bất kể thế nào thì tuổi trẻ cũng khiến cho tác giả nhìn mọi ngang trái ở đời bằng lăng kính trong suốt. Cũng có thể không hẳn như vậy, người trẻ này dù đầy trắc ẩn và thông hiểu, nhưng không muốn sa đà trong cái hiện thực ngổn ngang kia mà vẫn tìm lối vượt thoát, để bay lên cao hơn nó.
Đa dạng hóa phương pháp thể hiện và xây dựng chi tiết gây ấn tượng
Dù là những truyện ngắn đầu tay, Võ Đăng Khoa đã có ý thức đa dạng hóa phương pháp thể hiện. Miêu tả hiện thực chân xác và nghiệt ngã đến cùng như đã đề cập ở trên. Từ đó tác giả mở rộng sang phương pháp hiện thực kỳ ảo (magical realism) vốn đã tồn tại trong cổ tích thần thoại. Tưởng tượng ra vụ lạc đà bay thật huyền ảo, tác giả cho cái hiện thực kỳ ảo trượt dần về phía hiện thực thuần túy bằng cách tiết lộ việc có những chuyến xe thu gom lạc đà, đưa lên máy bay trực thăng rồi xô chúng xuống. Dù trong truyện Lạc đà bay, tác giả khẳng định: “Đất chắc giống đực, không biết sinh”, thì sang truyện Đất nở, đất ở đây lại nở ra, giãn ra, diện tích ngày càng tăng lên, cuốn trôi hòn cù lao quê hương của mỗi người ra xa khỏi chốn cũ. Đến mức người đàn ông trên đường đưa vợ con ra sân bay để đi du lịch nước ngoài cảm nhận thấy “xe vẫn chạy trên đường, mãi chưa đến sân bay. Hay đất đang nở?” (trang 40). Anh ta còn hoài niệm như một sự ân hận, không về ăn tết với ba má ở quê mà lại đổi hướng đi du lịch vào ngày tết, có phải tại vì đất nở mà đường về quê hương ngày càng trở nên xa ngái?
Sự tưởng tượng đất nở ra của Võ Đăng Khoa tạo sảng khoái và gây cảm hứng cho nhiều người đọc. Trí tưởng tượng phóng khoáng của người viết làm cho cảm nhận của người đọc cũng được giãn ra, nới rộng. Nó càng thú vị giữa cái thời tấc đất tấc vàng, hở ra chỗ nào là người ta vội vàng tận dụng xây chung cư và trung tâm thương mại, bao nhiêu đất đai vườn ruộng đều chịu giải tỏa trưng thu.
Ở truyện Cái gương, tác giả chỉ mượn cái gương làm hình ảnh trung tâm để soi vào đấy những cảnh đời trong một gia đình. Lại người cha rượu chè say sưa đấm tay vào chiếc gương để trút giận. Người vợ nhẫn nhịn. Đứa con trai muốn mẹ phản kháng. Còn bà nội đã lẫn, nhìn mình trong gương mà nói chuyện như nói với một bà bạn nào đó. Chiếc gương là nhân chứng, là ảo ảnh, nhưng cũng là phản ảnh một hiện thực thứ hai, vừa hiện thực vừa siêu thực.
Trong khi tạo dựng cốt truyện, Võ Đăng Khoa chủ ý tìm tòi cho được một tâm điểm, để tập trung xoáy sâu vào đó, như một điểm nhấn, một hình ảnh được tô đậm - ở câu chuyện kể trên là cái gương. Ở truyện Theo bầy, tác giả gây ám ảnh bằng chi tiết người nông dân tô màu cho đàn vịt để phân biệt với đàn vịt thứ hai, tránh cho hai bên nhập đàn, gây rối loạn cho hai người chủ. Văn xuôi sống bằng chi tiết. Những chi tiết ấn tượng như vậy có thể đeo bám trong tâm trí người đọc dài lâu.
Vẫn kể về những cơn say, nhưng ở góc thực tại khác là một cô gái rót bia cho khách ở quán hát (Rời Bình Đa). Say và tin theo một mối tình quán hát để rồi vỡ mộng. Sau những đêm say, cô gái tìm đến chùa, để trò chuyện giãi bày với nhà sư quen thuộc. Ngôi chùa là “chứng nhân” cho cô, cũng là nơi tác giả chọn làm điểm nhấn.
“- Giá như con còn có thể ngồi lại đây lâu thêm một chút. Tối nay con lại trở về là chính con.
Sư thầy nói:
- Con vẫn đang là chính con. Và chùa Hoàn thì luôn ở chỗ này”.
Chùa không khác, hình hài ta không khác, chỉ vì ta tin vào việc kiên trì thiện lương và khả năng giác ngộ của mọi chúng sinh. Thực ra mỗi giờ khắc mọi sự đều khác, vạn vật là vô thường.
Khi cô gái vỡ mộng với người tình quán hát, bỏ xứ ra đi, thì chàng trai (người thứ ba trong câu chuyện) cũng chọn ngôi chùa để đến chào từ biệt, rồi mới lên đường theo một hướng khác.
Nỗi truân chuyên của cô gái được nhìn qua mắt anh chàng này, người chung sống với cô, sống dựa vào thu nhập của cô. Và chuyện của họ được nhìn qua mắt tác giả. Như vậy, thị giác lồng trong thị giác, truyện lồng trong truyện. Điều đó không làm rối cho cốt truyện mà tạo hiệu ứng khác lạ, gây hứng thú hơn cho người đọc.
Văn của Võ Đăng Khoa cho thấy một cây bút khá chững chạc từ những bước đi đầu. Ngôn ngữ đẫm chất Nam bộ truyền thống, hồn hậu tự nhiên, được người viết chú tâm mài giũa, đồng thời ngôn ngữ của Khoa cũng đậm màu sắc đương đại mỗi khi trôi theo dòng ý thức không tuyến tính và không cốt truyện. Tất nhiên duy trì một không khí đặc trưng vùng miền rất cần thiết, nhưng vẫn cần tiết giảm phương ngữ, trong một tỷ lệ hợp lý, để có thể tiếp cận độc giả ở mọi vùng miền. Người viết trẻ như Khoa càng cần thử sức sang nhiều phương pháp văn chương khác, giọng điệu khác, để làm mới mình và đóng góp cho tiến trình phát triển của một nền văn chương. Cũng cần thêm vốn sống và sự trải nghiệm, thấu hiểu quy luật cuộc đời, làm tăng độ sâu sắc tinh tế cho trang viết. Nói điều này có thể là không cần thiết với một tác giả đang sung sức và đã xác định dấn thân cho nghiệp văn, nhưng có lẽ vẫn cần nhắc lại.
Trong sự mẫn cảm thấu cảm, Võ Đăng Khoa vẫn không để hao hụt sự hồn nhiên trong trẻo. Người đọc thiện cảm thì mong rằng sự trẻ trung trong sáng ấy sẽ còn dài mãi trên đường văn của một người văn.
Hồ Anh Thái
_______________
Lạc đà bay, tập truyện ngắn của Võ Đăng Khoa, NXB Trẻ.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn