Khi vợ chồng cùng làm bác sĩ

Chủ nhật - 23/02/2025 12:15
 

(Báo Quảng Ngãi)- Không chỉ thấu hiểu, sẻ chia trong công việc, những cặp vợ chồng cùng làm ngành y, khi rời bệnh viện trở về nhà, họ luôn là những người mẹ, người cha mẫu mực, cùng nhau vun vén cho hạnh phúc gia đình.

THẤU HIỂU VÀ CẢM THÔNG

Vừa là vợ chồng, vừa là đồng nghiệp tại Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh, bác sĩ (BS) chuyên khoa I Trần Thị Bích Khuê và BS chuyên khoa I Trần Minh Anh Vũ luôn thấu hiểu và cảm thông cho công việc của nhau. Nếu BS Vũ trực đêm, có việc đột xuất ở bệnh viện, thì BS Khuê gánh vác việc nhà, chăm sóc con cái và ngược lại.

Vợ chồng bác sĩ Trần Thị Bích Khuê và Trần Minh Anh Vũ luôn đồng hành, chia sẻ việc chăm con.

Bác sĩ Khuê bảo rằng, nhiều người thấy nghề y vất vả, nên cũng hay nói vui sao tôi lại lấy chồng cùng ngành. Tuy nhiên, vì có chung tính chất công việc, nên chúng tôi tìm thấy được sự đồng điệu, thấu cảm cho những khó khăn của nghề, nên quyết định gắn kết bên nhau, nên duyên vợ chồng.

Nhớ lại khoảng thời gian đầu mới kết hôn, BS Khuê cảm thấy rất xúc động. Thời điểm ấy, BS Khuê phải xa gia đình nhỏ của mình để tham gia học nâng cao chuyên môn 2 năm tại TP.Hồ Chí Minh. Dẫu vậy, BS Vũ luôn động viên, làm chỗ dựa tinh thần vững chắc, để BS Khuê yên tâm học tập. Hoàn thành lớp đào tạo, BS Khuê tiếp tục trở về bệnh viện công tác và xây dựng tổ ấm gia đình. Khi gặp những mệt mỏi, áp lực trong công việc, BS Khuê nhanh chóng vượt qua, bởi nhờ có chồng cũng là đồng nghiệp luôn thấu hiểu, sẻ chia. Những câu chuyện vui, khoảnh khắc hạnh phúc của nghề đều được vợ chồng BS Khuê kể cho nhau nghe. Hơn nữa, trong công việc hằng ngày, họ còn trao đổi, học hỏi chuyên môn để bổ khuyết, hỗ trợ cho nhau.

“Tôi cảm thấy rất hạnh phúc khi vợ chồng tôi làm cùng ngành y. Chúng tôi không chỉ là hậu phương vững chắc cho nhau, mà còn cùng nhau chia sẻ, cảm thông và tiếp thêm sức mạnh để nuôi dưỡng tình yêu với nghề. Đặc thù làm việc theo ca, dễ bị lệch khung giờ giữa hai vợ chồng, nhưng chúng tôi có quy ước là, dù công việc lệch ca nhưng không được lệch pha. Nghĩa là phải luôn sắp xếp cuộc sống gia đình một cách khéo léo, khoa học, để vợ chồng và các con có nhiều thời gian ở bên nhau nhất có thể”, BS Khuê chia sẻ.

Vợ chồng bác sĩ Mai Thị Anh và Huỳnh Thanh Vũ luôn duy trì việc vào bếp cùng nhau để giữ gìn hạnh phúc gia đình.

Công tác y tế ở miền núi đối mặt với không ít khó khăn, vất vả, nên vợ chồng BS Mai Thị Anh - Trưởng trạm Y tế xã Ba Vì (Ba Tơ) và BS chuyên khoa I Huỳnh Thanh Vũ - Trưởng trạm Y tế xã Ba Xa (Ba Tơ) luôn động viên nhau nỗ lực làm tốt nhiệm vụ chuyên môn và xây dựng tổ ấm hạnh phúc. Hiểu tính chất công việc của đối phương, nên vợ chồng BS Anh, Vũ trở thành hậu phương vững chắc, luôn cảm thông, chia sẻ, tạo điều kiện thuận lợi cho "nửa kia" của mình hoàn thành tốt nhiệm vụ cao cả của người thầy thuốc.

Bác sĩ Anh cho biết, do đặc thù công việc, đòi hỏi những người công tác trong ngành y tế phải liên tục học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Bởi vậy, có những giai đoạn, hai vợ chồng chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Lần lượt hai vợ chồng đều phải thay nhau tạm gác lại cuộc sống riêng tư, xa con nhỏ, để học tập nâng cao tay nghề. “Đôi lúc tôi cũng cảm thấy chạnh lòng, tủi thân. Không ít lần cả gia đình đang quây quần ăn cơm, tôi hoặc chồng phải vội rời đi vì có cuộc gọi đột xuất ở đơn vị cần BS tới hỗ trợ bệnh nhân. Những lúc như vậy, vợ chồng tôi đều thấu hiểu, động viên nhau cố gắng. Thế mới thấy có vợ, có chồng làm cùng ngành, tuy gặp nhiều vất vả nhưng cũng dễ dàng cảm thông, thấu hiểu cho nhau”, BS Anh bộc bạch.

VUN VÉN CHO HẠNH PHÚC GIA ĐÌNH

Suốt 23 năm kết hôn, vợ chồng BS Anh, Vũ vẫn luôn dành cho nhau sự trân trọng, luôn quan tâm và vun đắp hạnh phúc gia đình. Bác sĩ Vũ cũng không ngần ngại đi chợ, vào bếp để nấu ăn, sẻ chia việc nhà với vợ. Mỗi khi có thời gian rảnh, BS Vũ lại đưa vợ và các con đi vui chơi ngắm cảnh. Bác sĩ Vũ chia sẻ, hôn nhân hạnh phúc là khi cả vợ và chồng luôn cố gắng vượt qua khó khăn, dành cho nhau những điều tốt đẹp nhất. Do đó, tôi luôn tranh thủ những ngày không trực, để vào bếp nấu ăn và ăn cơm cùng vợ con. Những điều giản đơn này lại là chất xúc tác gắn kết hạnh phúc gia đình tôi.

Vợ chồng bác sĩ Trần Lê Đại Phước và Lê Thanh Ngân luôn chia sẻ kinh nghiệm cho nhau để nâng cao trình độ chuyên môn.

Khi nhắc về gia đình nhỏ của mình, khuôn mặt vợ chồng BS Lê Thanh Ngân và BS Trần Lê Đại Phước, cùng công tác tại Bệnh viện Đa khoa tư nhân Phúc Hưng, đều ánh lên niềm hạnh phúc. Bác sĩ Ngân bày tỏ, tôi cảm thấy rất vui khi có chồng đồng hành trong công việc lẫn cuộc sống. Chỉ cần quan sát cử chỉ của nhau, vợ chồng tôi đã thấu hiểu được tâm trạng của đối phương. Mỗi ngày, vợ chồng tôi đều dành thời gian để quan tâm và động viên, trở thành điểm tựa vững chắc cho người bạn đời của mình.

Với BS Ngân, lấy chồng cùng ngành có nhiều lợi thế, vì cả hai có thể trao đổi kiến thức y khoa, hỗ trợ nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ cũng như có thể thấu hiểu để “giữ lửa” hôn nhân. “Là cặp vợ chồng trẻ mới kết hôn, chúng tôi cũng không tránh khỏi những bất đồng, giận hờn. Lúc ấy, vợ chồng tôi luôn ngồi lại để lắng nghe, tìm cách giải quyết vấn đề, để từ đó, chúng tôi càng thêm hiểu và yêu thương nhau”, BS Ngân vui vẻ nói.

Sau hơn 1 năm kết hôn, vợ chồng BS Ngân, Phước hạnh phúc đón bé gái đầu lòng. Đồng hành cùng vợ trong quá trình chăm con mọn, BS Phước thấu hiểu và thương vợ nhiều hơn. Bởi vậy, BS Phước chẳng nề hà bất cứ việc gì, từ quét dọn nhà cửa, nấu ăn, đến chăm sóc con. Bác sĩ Phước tâm sự, phụ nữ vốn chịu nhiều thiệt thòi, vất vả và dễ suy giảm sức khỏe, nhất là trong giai đoạn mẹ bỉm sữa, khi vừa phải đi làm vừa chăm con nhỏ. Vì vậy, tôi luôn cố gắng hỗ trợ vợ những việc có thể. Chính sự dung hòa, cảm thông cho nhau là động lực để vợ chồng tôi cùng tiến bước trên con đường sự nghiệp và xây dựng gia đình hạnh phúc.

Bài, ảnh: MỸ DUYÊN

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây