Đừng 'oai' trên 'vai' người khác!

Chủ nhật - 19/01/2025 08:15
 

- Cô có chuyện gì vậy ạ?

- Cháu ơi, thằng con trai mất nết nhà cô nó đòi tiền mua xe tay ga cả trăm triệu. Cô bảo không có đủ tiền, mua tạm xe số thôi, vậy là nó gọi cho bạn đến đón và bỏ đi rồi!

Tôi cố động viên cô bình tĩnh, gọi điện cho mấy bạn thân của con trai xem thế nào. Cô gật đầu, tay run run lôi điện thoại ra bấm gọi cho bạn của con. Dù đã cố không khóc mà nước mắt vẫn cứ trào ra.

Ảnh minh họa: Báo Bình Phước

Câu chuyện của mẹ con cô hàng xóm nhà tôi không phải hiếm gặp. Trên báo, thấy có trường hợp nghịch tử còn sát hại mẹ đẻ chỉ vì xin tiền để mua điện thoại đời mới mà mẹ không cho!? Cũng có chuyện, sau khi không xin được tiền, nhiều cô, cậu thích “sành điệu” đã tự đi ra cửa hàng gần nhà, mua đồ kiểu trả góp rồi mang hóa đơn về “ép” bố mẹ thanh toán nốt...

Có thể thấy, trong các trường trung học, cao đẳng, đại học, việc các nam, nữ học sinh, sinh viên sử dụng điện thoại, xe tay ga xịn có giá trị hàng chục đến hàng trăm triệu đồng không còn hiếm gặp! Trong khi, ở lứa tuổi này, hầu hết bạn trẻ đều chưa làm ra tiền, chưa tự chủ được cuộc sống, mọi sinh hoạt phần lớn phải nhờ đến sự chu cấp của bố mẹ. Vậy tiền ở đâu ra để mua những điện thoại sành điệu, những chiếc xe đắt tiền ấy? Trừ những trường hợp gia đình khá giả, có điều kiện nuông chiều, rất nhiều trong số đó là các bạn học sinh, sinh viên dù gia đình hoàn cảnh không thật sự khá nhưng vẫn cố đua đòi, nỉ non, thuyết phục, tìm mọi cách “moi” tiền bố mẹ để phục vụ sở thích, nhu cầu “sang chảnh” không cần thiết của mình.

Không chỉ trong trường học, ở những nhà máy, xí nghiệp, nhiều bạn trẻ làm công nhân với mức thu nhập chỉ khoảng chục triệu một tháng nhưng lại sẵn sàng đua đòi dùng những chiếc điện thoại, xe máy cả vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng. Một tháng lương không đủ thì ứng tháng sau. Ứng chưa đủ thì vay rồi trả dần! Miễn là phải dùng đồ xịn cho bằng bạn bằng bè!

Việc các bạn trẻ ăn mặc đẹp, dùng đồ sang là điều đáng mừng, phần nào thể hiện sự phát triển, đi lên của đời sống xã hội. Song, nếu các bạn tự chủ về kinh tế, tự mình làm ra của cải để mua sắm đồ dùng cho bản thân thì đã đi một lẽ. Đằng này, khi chưa làm ra tiền, còn phải ăn bám, phụ thuộc, hoặc đi làm mà thu nhập chỉ đủ tiêu xài cá nhân hằng ngày, chưa có tích lũy, vậy mà vẫn cố xài sang cho bằng bạn bằng bè thì quả thực không hay chút nào!

Xét cho cùng, những đồ vật trên người không phản ánh được đầy đủ giá trị của chủ nhân, mà điều quan trọng nhất là năng lực, phẩm chất, phong cách sống. Hãy biết chi tiêu, thu vén hợp lý, khiêm nhường, không nên đua đòi, sành điệu, thích “oai” trên “vai” người khác!

KHÁNH TÚ

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây