“Con đường chính trực” (The way of integrity) của nhà xã hội học Martha Beck, là quyển sách sẽ giúp cho người đọc hành trình tìm lại bình an, hạnh phúc thật sự khi đối mặt với những đau khổ, bất an.
Con đường trở về với chính mình
Một trong những thông điệp Martha Beck đưa ra là “Cuộc sống chỉ trở nên hoàn thiện và hạnh phúc khi chúng ta sống trung thực với chính mình – không giả tạo, không cố gắng làm hài lòng người khác”. Đó là con đường trở về với chính mình. Theo đó, tác giả không nói về tính chính trực ở khía cạnh đạo đức. Mà dựa theo nguồn gốc từ chính trực trong tiếng Anh, tác giả đề cập nó với ý nghĩa là “nguyên vẹn” hay “toàn vẹn”, là sự thống nhất bên trong con người.
Nhà xã hội học Martha Beck
Theo Martha Beck, nhiều người đã đi qua hết cuộc đời mà chưa bao giờ trải nghiệm được niềm vui mà tính chính trực hay sự toàn vẹn mang lại. Một vài người trong số họ mất đi phần lớn sự thống nhất bên trong khiến cuộc đời họ trở thành một chuỗi bất tận những thất bại và ước mơ tan vỡ.
Martha Beck cho rằng, ở sâu bên trong, con người biết điều gì khiến mình hạnh phúc và làm thế nào để tạo nên một cuộc sống tối ưu cho chính mình. Nhưng bản tính con người luôn xung đột với những qui chuẩn xã hội - mà tác giả gọi là “văn hóa” - định hình cách con người suy nghĩ và hành động.
Trong sự hối hả để thuận theo xã hội này, chúng ta thường phớt lờ hoặc gạt bỏ cảm giác chân thật của chính mình để làm hài lòng môi trường văn hóa. Tới lúc này, chúng ta đã bị chia tách để không còn là chính mình, không còn ở trong sự toàn vẹn, nhất thể của mình. Theo tác giả, mức độ mà con người sẵn sàng bất chấp bản tính để tuân phục văn hóa có thể thật sự rất kinh khủng. Nhưng mọi thứ lại vận hành rất tốt khi nhìn từ quan điểm kiến tạo và duy trì các cộng đồng.
Chỉ có điều, bản tính sẽ không chịu khuất phục mà không đấu tranh. Khi bản tính chân thật muốn khôi phục trạng thái toàn vẹn của chúng ta, nó liền đưa ra một công cụ khiến chúng ta phải chú ý: sự đau khổ. Và tính chính trực hay toàn vẹn chính là phương thức chữa lành sự đau khổ. Tác giả chỉ ra có một con đường sẽ đưa bạn thoát khỏi sự đau khổ và đi vào những cấp độ của niềm vui và lẽ sống, đó là con đường chính trực.
Từ khu rừng tăm tối, qua địa ngục, luyện ngục, đến thiên đường
Với lối viết đơn giản nhưng sâu sắc: Martha Beck biết cách chuyển tải những khái niệm phức tạp về tâm lý học thành ngôn ngữ dễ hiểu, dễ thực thi, khiến cuốn sách trở nên gần gũi, phù hợp với mọi đối tượng.
Lấy ý tưởng từ tác phẩm kinh điển Thần Khúc của Dante Alighieri, “Con đường chính trực” giới thiệu một hành trình qua bốn giai đoạn để bạn tìm thấy sự chính trực hay toàn vẹn của bản thân, tìm thấy hạnh phúc thật sự trong cuộc sống của mình.
Bắt đầu từ “Khu rừng tối lầm lạc”, nơi chúng ta cảm thấy lạc lối, kiệt quệ, rối bời và hoang mang - là hình ảnh ẩn dụ của Dante - để mô tả tình trạng mất đi sự thống nhất bên trong ở hầu hết chúng ta. Tác giả chỉ ra sáu “triệu chứng” khi chúng ta rơi vào hội chứng “khu rừng tối lầm lạc”. Đó là: Cảm giác không có mục đích sống, Tình trạng khốn khổ về mặt cảm xúc, Tình trạng suy nhược về thể chất, Thất bại liên tiếp trong các mối quan hệ, Thất bại liên tiếp trong sự nghiệp, Thói quen xấu không thể bỏ.
Giai đoạn tiếp theo là “Địa ngục”. Khi đi qua địa ngục, chúng ta sẽ tìm thấy những phần nội tâm đang đau khổ - những phần bị mắc kẹt trong địa ngục bên trong - và giải phóng chúng.
Một khi đời sống nội tâm của chúng ta bắt đầu được chữa lành, nó sẽ tiến tới một dạng thức mà Dante gọi là “Luyện ngục”, có nghĩa là “thanh tẩy”. Trong giai đoạn này của công cuộc tìm kiếm, ta sẽ chuyển đổi hành vi bên ngoài của mình sao cho phù hợp với sự thật bên trong mà mình mới tìm thấy.
Cuối cùng, khi đời sống bên trong và bên ngoài đạt tới trạng thái toàn vẹn hay chính trực hoàn toàn, chúng ta sẽ thấy mình ở trong “thiên đường”. Ở đây, theo tác giả, bạn không có việc gì phải làm nữa trừ việc tận hưởng một cuộc sống mà mọi thứ - tâm lý, sự nghiệp, tình yêu của bạn - đều diễn ra êm thắm.
Qua phân tích bốn giai đoạn, Martha Beck cũng chia sẻ với người đọc cách tìm thấy con đường chính trực, hay nói cách khác là tìm lại con đường trở về với chính mình. Con đường thật sự giúp con người chuyển hóa.
Theo Martha Beck, con đường dẫn tới tình yêu chân thật - bất cứ cái gì chân thật - là con đường chính trực. Không ai có thể tìm thấy con đường của bạn thay cho bạn. Nhưng dù ở trong hoàn cảnh nào, bạn luôn có thể tự tìm thấy và đi trên con đường chính trực.
Martha Beck cho rằng, khi bạn thực hành những kỹ năng cần thiết để sống với sự chính trực - nhận ra tình trạng đau khổ, quan sát và phát hiện niềm tin sai lầm, giải phóng bản thân khỏi ảo tưởng và đi theo hướng đến gần sự thật hơn - điều này sẽ tạo nên sự thay đổi bền vững, bạn càng lúc càng được giải phóng, để đến một ngày bạn không là gì khác mà chính là vị thầy bên trong của bạn, tức bản thể chân thật nhất của bạn. Khi đó, bạn không chỉ chuyển hóa chính mình, làm mình hoàn thiện và hạnh phúc, mà còn góp phần thay đổi thế giới chung quanh.
First News -Trí Việt/VOV.VN
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn