https://baomoi-tts-mcloud-bf-s1.bmcdn.me/-yFfOguT96M/901803a3ad7f42211b6e/a6332e233aa7d5f98cb6/64/072590641679ff27a668.m4a?authen=exp=1732504517~acl=/-yFfOguT96M/*~hmac=889d67906f29d24e0b612c72031f9ca3
Bên bếp lửa, ánh mắt bà Nhiên đượm buồn. Bà bần thần nhìn lửa nhảy múa, thăng hoa mà lòng trĩu nỗi mong ngóng. Tóc bà đã bạc, khuôn mặt khắc khổ nhưng mắt vẫn ánh lên niềm vui khi nghĩ về con cháu.
Cái kiềng ba chân cũ lắm rồi, ám muội than tro đen bóng. Từng thanh củi khô cháy đì đọp, thi thoảng bùng lên đợt hoa lửa rồi hòa vào làn khói bay lơ lửng, cuộn quanh mái bếp thấp. Bà kho cá đồng, nắp niêu đất kênh hé ra cho nước cạn hẳn, để lộ từng khoanh cá thịt chắc nịch, sẫm màu quyện với nước mắm, gia vị, lá găng, lá gấc dẻo quẹo, béo bùi nồng nã lắm. Cạnh đó là chảo tép rang khế chua đã săn lại, đỏ rực lẫn trong mỡ hành, lác đác lá chanh thái chỉ.
Khi Nhâm ngồi cùng bố mẹ bên mâm cơm tối, bà Nhiên nhìn con, hỏi nhẹ nhàng: “Chuyện làm ăn vẫn ổn chứ?”. Nhâm khẽ cười: “Cũng tàm tạm mẹ ạ! Nhưng cạnh tranh dữ lắm, khéo léo mới được”. Nói rồi anh đảo mắt qua bố, ông vẫn im lặng, nét mặt có gì đó trầm tư hơn ngày thường. Ông vừa là ông giáo làng, vừa là nông dân chính trực, không khi nào dạy con đường ngang lối tắt.
Ông ngừng đũa, chậm rãi từng lời: “Khéo léo là sao? Chẳng nhẽ cứ phải hơn thua bằng mọi cách à?”. Nhâm tránh cái nhìn quắc thước, đáp lời: “Ôi bố ơi, thời bây giờ ai chẳng phải vậy. Không cố dấn lên, người ta cũng sẽ đạp mình xuống thôi”. Sau câu nói của con trai, bố anh đặt hẳn đũa xuống, nhíu mày: “Đó không phải cách sống lành mạnh. Càng không phải cách sống của người nhà ta”. Lời ông làm Nhâm chững lại, lảng hẳn đi. Bao năm qua, anh quá quen với sự tính toán, với nhịp sống hối hả nơi đô thị và ít khi tự vấn. Bản thân anh cũng tự hào về sự uyển chuyển cần thiết của mình. Thế mà ánh mắt bố lộ rõ sự thất vọng.
Đêm đã khuya, Nhâm nằm trong căn phòng nhỏ, nghe rõ tiếng nước sông ì ào lẫn vào gió ngoài cửa sổ. Anh nhắm mắt lại, tưởng tượng từng đợt sóng vỗ vào lòng một cảm giác gì rất khác, rất mông lung, xao động. Hình ảnh bố mẹ lại chập chờn. Cả đời ông bà chịu nhiều cơ cực mà chưa một lần đòi hỏi, trách than. Lòng anh trào lên nỗi ăn năn. Anh từng oán thán quê nghèo. Vì nghèo mà bản thân phải bứt ra, nhào vào đời sống tìm cơ hội.
*
Người ở quê ra thành phố luôn ghé nhà Nhâm. Ai nấy đều tay xách nách mang rau củ, cá thịt sạch, rượu nhà tự nấu… Ban đầu, Nhâm còn vui vẻ tiếp đón, nhưng càng về sau, cảm giác khó chịu tăng dần. Không ít lần anh buột miệng: “Bác ơi! Trên này cái gì chẳng có…”. Ai nghe cũng lặng đi. Biết chuyện, bà Nhiên gọi điện, giọng rất buồn: “Đều người trong làng ngoài xóm, biết con ở trên ấy, mọi người ghé thăm. Họ có nhờ vả cũng là nhẽ thường. Người ta cũng tự trọng lắm, con à!”.
Nhâm nghe, lòng hơi bứt rứt, nhưng cảm giác phiền hà vẫn lớn hơn. Vừa hôm nọ, ông Chắn bạn cũ của bố, mang nửa bao tải khoai lang lẫn giỏ trứng gà lên biếu. Ông ngồi đợi Nhâm ở quán trà gần công ty, mãi giờ tan tầm mới gặp. Vừa run run chìa tay ra bắt, ông vừa rụt rè vân vi: “Nhâm ơi, chú biết việc này hơi phiền, nhưng em nó trượt đại học hai năm rồi, nghe bảo công ty cháu nhiều việc, cháu giúp chú, giúp em được không?”
Nhâm cười gượng gạo: “Cháu biết, nhưng việc này cũng không dễ đâu chú. Để thư thả cháu xem thế nào…”. Người đàn ông luống tuổi càng bối rối, đôi bàn tay lấm lem xoay xoay cốc trà, cúi mặt: “Chú biết là khó… Nhưng nhà túng quá, em chỉ muốn có công việc thôi, làm gì cũng được”. Đến nước này, Nhâm không chịu được nữa, anh tuôn ra: “Gì cũng được thì chú bảo em ở quê đi làm thợ, phụ hồ, cửu vạn gì chả được. Không thì vào các công ty điện tử, may mặc… đâu đâu cũng tuyển người mà”.
Đến tối, về nhà, Nhâm nhìn thấy nửa bao khoai và giỏ trứng trong bếp, không biết ông Chắn đưa đến bằng cách nào. Anh chợt nhớ ánh mắt ngập dần bóng tối của ông. Có lẽ, ông cũng như bao người ở quê ra, mỗi khi nhờ cậy, cũng phải đấu tranh tư tưởng và bẽ bàng không ít. Họ chỉ là bám víu một chút hy vọng vào người con đã vươn lên thành đạt nơi phố thị. Nhâm lặng lẽ tìm số điện thoại, gọi lại. “Cháu sẽ cố thử tìm xem có cách nào không, chú nhé!”. Giọng ông Chắn đầu dây bên kia bừng lên: “Chú cảm ơn cháu! Mà thím trồng nhiều rau lắm, đang phần từng luống chờ vợ cháu về quê. Thím bảo vợ cháu thích nhất món thìa là luộc”. Mắt Nhâm hơi ướt, lòng trỗi dậy niềm ấm áp. Ông Chắn là bạn bố, nhưng cách xưng hô như thể tình ruột thịt.
Lần nọ, lại anh Tứ có họ hàng xa, lỉnh kỉnh nào chuối, ngô, cả một con gà trống trong lồng. Nhâm không thoải mái. Chưa kịp ngồi, anh Tứ đã kể lể: “Anh vướng mắc chỗ cái giấy tờ đất ấy mà. Nghe bảo bạn học của chú giờ toàn làm địa chính, nhờ cháu nói giúp đôi câu, chứ nhà anh cũng không biết đường nào mà xoay xở”. Nhâm thở dài, lòng chộn rộn một nỗi bực bội: “Việc đấy em nói từ dạo về quê, giấy tờ đất đai thì phải chuẩn chỉ, đâu dễ xin nhau như cái bánh, cái kẹo được”. “Thì nhẽ thế anh mới cất công lên đây…”, giọng người anh họ nhỏ dần, nhòe dần. Anh ta cúi đầu, tay vân vê vành mũ cối, không nói gì thêm.
Quê mình, đời sống khác rồi, sao vẫn cứ mãi thế này? Anh nghĩ thầm, rồi lại thở dài. Nhâm cảm giác mình luôn bị níu vào một trách nhiệm mà có muốn rũ bỏ cũng khó. Lòng anh dâng lên nỗi buồn vô định. Từ ngày rời quê lên phố, anh đã tự lập, bươn chải biết bao nhiêu. Cũng chẳng dựa dẫm vào ai được.
*
Cuối thu đầu đông, tiết trời se sắt. Sau buổi đi chợ quê với mẹ chồng về, Thùy thấy đầu óc nặng nề, người lúc gai gai, lúc ngây ngấy sốt. Bà Nhiên lo lắng nhìn con dâu, xuýt xoa: “Chắc con bị cảm rồi, để mẹ hái lá đánh cảm cho nhanh khỏi nhé!”. Bà Nhiên vừa ra ngõ, đã vang tiếng xôn xao chuyện trò, hỏi han. Lát sau, mấy bà hàng xóm bước vào, trên tay là những nắm lá cúc tần hái bên bờ giậu.
“Nào nào, bà Nhiên đi vùi nồi cháo đi, để tôi làm cho, cảm lạnh chỉ cần đánh lá cúc tần là đỡ ngay”. Thùy nằm xuống, ánh mắt trìu mến của mọi người làm cô thoải mái, dễ chịu. Ai đó đang nhẹ nhàng vê nắm lá cúc tần đã sao thơm, dần dà lấy dầu nóng thoa lên lưng Thùy, vừa đánh cảm vừa xoa bóp nhẹ nhàng. “Mợ chịu khó nhé, nhà quê có gì dùng nấy, nhưng hiệu nghiệm lắm đấy!”
Thùy chẳng biết ai đang nói, họ hàng thế nào mà gọi cô là mợ. Mợ là mợ - cháu, hay mợ ý là đằng em út. Hương ngai ngái của cúc tần thoảng khắp gian phòng nhỏ. Giọng ai đó khúc khích, vừa đánh cảm vừa kể chuyện: “Ngày xưa, mỗi khi nhà có ai đau ốm là cả xóm xúm vào. Giờ quê mình vẫn vậy thôi. Mà nói thật, có ai đánh cảm hay bằng bà Túc không?”
Người được nhắc tên cười xòa: “Ôi dào! Tôi cũng chỉ biết mẹo vặt ấy mà. Ngày trước mẹ chồng dạy, to tát gì đâu!”.
Thùy dần lịm vào giấc ngủ. Giấc mơ vẫn loáng thoáng chuyện quê, chuyện mùa màng lại đến chuyện con cháu học hành. Cô con nhà khá giả, bố là thầy dạy đại học của Nhâm. Mẹ Thùy có công ty riêng, luôn muốn con gái tiếp quản, nhưng Thùy chọn con đường công chức, đúng ngành học. Mẹ trách Thùy an phận. Thùy lại thấy đó là lựa chọn phù hợp với mình. Tiếng ai khe khẽ len vào giấc mộng của nàng dâu phố: “Cứ về làng là người nhà cả thôi”.
*
Đúng ngày giỗ tổ, khi mọi người còn đang rộn ràng sắp cỗ dâng cúng, Nhâm nhận một cuộc gọi đột xuất. Anh nhíu mày, cố cân nhắc mọi việc nhưng rồi đành quyết định ra xe, lên thành phố xử lý công việc. Vợ chồng bà Nhiên nghe tin con trai quyết đi, lòng ngỡ ngàng, nặng trĩu. Bà lặng người ở góc bể nước, đôi tay chai sần nắm chặt vạt áo. Mẹ càng im lặng, Nhâm càng áy náy. Anh ra xe rồi vẫn quay lại, xoa dịu mẹ bằng giọng an ủi: “Con lên cố giải quyết nhanh thôi rồi về, còn đón mấy mẹ con Thùy nữa mà”. Dù cố kìm lòng, nhưng khi chiếc xe hơi bóng loáng hút dần sau lũy tre, bố mẹ Nhâm vẫn ngóng mãi về phía ấy. Thùy cảm giác rõ nỗi buồn trong mắt bố mẹ chồng, cô cũng chạnh lòng, vỡ vụn.
Thùy đưa các con dạo chơi bên bờ sông. Dưới ánh chiều, sông quê hiền hòa tựa dải lụa mềm mại, lững lờ vắt ngang bãi bờ tĩnh lặng. Thùy nhìn các con chạy chơi xa dần, tiếng cười hòa trong gió. Khung cảnh thanh bình khác xa với phố thị ồn ào, tấp nập. Mỗi lần về quê chồng, Thùy luôn cảm thấy lòng mình lắng xuống. Nhưng Nhâm thường bị cuốn đi. Càng lúc, họ càng như hai dòng chảy trái chiều, ngày càng xa cách. Mà nhẽ ra, người thấy xa lạ phải là Thùy. Không ít lần, Nhâm nhắc: “Em không cần về quê nhiều quá! Người ta nhờ vả phiền ra”.
Xuân chưa đến mà bãi bồi bên sông như đã nhuốm sắc xuân. Lớp cỏ non xanh rì phủ khắp mặt đất, mềm mại, mướt mát dưới nắng thu. Từng cánh hoa dại nhỏ li ti xen lẫn sắc trắng, sắc tím hồng lấm tấm, đưa hương theo gió mát lành từ sông thổi lên. Sông mùa cạn khoe trọn lớp phù sa nâu nhạt mịn màng, chứng tích bao mùa nước dâng, bồi đắp thêm thênh thang bờ bãi.
Hai đứa trẻ mải miết đuổi theo đàn bướm vàng, bướm trắng chấp chới tạo thành những vệt màu rực rỡ phía chân đê, lúc rập rờn trong không trung, lúc tụ thành chùm rực rỡ, khi thì tản mát như cơn mưa hoa phủ đầy mặt đất. Xa xa, trẻ chăn trâu nhặt củi khô, đốt từng đống lửa dọc bờ sông, khói quyện cả mùi lá khô, cỏ cháy...
*
“Mẹ ơi! Quê mình đẹp quá!”, tiếng đứa con út rối rít reo lên. “Sao mẹ nói sông là bạn của ta hở mẹ?”, đứa lớn lại hỏi. Thùy mỉm cười: “Vì sông chẳng bao giờ cạn lòng”. Thùy quỳ xuống bên cạnh, nhìn vào mắt con: “Sông nuôi dưỡng đất đai này, cho cây cỏ lớn lên, cho cá tôm bơi lội. Không có sông, mọi thứ sẽ cạn khô. Chúng ta cần sông, cần quê hương để được trọn vẹn”.
Đứa con nhỏ tinh nghịch chạm vào cánh bướm mong manh vừa đậu trên tay mình, cười hỏi mẹ: “Mẹ ơi! Thế bướm có phải bạn của sông không?”. Thùy nhìn đứa con, gật đầu: “Đúng rồi. Mỗi con bướm, mỗi bông hoa, mỗi cụm cỏ dại đều là bạn của sông và là bạn của nhau”. Con trai lớn của Thùy bỗng trầm ngâm: “Vậy mẹ ơi, thế bố có nghĩ như chúng ta không? Mà sao chẳng thấy bố ra sông chơi thế? Ông bà bảo sông là cả tuổi thơ của bố cơ mà…”. Thùy nhẹ vuốt tóc con, rưng rưng.
Ba mẹ con im lặng, ngắm sông quê êm đềm. Các con không nói thêm gì, nhưng Thùy biết, hạt mầm yêu thương đã nảy mầm, lên xanh trong tâm trí non nớt ấy. Cô đứng lên, nắm tay các con, cảm nhận bàn tay nhỏ bé của chúng siết chặt và lòng cô cũng dâng lên niềm hạnh phúc.
Truyện ngắn của LỮ MAI
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn