Mỹ - châu Âu đồng loạt cấp phép sử dụng tên lửa ATACMS và Storm Shadow cho Kyiv

Thứ hai - 18/11/2024 09:20
 

Tờ New York Times dẫn lời các quan chức đưa tin, Mỹ đã cho phép Ukraine sử dụng tên lửa đạn đạo ATACMS để tấn công Quân đội Nga đóng tại khu vực Kursk.

Cần lưu ý rằng bước đi này đã trở thành một phần trong chiến lược mới nhằm hỗ trợ Ukraine đối đầu với Nga.

Mục đích của cuộc tấn công đầu tiên bằng tên lửa ATACMS dự kiến là nhằm bảo vệ các đơn vị Ukraine khỏi mối đe dọa từ lực lượng Nga.

Bất chấp sự chấp thuận cho phép sử dụng ATACMS bên ngoài Ukraine, các quan chức Mỹ nhấn mạnh rằng tên lửa này không nhằm mục đích thay đổi hoàn toàn cục diện chiến đấu.

Nhà Trắng từ chối bình luận về việc ủy quyền phóng tên lửa ATACMS vào sâu lãnh thổ Nga, nhưng điều đáng quan tâm hơn nữa là khả năng mở rộng việc sử dụng ATACMS trong tương lai.

Việc cho phép tấn công bằng tên lửa ATACMS có thể sẽ làm gia tăng căng thẳng trong quan hệ quốc tế nhưng cũng sẽ gửi tín hiệu tới các đồng minh và đối thủ của Mỹ rằng Washington cam kết hỗ trợ Ukraine về lâu dài.

Điện Kremlin chưa bình luận về thông tin này, nhưng trước đó đại diện Nga đã cảnh báo về hậu quả nghiêm trọng trong trường hợp xung đột leo thang bằng việc sử dụng vũ khí tầm xa của Mỹ và phương Tây.

Không chỉ có Mỹ cung cấp quyền sử dụng ATACMS, Pháp và Anh cũng đã cấp phép cho Ukraine sử dụng tên lửa Storm Shadow để tấn công các mục tiêu trong đất Nga.

Điều này đã được báo Le Figaro đưa tin, trích dẫn các nguồn tin trong chính phủ. Quyết định này khẳng định sự ủng hộ Kyiv từ các đồng minh châu Âu trong bối cảnh xung đột đang diễn ra.

Storm Shadow hay còn được gọi bằng cái tên Scalp-EG là vũ khí tầm xa có độ chính xác cao, với khả năng bắn trúng mục tiêu cách xa tới 250 km.

Trước đây những tên lửa này được Ukraine sử dụng để tấn công mục tiêu ở các khu vực thuộc Ukraine do Nga kiểm soát, nhưng chưa có sự cho phép chính thức nào để tấn công địa điểm nằm trong biên giới lịch sử của Nga.

Theo tờ Le Figaro, Paris và London tin rằng việc sử dụng loại vũ khí như vậy là hợp lý từ quan điểm quân sự. Theo các nguồn tin, mục tiêu chính là những cơ sở chiến lược và hạ tầng hỗ trợ hoạt động quân sự của Nga.

Đồng thời, các đồng minh của Kyiv nhấn mạnh rằng việc sử dụng tên lửa Storm Shadow phải được giới hạn nghiêm ngặt vào những mục tiêu quân sự và tránh xa đối tượng dân sự.

Quyết định của các quốc gia phương Tây đã gây ra phản ứng trái chiều trong cộng đồng quốc tế. Nga đã nhiều lần cảnh báo về hậu quả của việc cung cấp vũ khí tầm xa cho Ukraine.

Moskva tin rằng những hành động như vậy của các nước phương Tây có thể dẫn đến leo thang xung đột và gây ra mối đe dọa trực tiếp cho an ninh quốc tế.

Trước đó, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố rằng những cuộc tấn công sử dụng vũ khí phương Tây trên lãnh thổ Nga sẽ được coi là các nước NATO tham gia xung đột và có biện pháp đáp trả.

Bạch Dương

Theo New York Times/Le Figaro

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây