Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10 chiều 9/11, trả lời câu hỏi về việc quản lý của cơ quan với các sàn thương mại điện tử Temu, Shein, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long cho biết, với các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới, Bộ đã làm việc với cơ quan pháp lý của các sàn trên.
Trong đó, các sàn được yêu cầu khẩn trương đăng ký hoạt động với Bộ Công Thương theo quy định pháp luật Việt Nam trong tháng 11. Trong thời gian triển khai đăng ký, sàn phải thông báo với người tiêu dùng là đang thực hiện thủ tục đăng ký.
Cùng với đó, Temu, Shein phải dừng tất cả hoạt động thương mại, quảng cáo vi phạm pháp luật Việt Nam để bảo vệ người tiêu dùng.
Bộ Công Thương cũng yêu cầu các sàn này khẩn trương nghiên cứu các quy định pháp luật khác có liên quan đến thương mại điện tử như hải quan, thuế. "Các sàn Shein và Temu đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương và trong tháng 11, 2 sàn này sẽ đăng ký hoạt động tại Việt Nam", ông Long nói.
Lãnh đạo Bộ Công Thương khẳng định, nếu các sàn này không tuân thủ quy định của pháp luật, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng để thực hiện các biện pháp kỹ thuật như ngăn chặn ứng dụng, chặn tên miền.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp thanh tra, kiểm tra, cảnh báo người tiêu dùng nguy cơ rủi ro với các sàn thương mại điện tử chưa được cấp phép", ông Long nói.
Từ đầu tháng 10, Temu thuộc PDD Holdings (Trung Quốc) chưa đăng ký nhưng vẫn hoạt động kinh doanh ở Việt Nam. Song, Công ty Elementary Innovation Pte. Ltd (Singapore) - chủ sở hữu của Temu - đã đăng ký thuế qua cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài và được cấp mã số thuế. Sàn này dự kiến phát sinh doanh thu nộp thuế từ tháng 10. Trong đó kê khai doanh thu bằng 0. Họ cũng giải trình doanh thu phát sinh từ tháng 10 sẽ kê khai toàn bộ tại tờ khai quý IV.
Temu là sàn thương mại điện tử đang gây tò mò cho phần lớn người Việt. Ứng dụng đổ bộ Việt Nam với những chiêu trò như "mua hàng giá cực rẻ", "mua hàng giá 0 đồng", "khuyến mãi người dùng mới" 1,5 triệu đồng. Trước khi sang Việt Nam, Temu làm mưa làm gió ở nhiều thị trường.
Theo The Times, người dân dường như có cơ hội mua hàng giá rẻ trên Temu, tuy nhiên sàn thương mại điện tử bị cho là cung cấp dịch vụ không đáng tin cậy, sử dụng dữ liệu người dùng. Các nhà lập pháp Mỹ cảnh báo ứng dụng có nguy cơ cao sử dụng sản phẩm được sản xuất bằng lao động cưỡng bức.
Các cuộc điều tra của Mạng lưới hợp tác bảo vệ người tiêu dùng - do Bỉ, Đức và Ireland dẫn đầu - cho thấy Temu có nhiều sai phạm.
Báo cáo cho thấy Temu có hành vi lừa đảo người tiêu dùng thông qua việc cung cấp hoạt động giảm giá không đúng sự thật. Phần lớn các bài đánh giá sản phẩm đều bị thổi phồng. Sàn thương mại điện tử giới thiệu công dụng sản phẩm sai lệch, phóng đại tính khả dụng của các mặt hàng và dùng chiêu bài "ưu đãi có hạn" để đánh vào tâm lý khách hàng.
Ngoài ra, nhà chức trách cho rằng Temu không thông báo rõ quyền lợi trả hàng của người tiêu dùng hoặc các chi tiết liên hệ rõ ràng cho việc khiếu nại. Cơ quan bảo vệ người tiêu dùng quốc gia châu Âu chỉ trích việc Temu sử dụng trò chơi "quay bánh xe may mắn" vì không cung cấp được thông tin rõ ràng về điều kiện quay thưởng và phần thưởng.
Minh Thành
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn