Một số mẫu xe được trang bị hộp số vô cấp CVT đã từng xảy ra một số vấn đề khiến không ít người cảm thấy lo ngại về loại hộp số này. Ngày nay, với sự tiến bộ của công nghệ, hộp số vô cấp CVT đã trở nên bền bỉ hơn.
Thế nhưng, người dùng vẫn e dè khi lựa chọn những chiếc xe được trang bị hộp số CVT bởi họ chưa biết loại hộp số này có tuổi thọ bao lâu? Chúng có dễ hỏng không? Hãy cùng VietNamNet tìm hiểu vấn đề này trong bài viết dưới đây.
Hộp số vô cấp CVT có cấu tạo và hoạt động khá đơn giản. Ảnh: Adobe Stock
Về mặt kỹ thuật, hộp số vô cấp CVT hoạt động dựa trên hai puly hình nón (chủ động và bị động) nối với nhau bằng dây đai thép để truyền lực từ động cơ tới các bánh xe, hoàn toàn không có bánh răng. Đó là lý do tại sao người dùng không cảm thấy quá trình chuyển từ số này sang số khác giống như xe sử dụng hộp số tự động truyền thống.
Tại Việt Nam, số lượng xe sử dụng hộp số CVT cũng ngày càng nhiều nhờ ưu điểm về độ mượt mà và tiết kiệm nhiên liệu. Hầu hết các thương hiệu xe Nhật như Toyota, Mitsubishi, Honda, Subaru, Nissan và gần đây có thêm Hyundai-KIA đã sử dụng loại hộp số này trên một số mẫu xe của họ.
Tuy nhiên, điểm yếu nhất của hộp số CVT chính là cấu trúc cơ học chưa hoàn hảo vì đây vẫn là công nghệ tương đối mới. Trong đó, tuổi thọ của dây đai là vấn đề lớn mà các nhà sản xuất ô tô đang tiếp tục cải thiện. Bởi nếu dây đai này bị hỏng vì lý do nào đó, hộp số CVT sẽ ngừng hoạt động.
Chưa hết, khi dây dai bị hỏng, các lá thép của dây đai sẽ văng ra khắp nơi. Còn hộp số tự động truyền thống khi bị hỏng sẽ không nghiêm trọng như vậy. Cũng vì điều này mà không phải gara ô tô nào cũng có thể sửa được loại hộp số vô cấp.
Hiện nay, một số nhà sản xuất như Subaru, Hyundai-KIA đã chuyển sang sử dụng đai dạng xích thay cho đai dạng các lớp thép để không chỉ tăng độ bền mà còn giải quyết nhược điểm về giới hạn mô-men xoắn và bị trượt dây đai.
Hộp số CVT của Subaru chuyển sang sử dụng dây đai bằng xích để giải quyết một số nhược điểm của hộp số này. Ảnh Subaru
Trên thực tế, các chuyên gia sửa chữa ô tô có kinh nghiệm cho biết cấu tạo và nguyên lý hoạt động của hộp số vô cấp CVT khá đơn giản nên rất ít khi gặp vấn đề về kỹ thuật trong quá trình sử dụng. Bên cạnh đó, nếu có bảo dưỡng và sửa chữa, công việc xử lý cũng rất dễ dàng.
Trong trường hợp người dùng thường xuyên chăm sóc, bảo dưỡng xe cẩn thận, tuổi thọ của hộp số CVT có thể kéo dài từ 5-6 năm. Để hộp số CVT của xe hoạt động hiệu quả và bền bỉ, người dùng cần chú ý thay dầu hộp số định kỳ, theo khuyên cáo từ 35.000-40.000km, tùy thuộc vào môi trường hoạt động của xe.
Giá thay dầu khoảng 600.000-1.000.000 đồng. Một số gara ô tô cho biết tổng chi phí dịch vụ bảo dưỡng hộp số CVT thường mất từ 2-3 triệu đồng. Còn giá dây đai khi cần thay mới sẽ từ 4-6 triệu đồng. Một số hãng xe tại Việt Nam như Honda không sửa chữa mà yêu cầu thay thế toàn bộ hộp số mới, để đảm bảo an toàn với chi phí luôn ở mức trên 100 triệu đồng.
Theo trang Mytransmissionexperts, chi phí trung bình để sửa chữa một hộp số CVT dao động từ 3.500-8.000 USD (khoảng 88-215 triệu đồng), hoặc cao hơn tùy theo nhà sản xuất và dòng xe. Trong đó, các mẫu xe Nissan và Honda sử dụng hộp số CVT có chi phí rẻ hơn.
Các mẫu xe tại Việt Nam đang sử dụng hộp số vô cấp CVT.
Đáng chú ý, các mẫu xe Honda sử dụng hộp số CVT là đáng tin cậy nhất trong tất cả các dòng xe và tuổi thọ của hộp số CVT cũng dài nhất. Còn Subaru hướng đến phân khúc cao cấp hơn sẽ tốn kém chi phí hơn so với hộp số tự động truyền thống. Chúng khá bền nhưng khi gặp vấn đề, hộp số CVT trên xe Subaru thường có xu hướng hỏng hóc nghiêm trọng.
Trong khi, xe sử dụng hộp số tự động truyền thống thường chạy 60.000-150.000km mới phải thay dầu. Chi phí bảo dưỡng cũng rẻ hơn. Hộp số tự động cũng ít phải sửa chữa lớn, thường khoảng 250.000-350.000 km hoặc khoảng 8 năm mới cần xem xét.
Vì thế, vấn đề chính của hộp số vô cấp CVT nằm ở chi phí bảo dưỡng, thay thế sẽ tốn kém và thời gian tiến hành bảo dưỡng sớm hơn. Nhìn chung, loại hộp số này ít hỏng hóc nhưng tuổi thọ sẽ không bằng hộp số tự động truyền thống.
Tin bài cộng tác gửi về Ban Ô tô xe máy theo email: [email protected]. Xin cảm ơn!
Ngô Minh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn