Khi quyết định sinh con thứ hai, nhiều gia đình băn khoăn về khoảng cách tuổi giữa hai con sao cho phù hợp. Một số cha mẹ tin rằng, khoảng cách lớn sẽ giúp việc chăm sóc con dễ dàng hơn, trong khi số khác cho rằng con có độ tuổi gần nhau sẽ hòa hợp hơn. Vậy khoảng cách tuổi nào sẽ có lợi nhất cho sự phát triển của trẻ và giúp gia đình cân bằng tốt hơn trong việc nuôi dạy con cái?
Một người mẹ tên Linh Linh (Trung Quốc) đã quyết định sinh con thứ hai khi con đầu lòng của cô được 6 tuổi. Đây là quyết định được đưa ra theo lời khuyên của mẹ chồng cô, người cho rằng khoảng cách 5-6 năm là lý tưởng. Khi đó, đứa con lớn đã đủ lớn để giúp mẹ chăm sóc em, và người mẹ cũng có thể tập trung hơn vào việc nuôi dạy con nhỏ.
Ban đầu, Linh Linh cũng đồng tình với quan điểm này và tin rằng đây là sự sắp xếp hợp lý. Tuy nhiên, khi thực sự bước vào quá trình chăm sóc cả hai con, cô mới nhận ra thực tế không hoàn toàn như kỳ vọng.
Ảnh minh họa
Dù con cả đã 6 tuổi nhưng vẫn cần nhiều sự quan tâm, đặc biệt là trong giai đoạn bắt đầu đi học. Mỗi ngày, đứa trẻ cần được cha mẹ hỗ trợ làm bài tập và hướng dẫn học tập. Trong khi đó, sự xuất hiện của em bé mới sinh lại yêu cầu người mẹ phải dành rất nhiều thời gian để chăm sóc, khiến cô gần như không có giây phút nào để nghỉ ngơi.
Một vấn đề khác cũng nảy sinh, mặc dù con cả bề ngoài chấp nhận sự có mặt của em nhưng bên trong vẫn có những cảm giác không hài lòng. Đôi khi, đứa trẻ cố tình gây rắc rối để thu hút sự chú ý của cha mẹ, thậm chí còn có những biểu hiện ghen tị với em nhỏ. Điều này khiến việc cân bằng tình cảm giữa hai con trở thành một thách thức lớn đối với người mẹ.
Trong khi đó, chị họ của Linh Linh lại lựa chọn sinh con thứ hai khi con đầu lòng mới hơn một tuổi, tạo ra khoảng cách rất nhỏ giữa hai con. Khi đến thăm gia đình chị họ, Linh Linh nhận thấy rằng hai đứa trẻ có thể chơi đùa và lớn lên cùng nhau một cách tự nhiên. Nhờ đó, việc chăm sóc con cũng trở nên nhẹ nhàng hơn, vì cả hai bé có thể tương tác và chia sẻ với nhau nhiều hơn.
Việc sinh con thứ hai sớm giúp cha mẹ không phải quay lại giai đoạn nuôi trẻ sơ sinh sau nhiều năm, đồng thời cũng giảm thiểu nguy cơ con cả cảm thấy bị "bỏ rơi" khi có em. Hai đứa trẻ lớn lên như những người bạn thân, tạo nên mối quan hệ gắn kết và ít xảy ra sự ganh tị hơn so với những trường hợp khoảng cách tuổi quá xa.
Nghiên cứu cho thấy, khoảng cách tuổi giữa hai con từ 1-2 năm giúp gia đình duy trì mức độ hạnh phúc cao hơn. Khoảng cách này không chỉ giúp trẻ cùng nhau trưởng thành mà còn giảm bớt áp lực nuôi dạy con cho cha mẹ. Dưới đây là những lợi ích nổi bật của khoảng cách tuổi này.
- Cùng sở thích, cùng phát triển vui vẻ
Trẻ có độ tuổi gần nhau thường có nhiều sở thích và mối quan tâm chung, chẳng hạn như cùng thích xem một bộ phim hoạt hình, chơi chung đồ chơi hoặc có tiến độ học tập tương đồng.
Việc chia sẻ sở thích giúp các bé dễ dàng hòa hợp, tăng cường mối quan hệ anh chị em ngay từ nhỏ. Khi đến tuổi đi học, chúng có thể hỗ trợ nhau trong học tập, cùng làm bài tập, cùng khám phá những điều mới. Điều này không chỉ giúp tình cảm giữa hai con khăng khít hơn mà còn giúp cha mẹ đỡ vất vả hơn trong việc giáo dục con cái.
1-2 tuổi là khoảng lý tưởng giữa 2 bé.
- Hạn chế tranh giành tình cảm, giảm bớt khoảng cách tâm lý
Nếu khoảng cách tuổi giữa hai con quá xa, đứa lớn đã quen với việc được cha mẹ yêu thương và quan tâm trọn vẹn. Khi em bé chào đời, trẻ có thể cảm thấy vị trí của mình bị đe dọa, dễ dẫn đến tâm lý ghen tị, tranh giành sự chú ý của cha mẹ.
Ngược lại, khi hai con có độ tuổi gần nhau, từ nhỏ chúng đã quen với sự hiện diện của nhau, hình thành thói quen chia sẻ sự quan tâm từ cha mẹ. Điều này giúp hạn chế tâm lý ganh tị, giữ cho không khí gia đình hài hòa hơn.
- Nuôi dạy con hiệu quả, giảm áp lực cho cha mẹ
Dù việc nuôi hai con nhỏ cùng lúc có thể khiến cha mẹ bận rộn hơn trong giai đoạn đầu, nhưng về lâu dài, điều này giúp việc nuôi dạy con trở nên tập trung và hiệu quả hơn.
Hai bé có thể cùng cai sữa, tập đi, tập nói, vào mẫu giáo và sau đó cùng bước vào bậc tiểu học. Nhờ đó, cha mẹ không phải trải qua hai giai đoạn nuôi con quá xa nhau, giúp rút ngắn thời gian vất vả và tối ưu hóa việc chăm sóc con cái.
Mặc dù khoảng cách 1-2 tuổi mang lại nhiều lợi ích, nhưng nó cũng đi kèm với những thử thách mà cha mẹ cần cân nhắc.
- Áp lực tài chính và thể chất
Chăm sóc hai con nhỏ cùng lúc đòi hỏi nguồn lực tài chính lớn hơn, từ tiền bỉm sữa, chi phí y tế đến giáo dục. Ngoài ra, nếu mẹ chưa hoàn toàn hồi phục sau lần sinh trước mà tiếp tục mang thai, áp lực lên sức khỏe thể chất và tinh thần cũng sẽ cao hơn.
- Khả năng cân bằng thời gian
Trong giai đoạn đầu, cha mẹ phải cùng lúc chăm sóc hai bé sơ sinh, điều này có thể gây mệt mỏi và căng thẳng.
Khoảng cách 1-2 tuổi giữa hai con mang lại nhiều lợi ích cho sự gắn kết của trẻ và giảm thiểu những vấn đề tâm lý liên quan đến tranh giành tình cảm. Tuy nhiên, để áp dụng mô hình này, cha mẹ cần chuẩn bị tốt về tài chính, sức khỏe và tinh thần để đảm bảo cả gia đình có thể thích nghi với nhịp sống mới một cách thuận lợi nhất.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn