"Bị phạt nguội hay bị trừ điểm tôi cũng phải xuống xe đánh con một trận"
Ngày 16/2 vừa qua, một đoạn video ghi lại cảnh một người mẹ trẻ phạt con mình trên đường cao tốc đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng Trung Quốc. Địa điểm xuất hiện trong video được xác định là tại Lạc Hà, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc.
Dừng xe trên cao tốc, người mẹ lôi con xuống đánh khiến nhiều người ngỡ ngàng.
Video cho thấy một chiếc xe ô tô Mercedes dừng lại bên lề đường cao tốc, một người mẹ trẻ, tay cầm cành cây, đang vụt liên tiếp vào mông một cậu bé khoảng tám, chín tuổi. Cậu bé khóc lóc thảm thiết khi bị mẹ mình phạt và cảnh tượng này đã được ghi lại bởi một người ngồi trong xe.
Đoạn video sau đó được đăng tải lên mạng với dòng chú thích
"Liều lĩnh dừng xe trái phép trên cao tốc, bị phạt nguội hay bị trừ điểm tôi cũng chịu, nhất định phải xuống đánh con một trận, không thể nhẫn nhịn thêm để đợi đến trạm dừng nghỉ được nữa".
Nhiều người sau khi xem xong đoạn video này đã để lại những bình luận trái chiều cùng những tranh luận gay gắt. Bên cạnh những người để lại bình luận tò mò nguyên nhân khiến người mẹ bất chấp nguy hiểm để phạt con cũng có không ít người lớn tiếng chỉ trích người mẹ có hành động nguy hiểm khi dừng xe trên cao tốc.
Tuy nhiên, sau khi nghe người mẹ giải thích thì nhiều người lại "quay xe" và tán thành với cách làm của người mẹ.
Nguyên nhân được hé lộ
Ngày 17/2 vừa qua, một số phóng viên báo điện tử đã liên hệ với người đăng tải video để tìm hiểu sự việc.
Người mẹ lúc này mới cho biết sự việc thực tế xảy ra trên đoạn cao tốc thuộc địa phận Thành phố Trịnh Châu (Trung Quốc). Trong lúc cả nhà đang trên đường trở về sau chuyến du lịch, cậu bé vì chưa muốn về nên đã quấy khóc trên xe, thậm chí còn có hành động nguy hiểm và nói: "Con sẽ nhảy khỏi xe".
Lý do được hé lộ khiến nhiều người "quay xe" ủng hộ hành động của người mẹ. Ảnh: Sohu
Vì lúc đó con trai quá kích động, cửa kính xe vẫn đang mở, lo sợ con trai làm liều, người mẹ buộc phải dừng xe lại khẩn cấp để dạy dỗ con, dẫn đến cảnh tượng trong video.
Sau khi nguyên nhân sự việc được làm rõ, nhiều người để lại bình luận rằng:
"Ai có con rồi sẽ hiểu, khoảnh khắc con lấy tính mạng ra để càn quấy thường cực kích động và dễ dẫn tới hành động nguy hiểm."
"Xứng đáng ăn đòn, phải con tôi tôi cũng phải tẩn cho trận nhớ đời".
"Phải tôi tôi còn đánh thêm".
Chuyên gia tâm lý nổi tiếng hướng dẫn cách giải quyết
Trẻ nhỏ đôi khi bướng bỉnh, đưa ra những đòi hỏi vô lý và gây áp lực buộc cha mẹ phải đáp ứng. Khi không vừa ý, chúng có thể khóc lóc, ăn vạ, thậm chí buông lời đe dọa như "Con sẽ tự tử nếu bố mẹ không đồng ý". Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này và cha mẹ nên ứng phó ra sao?
Giáo sư tâm lý Lý Mai Cẩn, Phó Giám đốc Ủy ban Chuyên môn Tâm lý Pháp lý của Hiệp hội Tâm lý Trung Quốc, cho rằng nguyên nhân xuất phát từ cách nuôi dạy con cái của các bậc phụ huynh. Việc cha mẹ thể hiện tình yêu thương con cái một cách vô điều kiện, đặc biệt là sự lo lắng thái quá khi con gặp tổn thương về thể xác, có thể khiến trẻ hình thành tư duy lệch lạc, cho rằng mình có thể dùng sức khỏe và tính mạng để điều khiển cha mẹ.
Giáo sư tâm lý nổi tiếng Lý Mai Cẩn. Ảnh: Baijia Hao
Nếu không được uốn nắn kịp thời, trẻ có thể hình thành thói quen tự làm đau bản thân hoặc có những hành vi tiêu cực hơn khi lớn lên. Do đó, khi trẻ dùng lời lẽ tiêu cực để uy hiếp, cha mẹ cần áp dụng phương pháp "4 không 1 có" sau:
1. Tách trẻ ra khỏi môi trường xung quanh:
Khi trẻ bắt đầu ăn vạ, hãy đưa trẻ vào một căn phòng riêng biệt, nơi có ít đồ vật nguy hiểm. Trong phòng chỉ nên có cha mẹ và con, không nên có sự xuất hiện của người thứ ba để tránh trẻ lợi dụng sự chú ý.
2. "4 không" cha mẹ cần ghi nhớ
Không la mắng: Việc quát mắng trẻ chỉ khiến chúng thêm chống đối.
Không đánh đập: Hành vi bạo lực sẽ gieo rắc vào đầu trẻ suy nghĩ rằng bạo lực là cách giải quyết vấn đề.
Không dỗ dành, giảng giải: Dỗ dành trẻ chỉ khiến chúng nghĩ rằng cha mẹ đang nhân nhượng trước những đòi hỏi của mình.
Không bỏ mặc trẻ một mình: Bỏ mặc trẻ là hành động trốn tránh trách nhiệm dạy dỗ con cái.
3. "1 có" cha mẹ nên làm
Kiên quyết thể hiện thái độ: Hãy ngồi đối diện trẻ, bình tĩnh nói với trẻ rằng: "Con muốn khóc cứ khóc, nhưng hành động của con là sai." Sau đó, hãy im lặng quan sát. Trẻ có thể tiếp tục khóc lóc, thậm chí tự làm đau bản thân. Tuy nhiên, cha mẹ cần giữ thái độ kiên định, không phản ứng.
4. Kết thúc bằng cách nói chuyện nhẹ nhàng
Khi trẻ đã bình tĩnh lại, hãy nhẹ nhàng lau mặt cho trẻ và hỏi lại về hành vi vừa rồi. Lúc này, trẻ sẽ dễ dàng nhận ra lỗi sai của mình hơn.
Hãy cho trẻ hiểu rằng cha mẹ yêu thương con, nhưng tình yêu đó phải đặt đúng chỗ. Đồng thời, dạy trẻ biết tôn trọng cha mẹ và yêu thương bản thân mình.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn