Tại sao chúng ta bị viêm xoang?
Trên vùng mặt mỗi người có một hệ thống khoang rỗng được lót niêm mạc gồm có xoang hàm, xoang sàng, xoang trán, xoang bướm. Viêm xoang xảy ra khi lớp niêm mạc bao phủ bên trong xoang tổn thương do tác động của các tác nhân gây bệnh như virus, vi khuẩn, nấm, hóa chất, khói bụi hay các chất gây dị ứng…
Dựa theo thời gian mắc bệnh, viêm xoang được chia thành viêm xoang cấp hoặc mạn tính.
Ở trẻ em, viêm xoang cấp thường xuất hiện sau một đợt viêm đường hô hấp trên cấp tính. Sau 5-7 ngày các triệu chứng của viêm nhiễm đường hô hấp có khuynh hướng nặng hơn với biểu hiện như sốt cao, hơi thở hôi, ho nhiều (nhất là vào ban đêm), chảy mũi, nước mũi xanh hoặc vàng đặc như mủ, nhức đầu, đau ổ mắt, cảm giác nặng vùng mặt, đau răng, đau họng…
Trong trường hợp viêm xoang mạn tính, triệu chứng kéo dài trên 3 tháng. Trẻ có thể sốt hâm hấp từng đợt, đau họng tái phát, khàn tiếng, ho kéo dài, ngạt mũi, sổ mũi, giảm hoặc mất khả năng ngửi mùi, ù tai, đau tai…
Biến chứng nguy hiểm
Theo TS.BS. Lê Anh Tuấn (Bệnh viện Tai mũi họng TW), mặc dù được xác định là một chứng bệnh thông thường, tương đối dễ xử lý, nhưng nếu không được điều trị triệt để, viêm xoang có thể gây ra nhiều biến chứng.
Biến chứng ổ mắt: 75% bệnh nhi nhiễm trùng ổ mắt do viêm xoang. Viêm xoang kéo dài cũng có thể làm giảm thị lực hay mù mắt do tổn thương dây thần kinh thị giác, giảm thính lực do viêm tai giữa tái đi tái lại; viêm họng, viêm amiđan, viêm thanh quản, viêm phế quản, rối loạn tiêu hóa…
Chưa kể, các biến chứng nguy hiểm với nội sọ như: viêm màng não, áp xe ngoài màng cứng, dưới màng cứng, áp xe não nhiễm trùng huyết, thuyên tắc tĩnh mạch dọc trên...
Điều quan trọng nhất trong điều trị viêm xoang là định bệnh chính xác. Điều này chỉ có thể xác định bằng thăm khám trực tiếp. Nếu bệnh chuyển biến phức tạp, các bác sĩ cần phải sử dụng thêm các phương tiện chẩn đoán hình ảnh như chụp X quang, CTscan, MRI, nội soi để đánh giá mức độ viêm cũng như những bất thường của các thành phần khác trong hốc mũi để quyết định điều trị bằng thuốc hay phẫu thuật. Nhiều bệnh nhi khi vào viện bệnh đã biến chứng nặng vì bố mẹ thường tự điều trị bằng kháng sinh tại nhà và điều trị không dứt điểm. Bệnh viêm xoang cũng dễ bị nhầm với cảm cúm, viêm mũi dị ứng... nhất là vào các thời điểm chuyển mùa.
Điều trị viêm xoang
Đối với viêm xoang cấp thời gian điều trị khoảng 7-14 ngày; trong trường hợp viêm xoang mạn tính có thể kéo dài 4- 6 tuần. Bên cạnh việc điều trị tích cực cần phải giải quyết các vấn đề khác có thể làm cho tình trạng viêm xoang nặng hơn hoặc gây thường xuyên tái phát như trào ngược dạ dày thực quản, dị ứng, bất thường cấu trúc giải phẫu vùng mũi…
Ở trẻ em, viêm xoang được điều trị chủ yếu bằng cách dùng thuốc đặc trị như kháng sinh, kháng viêm, kháng dị ứng và sử dụng nước muối sinh lý để làm vệ sinh mũi thường xuyên giúp cho việc dẫn lưu chất nhày trở nên dễ dàng hơn. Vấn đề phẫu thuật chỉ đặt ra trong trường hợp bệnh không cải thiện hay thường xuyên tái phát dù đã điều trị đúng và đủ thời gian.
Phòng tránh bệnh viêm xoang
- Giữ ấm cho trẻ nhất là vào những khi thời tiết chuyển mùa. Nên cho trẻ mặc nhiều quần áo mỏng hơn là mặc một hai chiếc áo dày. Khi trẻ hoạt động nhiều, đổ mồ hôi thì cởi bớt quần áo, ráo mồ hôi lại mặc vào để tránh trẻ bị sốc nhiệt dễ dẫn tới cảm lạnh, viêm mũi... là những yếu tố dễ dẫn tới viêm xoang.
- Khi trẻ bị ốm nên đưa đi khám bệnh và tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ. Không tự ý cho trẻ dùng thuốc hay ngưng thuốc khi chưa hỏi ý kiến bác sĩ.
- Giữ nhà cửa luôn thông thoáng, sạch sẽ, tránh nuôi những động vật nhiều lông như chó, mèo... trong nhà vì trong lông chó mèo hay có các ký sinh trùng gây dị ứng.
- Không hút thuốc lá, không cho trẻ đến gần những khu vực có khói bụi nhiều. - Cho trẻ mang khẩu trang y tế mỗi khi ra đường để giảm nguy cơ hít phải khói bụi và các chất gây ô nhiễm khác.
- Tăng cường vitamin C trong rau, củ quả hàng ngày để tăng đề kháng cho trẻ. Mỗi ngày cho trẻ vận động ít nhất 30 phút để nâng cao hệ miễn dịch.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn