Để quy chuẩn, tiêu chuẩn không 'làm khó' doanh nghiệp

Thứ năm - 28/11/2024 21:00
 

Quang cảnh Phiên thảo luận. Ảnh: VPQH

Đảm bảo các tiêu chuẩn, quy chuẩn luôn được cải tiến phù hợp, dễ thực hiện

Chiều 28/11, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.

Qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội khẳng định, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật có vai trò quyết định chất lượng các sản phẩm được tạo lập của quốc gia. Trong hình thành năng lực cạnh tranh quốc gia, tiêu chuẩn, quy chuẩn có vai trò quan trọng như cơ sở hạ tầng. Vì vậy, việc xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật là hết sức cần thiết.

Góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật, đại biểu Phạm Văn Thịnh (Đoàn Bắc Giang) cho biết, dù các cơ quan quản lý đã thường xuyên sửa đổi, bổ sung nhiều tiêu chuẩn, quy chuẩn, nhưng tiêu chuẩn, quy chuẩn vẫn có những bất cập.

Theo đại biểu, hiện chúng ta có khoảng 13.000 tiêu chuẩn quốc gia và 800 quy chuẩn. Việc áp dụng quy chuẩn là bắt buộc, còn tiêu chuẩn là tự nguyện. Tuy nhiên, thực tế, hầu hết các hoạt động khi tiến hành thực hiện, người có thẩm quyền đều quy định tuân thủ bắt buộc đối với tiêu chuẩn, nhất là đối với hoạt động xây dựng công trình.

Đại biểu Phạm Văn Thịnh phát biểu thảo luận. Ảnh: VPQH

“Việc thiết kế tiêu chuẩn, quy chuẩn có xu hướng xây dựng quá chi tiết, quá thừa, chủ yếu quan tâm đến thủ tục thực hiện mà không ưu tiên theo hướng kiểm soát chất lượng, dẫn đến mất đi sự sáng tạo, tăng chi phí tuân thủ, có thể còn lạc hậu khi công nghệ, vật liệu sử dụng đã thay đổi; hoặc khi có tiêu chuẩn sản phẩm phù hợp hơn với thực tiễn, hiệu quả kinh tế cao hơn nhưng chậm được ban hành để áp dụng” - đại biểu chỉ ra thực tế

Để khắc phục tình trạng này, đại biểu đề nghị Luật cần bổ sung 1 điều quy định cơ chế thúc đẩy sáng kiến cải tiến các tiêu chuẩn, quy chuẩn và cơ chế giám sát của cộng đồng, của Quốc hội; trách nhiệm giải trình của cơ quan ban hành.

Quy định này nhằm đảm bảo các tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn quốc gia luôn được cải tiến theo hướng phù hợp với hội nhập quốc tế, dễ thực hiện, chi phí tuân thủ tối ưu, có không gian sáng tạo để thúc đẩy áp dụng công nghệ, kỹ thuật, vật liệu mới trong thực hiện tiêu chuẩn, quy chuẩn.

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị Dự thảo Luật cần bổ sung nguyên tắc: Chính phủ cần có biện pháp tạo cạnh tranh lành mạnh của thị trường dịch vụ đánh giá sự phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn; tránh xảy ra tình trạng độc quyền hoặc nhóm lợi ích. Điều này nhằm khắc phục tình trạng có những quy chuẩn kỹ thuật có hiệu lực nhưng không có đơn vị đánh giá sự phù hợp hoặc có nhưng không đủ công suất, gây ách tắc hoạt động của doanh nghiệp.

Đại biểu Thái Thị An Chung phát biểu thảo luận. Ảnh: VPQH

Cùng quan tâm vấn đề này, đại biểu Thái Thị An Chung (Đoàn Nghệ An) cho rằng, hiện nay, số lượng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia rất nhiều. Do đó, cơ quan soạn thảo nghiên cứu, nhận diện tiêu chí sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ nào cần phải quản lý bằng tiêu chuẩn, quy chuẩn để giảm thời gian, chi phí để ban hành một khối lượng văn bản lớn.

Đồng thời, cần nhận diện, phân biệt rõ giữa tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật với điều kiện đầu tư kinh doanh để đảm bảo thống nhất, không chồng chéo giữa Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật với Luật Đầu tư.

Thống nhất cao việc Dự thảo Luật bổ sung quy định về hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, đại biểu Triệu Thị Ngọc Diễm (Đoàn Sóc Trăng) đánh giá, việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước như tiết kiệm chi phí tìm kiếm thông tin, tăng tính minh bạch và độ tin cậy của các sản phẩm trên thị trường.

Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần làm rõ lộ trình thực hiện, thời gian hoàn thành vận hành thử nghiệm và trách nhiệm cụ thể của từng cơ quan; cơ chế chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan và khả năng liên kết với cơ sở dữ liệu quốc tế; nguồn kinh phí xây dựng và duy trì hệ thống cũng như chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp tham gia xây dựng hệ thống.

Tránh làm phát sinh “giấy phép con”

Tán thành sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật, đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn Quảng Nam) chỉ rõ, việc thực hiện Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật hiện hành sau 17 năm đã bộc lộ nhiều bất cập, một số quy định làm phát sinh “giấy phép con” hoặc quy định thủ tục hành chính chưa hợp lý; có trường hợp quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn nhưng lạc hậu, không còn phù hợp, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.

Đại biểu Tạ Văn Hạ phát biểu thảo luận. Ảnh: VPQH

Đơn cử, đại biểu Tạ Văn Hạ cho biết, cử tri doanh nghiệp đề xuất bỏ hai loại sản phẩm là thuốc thú y và thức ăn chăn nuôi ra khỏi nhóm đối tượng phải công bố hợp quy. Theo đại biểu, các sản phẩm này là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, phải thông qua thẩm định, đánh giá và cấp phép chứng nhận đủ điều kiện trước khi sản xuất.

Việc yêu cầu doanh nghiệp phải công bố hợp quy là không cần thiết, thêm thủ tục, trùng lặp và hình thức, gây phát sinh chi phí cho doanh nghiệp, dễ phát sinh tiêu cực, làm tăng chi phí giá thành sản phẩm không cần thiết - đại biểu Tạ Văn Hạ nói.

Đồng quan điểm, đại biểu Thái Thị An Chung cho biết, theo phản ánh của một số doanh nghiệp và hiệp hội, các sản phẩm có quy chuẩn kỹ thuật đã được sản xuất trong các nhà máy có cơ sở vật chất và quy trình sản xuất được đánh giá công nhận đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, đáp ứng các tiêu chuẩn của quốc gia và quốc tế nhưng vẫn phải công bố hợp quy cho từng sản phẩm thì mới được phép lưu hành.

“Như vậy, quy định công bố hợp quy sản phẩm trước khi được phép sản xuất, kinh doanh sản phẩm là thừa và hình thức. Vì để công bố hợp quy sản phẩm, các tổ chức được chỉ định lại đến các nhà máy đánh giá cơ sở, quy trình sản xuất và lấy mẫu thử nghiệm, nghĩa là làm lại các công việc của tổ chức đã đánh giá, công nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh” - đại biểu chỉ ra thực tế.

Mặt khác, theo đại biểu, việc quy định sản phẩm có quy chuẩn kỹ thuật phải công bố hợp quy khi lưu hành đã làm phát sinh bất cập là 100% các lô hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam phải kiểm tra chất lượng mới được phép thông quan; khiến doanh nghiệp phải tốn kém thêm nhiều chi phí cho thời gian chờ làm thủ tục và các chi phí kho bãi. Trong khi đó, hầu hết các nước trên thế giới đều áp dụng phương pháp hậu kiểm hoặc thừa nhận lẫn nhau hoặc kiểm tra xác suất với tần suất không quá 5% số lô hàng nhập khẩu.

Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ tổng kết, đánh giá việc thực hiện các quy định tại Điều 48 Dự thảo Luật, lắng nghe ý kiến phản hồi của các doanh nghiệp, các hội, hiệp hội để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Đ. KHOA

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây