Tại kỳ họp thứ 10, khóa X của Hội đồng nhân dân tỉnh, lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tỉnh hiện có 19 cơ sở. UBND tỉnh đã có quyết định sáp nhập Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên thành phố Tây Ninh, thị xã Hòa Thành, huyện Châu Thành thành Cụm GDNN-GDTX thành phố Tây Ninh.
Thời gian tới dự kiến tiếp tục sáp nhập Trung tâm GDNN-GDTX thị xã Trảng Bàng, huyện Bến Cầu, huyện Gò Dầu thành Cụm trung tâm GDNN-GDTX huyện Gò Dầu; sáp nhập Trung tâm GDNN-GDTX huyện Dương Minh Châu, huyện Tân Châu, huyện Tân Biên thành Trung tâm GDNN-GDTX Cụm Tân Châu. Như vậy, việc thí điểm hợp nhất ba Trung tâm nêu trên xuất phát từ cơ sở thực tế.
Học “hai trong một” - lựa chọn khôn ngoan
Kết thúc năm học 2023 - 2024 (thời điểm thành lập Trung tâm GDNN - GDTX Cụm thành phố Tây Ninh tính từ đầu học kỳ 2 của năm học này), đơn vị có 1.846 học sinh, tổng cộng 52 lớp đang theo học văn hóa cấp trung học phổ thông và chương trình trung cấp nghề. Lãnh đạo Trung tâm GDNN - GDTX Cụm thành phố Tây Ninh thông tin, trong số gần 2.000 học sinh, hơn 700 em học đồng thời hai chương trình: vừa học văn hóa vừa học trung cấp nghề. Việc đào tạo nghề trình độ trung cấp được thực hiện bởi sự liên kết giữa ba đơn vị: Cụm Trung tâm GDNN - GDTX thành phố Tây Ninh, Trường cao đẳng Nghề và Trường trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Tây Ninh.
Em Dương Ngọc Tuyền bán vé số ban ngày và đi học buổi tối.
Nhiều em học sinh đang học tại đây cho biết, các em chọn học văn hóa kết hợp với học trung cấp nghề để sau khi tốt nghiệp THPT, nếu không lên đại học, sẽ vào làm xí nghiệp. Nhóm phóng viên thực hiện loạt bài này từng đề cập đến một số học sinh đang học tại Trung tâm GDNN - GDTX Cụm thành phố Tây Ninh.
Trường hợp của em Dương Ngọc Tuyền là ví dụ. Nhà Tuyền có 3 người, em là con một, để phụ giúp gia đình, mỗi ngày em đi bán 200 tờ vé số, từ 6 giờ sáng tới 10 giờ trưa, lời khoảng 200 ngàn đồng. Lúc nhỏ Tuyền bị sốt, để lại di chứng. Lúc học cấp 2, mẹ đưa em đến trường, sau này em tự đi bằng xe 3 bánh, do một người trúng số tặng.
Đường đến trường có vất vả, khó khăn nhưng được thầy cô giúp đỡ, Tuyền hết sức cố gắng vượt qua vì muốn có tương lai tươi sáng hơn, muốn được học đại học, ngành kinh tế. Hồi học hết cấp 2, do có việc gia đình nên Tuyền phải nghỉ học, sau này em quyết đi học lại, được bạn bè hỗ trợ rất nhiều như giảng bài cho em hiểu, giúp em lên cầu thang.
Nguyễn Trọng Hiếu (bên trái).
Một trường hợp khác là Nguyễn Trọng Hiếu. Ban ngày em làm ở Toyota Tây Ninh, chuyên làm đẹp, đánh bóng cho xe. Công việc khá ổn định để trang trải cho cuộc sống, nhiều khi tăng ca nên em đến lớp trễ, cố gắng không vắng học với ước mơ sau này đi xuất khẩu lao động.
Em Lê Thị Hồng Thắm ban ngày làm trong xí nghiệp, ban đêm đến lớp học.
Tương tự, Lê Thị Hồng Thắm, “sáng trong xí nghiệp, tối đến lớp học” tại Trung tâm GDNN - GDTX Cụm thành phố Tây Ninh. Hồng Thắm đang làm chuyên viên kế hoạch cho một công ty ở Trảng Bàng, từ 7 giờ 30 sáng đến 5 giờ chiều. Sau đó em có 1 tiếng 30 phút để chạy lên trường học, 1 tuần em làm 6 ngày, chủ nhật nghỉ. Những buổi không kẹt xe, Hồng Thắm kịp thời gian để ăn, còn kẹt xe thì em ăn vào giờ ra chơi.
“Sau khi học ở đây 3 năm, em có được 3 thứ quan trọng: thứ nhất là thời gian; thứ hai, em có nhiều kiến thức và thứ ba, em cảm thấy mình mạnh mẽ hơn, kiên cường hơn. Theo em, cả 3 thứ đó đều không thể mua được bằng tiền. Em cảm thấy quyết định của mình là đúng đắn” - Hồng Thắm chia sẻ.
Thắm vừa làm công nhân, vừa học văn hóa vừa học nghề vừa học võ thuật. Hồng Thắm nói thêm: “Em tham gia võ Karatedo từ năm lớp 2, phụ huấn luyện viên dạy từ năm lớp 5, tới bây giờ đã hơn 10 năm. Đối với em, học võ giống như một đam mê”.
Cô Nguyễn Thị Hồng Lê - Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX cụm thành phố Tây Ninh cho biết, hầu hết học sinh ở đây rất nghị lực: “Các em có ý chí vươn lên, có những hoàn cảnh gần như bế tắc, nhưng các em đã lựa chọn cho mình con đường đi đúng đắn là tiếp tục học tập. So với học sinh phổ thông, tôi cảm thấy môi trường vừa làm vừa học giúp các em vừa học, vừa thực hành, trải nghiệm bản thân để sau này có việc làm tốt. Có nhiều trường hợp đặc biệt như 2 em ở lớp 12, phải đi làm và đi học xa hàng chục cây số, có em ở nhà trọ. Không ít bạn vừa đi làm thêm, vừa học trung cấp nghề, học văn hóa; ban ngày đi làm, tối vào trung tâm để học đến tận 20 giờ. Trường hợp bạn Hồng Thắm, phải vượt mấy chục cây số từ Trảng Bàng lên thành phố Tây Ninh đi học rồi tranh thủ chạy về để sáng mai đi làm”.
Số lượng học sinh tăng đột biến
Năm học 2024 - 2025, năm thứ hai thí điểm sáp nhập, Trung tâm GDNN - GDTX Cụm thành phố Tây Ninh có đến 2.528 học sinh, tổng cộng 60 lớp, đưa đơn vị này thành cơ sở giáo dục có số lượng học sinh đông nhất tỉnh, hơn cả Trường THPT Hoàng Văn Thụ - trường phổ thông có quy mô lớn nhất. So với giáo dục phổ thông, GDNN - GDTX có ít nhất ba lợi thế dành cho người học. Thứ nhất, thời gian học linh hoạt, có thể học ban đêm. Thứ hai, học sinh vừa học văn hóa để sau nay có thể thi đại học, nếu muốn, lại vừa kết hợp học chương trình trung cấp nghề hoàn toàn miễn phí. Thứ ba, số môn học ít hơn hệ giáo dục phổ thông.
Nghị quyết số 19 năm 2017 của Trung ương Đảng về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập yêu cầu: “Sắp xếp, tổ chức lại hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở và linh hoạt đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động; bảo đảm quy mô, cơ cấu và hợp lý về ngành nghề, trình độ đào tạo, chuẩn hóa, hiện đại hóa, có phân tầng chất lượng. Nhà nước tập trung đầu tư một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cho các nhóm đối tượng đặc thù phù hợp với khả năng đầu tư của Nhà nước và khả năng huy động nguồn lực của xã hội. Sáp nhập trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục hướng nghiệp, trung tâm dạy nghề thành một cơ sở giáo dục dạy nghề trên địa bàn cấp huyện”.
Câu hỏi đặt ra là, sau khi thành lập Trung tâm GDNN - GDTX Cụm thành phố Tây Ninh, có nên sáp nhập 6 trung tâm còn lại không?
Việt Đông - Hoàng Yến
(Còn tiếp)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn