https://baomoi-tts-mcloud-bf-s1.bmcdn.me/zq9p9G-n-Qo/6c3f0748ae9441ca1885/03e5d9516dd5828bdbc4/64/1b3b2612070fee51b71e.m4a?authen=exp=1731647563~acl=/zq9p9G-n-Qo/*~hmac=4663a52eceb1adff34f96d1cf6e02949
Em Nguyễn Phương Anh, học sinh lớp 10 Pháp, Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi, thành viên nhóm tác giả thuộc Trường Tiểu học Đại Đồng năm nay đoạt giải nhất mô hình Robot phân loại rác thải sử dụng công nghệ AIOT
Đam mê sáng tạo
Em Lê Nguyễn Ngọc Yến, học sinh lớp 8B, Trường THCS Quang Phục (Tứ Kỳ) cùng nhóm bạn đã 2 năm có sản phẩm dự thi và năm nay đoạt giải ba Cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng tỉnh lần thứ 18 với mô hình Máy thu hoạch cây trồng điều khiển từ xa.
Năm trước mô hình đoạt giải của Yến và nhóm bạn là Máy thái thịt đa năng.
Từ nhỏ, Yến đã đam mê khoa học. Em thường xuyên đọc sách báo, tìm kiếm ý tưởng, sau đó trao đổi với các bạn để chọn ra ý tưởng sát thực tế và có tính khả thi nhất.
“Chúng em chọn mô hình Máy thu hoạch cây trồng điều khiển từ xa vì thấy khi đến vụ thu hoạch nông dân khá vất vả trong khi giá các máy trên thị trường cao và có ít chức năng. Khi thực hiện, chúng em phân công công việc cho từng thành viên và ai cũng có trách nhiệm nên công việc diễn ra nhanh chóng, thuận tiện”, em Yến cho biết.
Em Lê Nguyễn Ngọc Yến (ngoài cùng bên trái), học sinh lớp 8B, Trường THCS Quang Phục cùng cô giáo và nhóm bạn trao đổi khi có ý tưởng hay về khoa học, công nghệ
Với em Nguyễn Phương Anh, học sinh lớp 10 Pháp, Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi thì khoa học là môn học hấp dẫn với em. Phương Anh là thành viên của nhóm tác giả đoạt giải nhất Cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng tỉnh với mô hình Robot phân loại rác thải sử dụng công nghệ AIOT năm nay. Đây là nhóm dự thi của Trường Tiểu học Đại Đồng (Tứ Kỳ) .
Phương Anh cho biết những năm gần đây, môi trường, biến đổi khí hậu đã tác động lớn đến trái đất, ảnh hưởng đến con người và sinh vật khi bão lũ, hạn hán thường xuyên xảy ra… Sử dụng đồ tái chế, đồ dùng tự hủy là một cách giảm biến đổi khí hậu, vì vậy các em đã tìm cách chế tạo ra sản phẩm giải quyết việc phân loại rác thải.
“Chúng em muốn tạo ra sản phẩm tối ưu hóa việc phân loại rác thải bằng cách sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo nên xây dựng mô hình này. Rô bốt thông minh sử dụng công nghệ AIOT gồm có bốn ngăn để chứa rác thải hữu cơ, rác thải vô cơ, rác tái chế và rác thải độc hại”, Phương Anh nói.
Khơi dậy nhiều ý tưởng
Nhóm tác giả đoạt giải nhất Cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên nhi đồng lần thứ 18 trong quá trình hoàn thiện mô hình (ảnh cơ sở cung cấp)
Trong số 36 sản phẩm, mô hình được trao giải tại Cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên nhi đồng lần thứ 18 do Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh tổ chức vừa qua, huyện Tứ Kỳ có 10 giải và có giải nhất. Đây là năm thứ 2 liên tiếp, huyện Tứ Kỳ đứng đầu phong trào sáng tạo kỹ thuật của học sinh.
Có được điều đó, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tứ Kỳ cũng như các trường học có nhiều hoạt động hỗ trợ, thúc đẩy đam mê nghiên cứu sáng tạo tiềm ẩn trong học sinh.
Ngay sau cuộc phát động do tỉnh tổ chức, phòng gửi công văn đến từng trường học và đăng tải trên website để các trường, thầy cô, học sinh và phụ huynh nắm được nội dung cuộc thi. Phòng xây dựng Ban phụ trách để hỗ trợ, tư vấn cho các trường hoàn thiện ý tưởng cũng như giải quyết vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Sản phẩm “Máy thu hoạch cây trồng điều khiển từ xa” của Trường THCS Quang Phục (ảnh cơ sở cung cấp)
Hằng năm, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tứ Kỳ tổ chức Ngày hội STEM cùng GEN AI và ROBOCON, tạo sân chơi bổ ích cho các em tham gia sáng tạo, nghiên cứu. Những sản phẩm đoạt giải cấp huyện, cấp tỉnh, Tứ Kỳ đều khen thưởng xứng đáng, góp phần khơi nguồn đam mê của học sinh.
Mỗi trường học trong huyện lại có những cách làm khác nhau khuyến khích các em thử sức trong lĩnh vực này. Trường Tiểu học Đại Đồng đã thành lập được “Câu lạc bộ Robot nhí” thu hút trên 20 em ở các khối lớp tham gia. Trong các tiết tin học, thầy cô giáo cũng để các em tự do sáng tạo, nghiên cứu trên máy tính nên phong trào của trường rất sôi nổi. Trong Ngày hội STEM cùng GEN AI và ROBOCON cấp huyện vừa qua, trường có 5 mô hình, sản phẩm tham dự và được trao giải nhất ngày hội.
Với Trường THCS Quang Phục, nhà trường cử giáo viên hỗ trợ các em hoàn thiện mô hình. Trường cũng hỗ trợ gần như toàn bộ chi phí mua sắm nguyên vật liệu để hoàn thiện sản phẩm. Cô Phạm Thị Hồng Thơ, giáo viên khoa học tự nhiên của trường cho biết: “Nhà trường luôn quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện để các em có thể phát huy hết năng lực, sở trường của bản thân. Nhờ vậy, phong trào nghiên cứu, sáng tạo khoa học trong trường rất sôi nổi. Hai năm liền trường có sản phẩm đoạt giải ba Cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng cấp tỉnh”.
Ngày hội STEM cùng GEN AI và ROBOCON do Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện tổ chức thu hút đông đảo các trường tham gia
Với sự đa dạng trong cách khơi dậy đam mê, sáng tạo, phong trào nghiên cứu khoa học, kỹ thuật của huyện Tứ Kỳ sẽ phát triển mạnh mẽ, có nhiều sản phẩm thiết thực hơn nữa.
THANH HÀ
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn