Phát triển văn hóa đọc, xây dựng xã hội học tập

Chủ nhật - 10/11/2024 13:50
 

Khơi dậy đam mê đọc sách trong giới trẻ

- Thời gian qua, cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc đã tạo được sức lan tỏa và ý nghĩa thực tiễn ra sao, thưa bà?

Vụ trưởng Vụ Thư viện Kiều Thúy Nga

- Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc là một trong những hoạt động tiêu biểu triển khai Quyết định số 329/QĐ-TTg 15.3.2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030". Được triển khai từ năm 2019, qua 4 lần tổ chức (2019 - 2022), cuộc thi đã thu hút hơn 3,5 triệu lượt thí sinh tham dự. Số lượng thí sinh tăng mạnh theo mỗi kỳ tổ chức đã phần nào khẳng định sức lan tỏa của cuộc thi.

Năm 2023, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội nghị tổng kết, đánh giá kết quả triển khai thực hiện cuộc thi đã được tổ chức. Nhìn chung, các thư viện và trung tâm thông tin - thư viện trong toàn quốc mong muốn tổ chức cuộc thi này để thu hút sự tham gia của người đọc, đặc biệt là học sinh, sinh viên, người trẻ, qua đó khơi dậy đam mê cũng như phong trào đọc sách, xây dựng xã hội học tập ở các cơ quan, đơn vị, địa phương.

Bằng sự sáng tạo, trí tưởng tượng, người dự thi đã chia sẻ kinh nghiệm đọc sách hiệu quả và biện pháp khuyến đọc cụ thể, phù hợp với từng độ tuổi và có ý nghĩa thực tiễn cao.

Ban tổ chức trao giải Nhất cho các tác giả tại Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2024

- Tinh thần này được tiếp nối trong cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2024 như thế nào?

- Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục thực hiện Đề án Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2021 - 2025, cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2024 chú trọng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, phát huy tính sáng tạo, đa dạng hóa hình thức đọc sách, đổi mới phương thức tuyên truyền, truyền thông về văn hóa đọc.

Với tinh thần đó, chúng tôi mong muốn thông qua việc giới thiệu các cuốn sách thúc đẩy lối sống tích cực, trách nhiệm với bản thân, gia đình, cộng đồng và xã hội; lan tỏa tình yêu với sách, phát triển văn hóa đọc, kỹ năng đọc sách và xây dựng xã hội học tập, từ đó khơi dậy khát vọng cống hiến, phát triển đất nước.

Khẳng định thương hiệu của thư viện và ngành văn hóa

- Bước sang năm thứ 5, cuộc thi ngày càng nhận được sự quan tâm nhiều hơn từ các trường học, gia đình, tổ chức xã hội… cho thấy những thay đổi trong nhận thức của cộng đồng yêu sách về sự cần thiết phát triển văn hóa đọc. Bà có thể chia sẻ khái quát quá trình này?

- Khởi động từ tháng 3, cuộc thi được tổ chức theo hai vòng. Vòng Sơ khảo tại Bộ Quốc phòng, các tỉnh/thành phố, Hội Người mù Việt Nam, các trường đại học/học viện, từ tháng 4 - 30.6. Vòng Chung kết do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức từ 1.7 - 31.10. Có 515/1.686.865 bài dự thi đã được lựa chọn vào vòng Chung kết. Bài viết, video, các cuốn sách được giới thiệu đều mang tính thời sự và có giá trị cao trong công tác tuyên truyền, giới thiệu sách gắn với chủ đề cuộc thi năm nay.

So với năm 2022, số lượng bài dự thi, số lượng cơ sở giáo dục có học sinh tham gia tăng lên. Hầu hết bài dự thi ở cả hai hình thức đều thực hiện tốt yêu cầu, thể lệ cuộc thi. Các cuốn sách được giới thiệu là những cuốn sách gần gũi, quen thuộc, nhiều cuốn mới xuất bản, tỷ lệ sách Việt Nam cao.

Trao 4 Danh hiệu Đại sứ Văn hóa đọc tiêu biểu năm 2024

Cuộc thi cũng nhận được sự quan tâm từ các bậc phụ huynh học sinh và các thầy, cô giáo. Nhiều nhà trường, gia đình đã đầu tư bài dự thi công phu, bảo đảm về nội dung và kĩ thuật, có tác dụng giáo dục lớn và tạo hiệu ứng tốt đối với người xem. Đặc biệt, tại nhiều trường, các thầy, cô giáo đã hướng dẫn để học sinh, sinh viên xây dựng kế hoạch và biện pháp phát triển văn hóa đọc cụ thể, có tính khả thi.

Nhiều bài dự thi chất lượng với những câu chuyện cảm động; các tác phẩm có giá trị khoa học và nghệ thuật được thí sinh chuyển tải đến bạn bè và cộng đồng. Các em đã thể hiện niềm say mê, tâm huyết để thực hiện bài dự thi một cách công phu, trang trọng và đẹp mắt. Một số bài thi sử dụng ngôn ngữ ký hiệu khiến khả năng lan tỏa lớn hơn. Các sáng kiến, kinh nghiệm phát triển văn hóa đọc phù hợp với lứa tuổi các em, nhiều sáng kiến thiết thực và khả thi.

- Bà đánh giá thế nào về tác động tích cực và giá trị mà cuộc thi mang lại cho cộng đồng?

- Qua các bài dự thi có thể nhận thấy, văn hóa đọc đã có tác động lớn đến việc hình thành trí tuệ, nhận thức, nhân cách của học sinh, sinh viên. Lòng nhân ái, vị tha, biết quan tâm đến người khác đã được hình thành và nuôi dưỡng từ việc đọc sách. Một số học sinh, sinh viên đã âm thầm trở thành những đại sứ văn hóa đọc đem sách và tình yêu sách đến với những hoàn cảnh khó khăn trong cộng đồng.

Giá trị lớn nhất mà cuộc thi mang lại là góp phần phát triển văn hóa đọc trong nhà trường, cộng đồng một cách sâu và rộng. Cuộc thi không chỉ là sân chơi cho học sinh, sinh viên trên toàn quốc mà hơn hết mang lại ý nghĩa tích cực cho xã hội, thực sự là thương hiệu của thư viện và ngành văn hóa. Hy vọng những năm sau, cuộc thi nhận được sự tham gia đông đảo hơn của người yêu sách và kỳ vọng sẽ có những bài viết, video hay hơn, chất lượng hơn.

- Xin cảm ơn bà!

Hồng Hà

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây