Nữ thanh niên dân tộc thiểu số tự tin làm 'Thủ lĩnh của sự thay đổi'

Thứ hai - 11/11/2024 16:50
 

Em Y Rốt (bìa trái), thành viên Tổ truyền thông cộng đồng và CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” (tỉnh Kon Tum) và đại diện thanh niên dân tộc thiểu số miền Trung và Tây Nguyên biểu hiện sự quyết tâm vì bình đẳng giới

Thảo luận cởi mở về những khúc mắc của tuổi mới lớn

Tại tỉnh Quảng Ngãi, Câu lạc bộ (CLB) "Thủ lĩnh của sự thay đổi" của Trường Tiểu học và THCS Sơn Giang (huyện Sơn Hà) có gần 20 thành viên là các em học sinh từ 10 đến 15 tuổi. CLB sinh hoạt đều đặn mỗi tháng 1 lần với nhiều hoạt động để thu hút các em tham gia, đặc biệt là trẻ em gái người dân tộc thiểu số (DTTS).

Là thành viên tích cực của CLB từ khi thành lập năm 2023, em Đinh Thị Viên, người Hrê, học sinh lớp 7 Trường Tiểu học và THCS Sơn Giang, chia sẻ: "Ngày trước em ngại giao tiếp, nói chuyện với mọi người. Bước vào tuổi dậy thì, cơ thể bắt đầu có những thay đổi nhưng ba mẹ thì bận với ruộng nương, cũng không quá am hiểu những vấn đề của tuổi mới lớn nên không chỉ bảo, hướng dẫn cho em được".

Năm ngoái, nhà trường thành lập CLB "Thủ lĩnh của sự thay đổi". Lúc đầu, Viên tham gia với tâm lý... cho vui nhưng sau một thời gian, những vấn đề tuổi dậy thì trước đây em lo sợ thì nay đã hiểu hơn và tự tin hơn trong học tập cũng như cuộc sống của mình.

Từ khi tham gia CLB, Viên và các bạn được cô giáo chỉ dạy, hướng dẫn tìm hiểu các kiến thức về tâm sinh lý, sức khỏe sinh sản... Đồng thời, CLB cũng tổ chức chia sẻ, thảo luận cởi mở về những vấn đề khúc mắc của tuổi mới lớn.

Viên tự tin nói: "Bây giờ, em có thể đứng trước các bạn chia sẻ suy nghĩ của mình, trao đổi về những vấn đề liên quan tới sức khỏe sinh sản và bày tỏ quan điểm với những vấn đề chúng em quan tâm".

Còn em Lầu Yến Hồng, học sinh lớp 8 Trường Tiểu học và THCS Sơn Giang, cho biết, tham gia CLB, các em chia theo nhóm để cùng thảo luận các vấn đề mà học sinh dễ gặp phải như: Bạo lực học đường, các biện pháp giữ an toàn cho bản thân, giữ gìn vệ sinh thân thể; những hậu quả của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống...

Các em có thể nói ra suy nghĩ của bản thân về những vấn đề mình quan tâm. Thông qua đó, thầy cô có thể nắm bắt, giải thích cho học sinh hiểu hơn các vấn đề mà các em đang gặp phải.

Tại Diễn đàn về nhận diện và xóa bỏ tập tục văn hóa có hại do Hội LHPN Việt Nam tổ chức mới đây tại tỉnh Quảng Nam, em Y Rốt, một thành viên "Tổ truyền thông cộng đồng" và CLB "Thủ lĩnh của sự thay đổi" (tỉnh Kon Tum), cho biết:

Trẻ em gái, nữ thanh niên DTTS và miền núi hiện nay có điều kiện học hành tốt hơn, trình độ, hiểu biết cũng được nâng cao, có thể đảm đương vai trò là lực lượng xung kích trong tuyên truyền, vận động người thân trong gia đình, bà con trong buôn hiểu về những tập tục văn hóa có hại.

Em Đinh Thị Viên, học sinh Trường Tiểu học và THCS Sơn Giang (huyện Sơn Hà, Quảng Ngãi), trao đổi, chia sẻ suy nghĩ của bản thân trước nhóm bạn

Khi tham gia Tổ truyền thông và CLB, bản thân Y Rốt đã quyết liệt phản đối việc ba mẹ bắt em phải lấy chồng sớm. Thời gian qua, Y Rốt đã đến nhiều buôn, gặp nhiều bạn bè đồng trang lứa để chia sẻ, trao đổi về các vấn đề mà nữ thanh niên DTTS đang đối mặt.

"Em thường chọn những bạn trẻ để chia sẻ trước. Khi các bạn hiểu ra vấn đề, những tập tục có hại thì chính các bạn lại trở thành tuyên truyền viên trong gia đình mình, góp phần xóa bỏ những tập tục không còn phù hợp", Y Rốt chia sẻ.

Phát huy vai trò của thanh thiếu niên trong thúc đẩy bình đẳng giới

Tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, bên cạnh các phong tục, tập quán tốt đẹp, vẫn còn những hủ tục tồn tại trong cuộc sống của người dân như: Mời thầy cúng trị bệnh; cúng trả nợ người đã khuất; nạn thách cưới và "đòi của"; tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống…

Những vấn đề này cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó có tổ chức Hội LHPN. Bà Lê Thị Ánh Nguyệt, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Quảng Nam, cho biết, những năm qua, Hội LHPN tỉnh đã cụ thể hóa các nội dung thực hiện tuyên truyền phòng, chống tập tục lạc hậu, có hại, trong đó chú trọng tới đối tượng nữ thanh niên DTTS với các vấn đề tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Hội đã triển khai các mô hình Chi hội không có tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, với 39 mô hình hoạt động hiệu quả tại khu vực miền núi, có đông đồng bào DTTS.

Tại Diễn đàn nêu trên, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương cho biết, trong khuôn khổ Dự án 8, Hội LHPN Việt Nam đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, bộ, ngành tổ chức nhiều hoạt động nhằm phát huy vai trò của thanh thiếu niên trong thúc đẩy bình đẳng giới.

Cụ thể là triển khai Cuộc thi sáng tác sản phẩm truyền thông trên nền tảng số nâng cao nhận thức về bình đẳng giới vùng DTTS và miền núi với chủ đề "Rẻo cao hạnh phúc"; triển khai mô hình Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" tại địa bàn đặc biệt khó khăn của 40 tỉnh, thành vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Đây là một mô hình đặc thù, dành riêng cho trẻ em vùng DTTS và miền núi, với mục đích để trẻ em được tham gia chia sẻ, trang bị kiến thức, kỹ năng sống phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại, các kiến thức về giới, bình đẳng giới...

PVH

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây