Hội nghị được tổ chức tại Hà Nội, kết nối trực tuyến với các điểm cầu trên cả nước.
Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại Hà Nội, kết nối trực tuyến đến các điểm cầu với sự tham dự của gần 8000 đại biểu là các cán bộ, giáo viên phụ trách công tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng trên toàn quốc.
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Xuân An Việt - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT) - nhấn mạnh: Trong thời đại công nghệ 4.0, môi trường mạng đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống, đặc biệt với các em học sinh.
Bên cạnh những lợi ích to lớn mà công nghệ mang lại, môi trường mạng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, từ thông tin độc hại, lạm dụng dữ liệu cá nhân, đến các hành vi xâm phạm quyền trẻ em như bắt nạt, lừa đảo, và nguy cơ nghiện mạng.
Trẻ em, học sinh là đối tượng dễ bị tổn thương và cần được trang bị kiến thức, kỹ năng để tự bảo vệ mình trên môi trường mạng. Đồng thời, trách nhiệm của nhà trường, gia đình, và xã hội là tạo dựng một môi trường mạng lành mạnh, an toàn, giúp trẻ em phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần.
Ông Nguyễn Xuân An Việt phát biểu khai mạc hội nghị.
Các đại biểu dự hội nghị tập huấn.
Cả nước hiện có hơn 20 triệu trẻ mầm non, học sinh tiểu học, THCS, THPT. Trẻ em thuộc ngành giáo dục quản lý rất lớn, đây là thách thức lớn đối ngành trong việc bảo vệ các em trước các tác nhân xấu nói chung và trên môi trường mạng nói riêng.
Trong nhiều năm qua, Bộ GD&ĐT đã có nhiều giải pháp cụ thể, tích cực trong việc tuyên truyền, giáo dục, phòng ngừa, ngăn chặn các tác nhân xấu, độc trên môi trường mạng.
Đặc biệt, trong chương trình GDPT 2018, nội dung về an toàn trên không gian mạng không chỉ được thể hiện trong yêu cầu cần đạt của các môn học như Tin học, Giáo dục công dân (cấp THCS), Giáo dục kinh tế pháp luật (cấp THPT) mà còn trong hoạt động giáo dục bắt buộc là Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp với 105 tiết.
Các yêu cầu cần đạt nhấn mạnh vào việc trang bị kĩ năng tự bảo vệ bản thân, giao tiếp trên mạng xã hội, quy tắc ứng xử trên môi trường mạng cũng như các kĩ năng nhận diện và tố giác xâm hại trẻ em trên mạng.
Ngoài các nội dung đã có trong chương trình của các môn học và hoạt động giáo dục nêu trên, Bộ GD&ĐT cũng tổ chức triển khai xây dựng Khung năng lực số cho học sinh làm cơ sở để phát triển năng lực số cho học sinh ở các cấp học và tổ chức triển khai tập huấn giáo viên về phát triển năng lực số và kĩ năng chuyển đổi cho học sinh tại các nhà trường.
Báo cáo viên đến từ Bộ Công an trình bày chuyên đề tập huấn.
Gần 100 đại biểu tham dự trực tiếp tại điểm cầu Hà Nội.
Với mục đích nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, những người phụ trách công tác bảo vệ trẻ em nói chung và trên môi trường mạng nói riêng, hội nghị tập huấn được tổ chức nhằm cung cấp kiến thức và kỹ năng cần thiết để các thầy cô có thể hướng dẫn, bảo vệ trẻ em khỏi các tác nhân xấu độc.
Đây cũng là diễn đàn để thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm từ các mô hình hiệu quả, góp phần xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, an toàn; tăng cường sự phối hợp giữa các đơn vị giáo dục, gia đình và xã hội trong việc đảm bảo an toàn mạng cho trẻ em.
Tại hội nghị tập huấn, các báo cáo viên đã chia sẻ những nội dung cụ thể, những phương pháp, cách làm hay để giúp các thầy cô giáo có thêm kiến thức để áp dụng vào thực tế. Qua buổi tập huấn, các thầy cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục sẽ hiểu rõ hơn vai trò, trách nhiệm của mình và áp dụng những kiến thức, kỹ năng học được vào thực tế công việc.
Các đại biểu đã được nghe chuyên đề: "Bảo vệ trẻ em trên không gian mạng: Nhận diện nguy cơ và biện pháp phòng ngừa" của Đại tá, TS Nguyễn Hồng Quân, Cục A05, Bộ Công an; chuyên đề "Hướng dẫn đảm bảo an toàn thông tin, tham gia môi trường mạng an toàn đối với hoạt động giảng dạy, quản lý giáo dục" của TS. Lê Hoàn, giảng viên Khoa CNTT, Trường Đại học Điện lực.
Lan Anh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn