Dự thảo Luật Nhà giáo đang nhận được nhiều sự quan tâm của các cơ sở giáo dục đại học trước quy định kéo dài thời gian làm việc khi nghỉ hưu của các giáo sư và phó giáo sư. Thay vì chỉ được kéo dài 5 năm như hiện nay thì Khoản 4, Điều 31, Chương V tại Dự thảo Luật Nhà giáo quy định: "Thời gian làm việc khi nghỉ hưu ở tuổi cao hơn không quá 5 năm đối với nhà giáo có trình độ tiến sĩ, không quá 7 năm đối với nhà giáo có chức danh phó giáo sư, không quá 10 năm đối với nhà giáo có chức danh giáo sư".
Điểm mới này trong dự thảo được kỳ vọng sẽ góp phần khắc phục tình trạng thiếu hụt giảng viên chất lượng cao, đồng thời nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu tại các trường đại học.
Mang lại nhiều lợi ích quan trọng trong chiến lược phát triển nhân sự của các trường đại học
Ủng hộ điểm mới này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Bách - nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng nhận định, việc kéo dài thời gian giảng dạy sau tuổi nghỉ hưu lên 7 năm cho phó giáo sư và 10 năm cho giáo sư trong Dự thảo Luật Nhà giáo mang lại nhiều lợi ích quan trọng trong chiến lược phát triển nhân sự của các trường đại học.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Bách - nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng (Ảnh: Website nhà trường)
Theo thầy Bách, các giáo sư và phó giáo sư là người sở hữu kiến thức và kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực chuyên môn của mình. Khi họ tiếp tục công tác sau nghỉ hưu, họ có cơ hội truyền đạt kinh nghiệm và tri thức cho thế hệ giảng viên trẻ, góp phần xây dựng một đội ngũ kế cận vững mạnh, đáp ứng nhu cầu phát triển lâu dài của nhà trường.
“Theo tôi, các phó giáo sư và giáo sư lâu năm đóng vai trò then chốt trong việc dẫn dắt và phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh. Với kiến thức chuyên môn sâu rộng và kinh nghiệm nghiên cứu dày dạn, họ không chỉ là những người truyền tải tri thức mà còn là các nhà lãnh đạo, định hướng cho các nhóm nghiên cứu và hướng đi của các dự án quan trọng, thúc đẩy sự hợp tác liên ngành, tạo động lực và nuôi dưỡng tài năng trẻ, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng nghiên cứu, đảm bảo tính liên tục và phát triển bền vững của nhóm nghiên cứu”, thầy Bách khẳng định.
Thêm vào đó, việc kéo dài thời gian làm việc của các giáo sư và phó giáo sư có khả năng đáp ứng tốt nhu cầu ngày càng cao về chất lượng giảng viên trong đào tạo sau đại học, đảm bảo chuẩn đội ngũ theo quy định, đồng thời mở ra nhiều cơ hội cho nhà trường tăng cường các chương trình đào tạo tiên tiến và thúc đẩy hợp tác quốc tế. Quy định này, nếu được áp dụng linh hoạt, sẽ là động lực đưa nhà trường phát triển mạnh mẽ, đạt được mục tiêu hội nhập và cạnh tranh quốc tế trong giáo dục, xây dựng nên một đội ngũ giảng viên có tính bền vững và chất lượng cao.
Đồng quan điểm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Anh Huy - Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, thực tế, đội ngũ phó giáo sư và giáo sư với kiến thức sâu rộng và kinh nghiệm phong phú là những nhân tố quan trọng trong việc định hướng nghiên cứu, phát triển các đề tài có giá trị ứng dụng cao.
Nếu Dự thảo Luật Nhà giáo được thông qua, điểm mới này sẽ là cơ hội để nhà trường tận dụng tối đa tri thức của đội ngũ giảng viên cao cấp trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, cũng như mở rộng các hoạt động hợp tác nghiên cứu, góp phần nâng cao vị thế của nhà trường.
Ngoài ra, thầy Huy cho rằng đội ngũ giáo sư, phó giáo sư với kinh nghiệm giảng dạy và nghiên cứu lâu năm sẽ góp phần ổn định, nâng cao chất lượng đào tạo, đặc biệt trong các chương trình sau đại học. Họ không chỉ hỗ trợ phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh mà còn giúp đào tạo sinh viên và nghiên cứu sinh, thúc đẩy việc tạo ra các công trình khoa học có giá trị.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Anh Huy - Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội. Ảnh: website nhà trường
Bên cạnh đó, việc kéo dài thời gian giảng dạy của các giảng viên có trình độ cao này còn giúp đào tạo thế hệ kế cận khi họ có thêm thời gian để hướng dẫn, chuyển giao kiến thức và kinh nghiệm cho các giảng viên trẻ.
Đây sẽ là lợi thế giúp cho nhà trường có thể tăng cường chương trình nghiên cứu hợp tác với các doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước, phát triển các khóa học chuyên sâu và dự án nghiên cứu có sự tham gia của đội ngũ giáo sư, phó giáo sư, từ đó tạo môi trường học thuật năng động cho sinh viên và giảng viên trẻ.
Như vậy, nhà trường sẽ có điều kiện đẩy mạnh cả chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học, khai thác tối đa kinh nghiệm và tri thức của đội ngũ giảng viên là giáo sư, phó giáo sư.
“Hy vọng quy định này sẽ sớm được ban hành chính thức và mang lại lợi ích thực tiễn cho các trường đại học, đặc biệt là trong công tác đào tạo sau đại học và phát triển nghiên cứu khoa học”, Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội bày tỏ.
Trong khi đó, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải cũng đồng tình rằng, trong bối cảnh hiện nay, khi Việt Nam đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt giảng viên chất lượng cao, quy định kéo dài thời gian giảng dạy cho giáo sư và phó giáo sư sau tuổi nghỉ hưu là một giải pháp cần thiết.
Thầy Hùng cho biết, trong khi nhiều nước trên thế giới cho phép các giáo sư cống hiến trọn đời tại các trường đại học, thì tại Việt Nam, việc gia hạn thời gian làm việc thêm 7 năm cho phó giáo sư và 10 năm cho giáo sư sẽ là bước tiến quan trọng để đảm bảo đội ngũ giảng viên chất lượng cho các cơ sở giáo dục.
Theo thầy Hùng, quy định kéo dài thời gian làm việc khi nghỉ hưu hiện nay tạo ra rào cản không nhỏ cho các trường công lập, đặc biệt khi các giáo sư và phó giáo sư sau nghỉ hưu có thể chuyển sang công tác tại các cơ sở ngoài công lập. Điều này dễ dẫn đến hiện tượng “chảy máu chất xám” từ công sang tư.
Ngoài ra, các đơn vị ngoài công lập tuy có thể thu hút được đội ngũ nhân lực chất lượng cao về làm việc, nhưng thường chỉ tập trung ở số ít các ngành, nghề được đào tạo tại trường đã dẫn đến lãng phí nguồn nhân lực chất lượng cao.
Một số trường đại học công lập mất dần đội ngũ nhân lực chất lượng cao để mở ngành và duy trì ngành hay vai trò tiên phong trong việc dẫn dắt, định hướng các nhóm nghiên cứu, dẫn đến khó cạnh tranh với các trường tư thục.
Riêng đối với Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải, thầy Hùng đánh giá cao vai trò của đội ngũ giáo sư và phó giáo sư trong việc thực hiện chiến lược phát triển của nhà trường. Những thầy cô không chỉ mang lại năng lực giảng dạy và nghiên cứu xuất sắc mà còn là những người có uy tín cao trong cộng đồng khoa học quốc tế, tạo sức hút cho nhân tài, nhất là các giảng viên trẻ. Sự kết hợp giữa kinh nghiệm của đội ngũ giảng viên lâu năm và sự năng động của thế hệ trẻ là điều quan trọng để duy trì và phát triển nguồn lực học thuật của nhà trường.
Từ năm 2015, Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải đã thành lập nhóm nghiên cứu mạnh đầu tiên, và đến nay đã có 8 nhóm nghiên cứu lớn với nhiều công trình khoa học nổi bật, trong đó có hơn 150 bài báo quốc tế đăng tải trên các tạp chí ISI và Scopus hằng năm. Các nhóm nghiên cứu là cầu nối quan trọng trong việc hợp tác với các doanh nghiệp, viện nghiên cứu và các trường đại học lớn ở Việt Nam và trên thế giới; tạo môi trường gắn kết đào tạo với nghiên cứu khoa học, từ đó đào tạo nhân tài vừa có tính tất yếu, vừa là mục tiêu, phương thức phát triển của nhà trường theo định hướng ứng dụng – thực học – thực nghiệp.
Đa số thành viên trong các nhóm nghiên cứu đều là các giáo sư, phó giáo sư và tiến sĩ. Sự dẫn dắt của các trưởng nhóm giàu kinh nghiệm là yếu tố then chốt để các nhóm ngày càng khẳng định uy tín khoa học.
Thầy Hùng nhấn mạnh rằng, với sự hỗ trợ và dẫn dắt của đội ngũ giảng viên cao cấp, các nhóm nghiên cứu mạnh sẽ tiếp tục phát triển, trở thành môi trường lý tưởng cho việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải. Ảnh: Website nhà trường
Giải pháp cho tình trạng thiếu hụt giảng viên trong các ngành đặc thù
Bàn sâu hơn về tình trạng thiếu hụt giảng viên chất lượng cao, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ, việc ban hành quy định mới về việc kéo dài thời gian làm việc sau khi nghỉ hưu như trong Dự thảo Luật Nhà giáo là giải pháp kịp thời giúp các trường đại học hạn chế tình trạng này, nhất là trong các lĩnh vực đặc thù như công nghệ thông tin, vận tải hay đường sắt, nơi mà việc tìm kiếm người thay thế không hề dễ dàng.
Khi dự thảo được thông qua, các trường sẽ có thêm thời gian để bồi dưỡng đội ngũ giảng viên trẻ kế cận, góp phần củng cố uy tín học thuật và nâng cao chất lượng giảng dạy trên trường quốc tế.
Trước một số ý kiến cho rằng giảng viên lớn tuổi có thể khó thích ứng với các kiến thức mới, thầy Hùng cho rằng cần đánh giá vấn đề này một cách công bằng. Đây là những người giàu kinh nghiệm và có trình độ cao, là nguồn nhân lực quý giá của các cơ sở giáo dục đại học. Sự phát triển của đội ngũ giảng viên phải dựa trên sự kết hợp hài hòa giữa kinh nghiệm của giảng viên lớn tuổi và sức trẻ, sự sáng tạo của thế hệ giảng viên mới.
Tuy nhiên, thầy Hùng cũng thừa nhận rằng quỹ lương dành cho đội ngũ trình độ cao có thể là một thách thức đối với một số trường. Riêng Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải luôn sẵn sàng duy trì và phát triển đội ngũ trình độ cao cho các ngành mà nhà trường có nhu cầu và các cá nhân có nguyện vọng cống hiến.
Đội ngũ giảng viên Khoa Luật - Chính trị, Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải. Ảnh: NTCC
Trong bối cảnh Nghị quyết số 45-NQ/TW đang khuyến khích phát huy vai trò của đội ngũ trí thức để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước bền vững, điều quan trọng là các trường phải tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ này có cơ hội cống hiến và phát huy năng lực.
Đồng thời, theo quy định tại Nghị định 50/2022/NĐ-CP, một trong những điều kiện để viên chức nghỉ hưu ở tuổi cao hơn là nếu đơn vị sự nghiệp công lập có nhu cầu.
“Trong xu thế tự chủ hiện nay, các cơ sở giáo dục đại học không chỉ tự chủ về tài chính mà còn phải tự chủ về nguồn nhân lực. Tuy nhiên, việc quy định hiện nay về việc kéo dài thời gian làm việc của giáo sư, phó giáo sư vẫn là một rào cản đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập, trong đó có cả các ngành đặc thù. Do đó, cần có sự linh hoạt, để cho các trường tự quyết trong việc thu hút giáo sư, phó giáo sư về giảng dạy cho phù hợp với chiến lược phát triển của các trường”,
Theo quan điểm của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Bách, việc quy định kéo dài thời gian làm việc của các giáo sư và phó giáo sư có thể là giải pháp hiệu quả để nhà trường khắc phục tình trạng thiếu hụt nhân lực chất lượng cao, nhất là trong những ngành đặc thù mà việc thay thế nhân sự rất khó khăn. Điều này không chỉ giúp đảm bảo chất lượng học thuật mà còn nâng cao uy tín giảng dạy của nhà trường ở cả trong nước và quốc tế.
Thầy Bách góp ý thêm, để quy định này đạt được hiệu quả tối đa, Luật Nhà giáo nên quy định chung về việc kéo dài thời gian làm việc cho giảng viên cao cấp, còn quyền quyết định cụ thể sẽ giao cho các trường để họ tự chủ trong chiến lược nhân sự.
Sự linh hoạt và có điều kiện trong quy định sẽ giúp tận dụng kinh nghiệm của giảng viên lâu năm, đồng thời tạo điều kiện cho giảng viên trẻ phát triển, xây dựng đội ngũ giảng viên vừa chất lượng vừa cân bằng, đáp ứng yêu cầu hội nhập trong thời đại mới.
Châu Anh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn