Học thật - thi thật trong đào tạo lái xe ô tô

Thứ ba - 26/11/2024 18:50
 

Tăng chất lượng, giảm tiêu cực

Thông tư 04/2022 được Bộ GTVT ban hành vào năm 2022 được coi như cuộc "cách mạng" của việc dạy và học lái xe khi yêu cầu từ ngày 15/6, học viên phải hoàn thành quãng đường lái xe thực tế trên nhiều hơn cùng thiết bị giám sát người lái và quãng đường (DAT).

Đến tháng 1/2023, việc đào tạo lái xe còn tiếp tục được nâng tầm lên 1 bước khi các trung tâm buộc phải trang bị cabin mô phỏng phục vụ việc giảng dạy.

Với những bài tập cơ bản như cách vận hành xe, các bài tập như bài sa hình thi sát hạch, lái xe trên các địa hình phức tạp hơn như đường đồi núi, đường cao tốc, đường trong thành phố...giúp học viên được làm quen với các điều kiện địa hình khác nhau, nâng cao với kỹ năng điều khiển phương tiện.

Ông Lương Duyên Thống, Trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái, Cục Đường bộ VN cho biết, nhờ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản lý đào tạo lái xe là giải pháp quan trọng giúp nâng cao chất lượng dạy và học, đưa công tác này xích lại gần với nhiều nước tiên tiến trên thế giới.

Công nghệ giúp người học được học bổ sung thêm các nội dung đào tạo mới để tăng kỹ năng lái xe trên đường cũng như đảm bảo được chương trình đào tạo lái xe theo quy định. Để đạt kết quả cao, học viên cần tham gia đầy đủ các nội dung đào tạo theo quy định, thực hiện giám sát các nội dung học theo đúng hợp đồng đã ký với các cơ sở đào tạo lái xe để đảm bảo quyền lợi.

"Áp dụng công nghệ không phải là làm khó học viên mà nhằm siết chặt hơn công tác đào tạo lái xe, nhằm tạo ra đội ngũ lái xe có đủ kỹ năng điều khiển và xử lý các tình huống mất an toàn, góp phần đảm bảo trật tự ATGT", ông Thống nói.

Tự tin lái xe ra đường an toàn

Chia sẻ về thời gian học lái xe vừa qua của mình, chị Nguyễn Thùy Dung (30 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, với thiết bị DAT và phần mềm mô phỏng tôi được "tạo điều kiện" để cầm vô lăng nhiều hơn. Khi có GPLX vào tháng 6 vừa qua, tôi đã cùng bạn bè lái xe chuyến đi du lịch mà không hề "run tay".

"Thật may mắn khi được thực hành đến hơn 800km trên đủ các cung đường nên lái thực tế không hề bỡ ngỡ. Nếu học như trước đây được học thực hành ít thì chắc chắn tôi không dám cầm vô lăng ra đường chứ chưa nói đến việc đi cung dài. Tôi nghĩ sau này học viện được thực hành cả trên cabin ảo nữa thì quá tuyệt vời", chị Dung nói.

Anh Tống Văn Thuận, giáo viên dạy lái xe tại Trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe Đông Đô nhìn nhận, ý thức và năng lực của người học lái xe ô tô là vấn đề khá nhức nhối trong thời gian vừa qua, trong đó không ít nơi "học chui, học tắt", chạy không đủ km. Khi có máy móc giám sát sẽ giúp người học nghiêm túc rèn giũa hơn ngay từ lúc mới bắt đầu ôm vô lăng. Người dạy cũng không thể "tặc lưỡi" vô trách nhiệm được.

"Hơn ai hết, thầy giáo dạy lái chính là những người đầu tiên tiếp xúc với học viên trong quá trình hình thành kiến thức, kỹ năng và đặc biệt là ý thức khi lái xe. Nếu thầy lái ẩu, hấp tấp khi dạy; rồi còn vượt ẩu, chửi bậy, vứt rác bừa bãi ra đường... thì làm sao đòi hỏi học viên của mình có ý thức tốt khi tham gia giao thông sau này được? Do vậy, thầy trước hết phải chuẩn mực trong mọi tình huống dù là nhỏ nhất", anh Thuận chia sẻ.

Các chuyên gia cho rằng, việc siết chặt quản lý dạy và học lái xe là điều cần thiết, hạn chế tối đa việc học qua loa, hình thức và góp phần đảm bảo an toàn cho cộng đồng cũng như chính bản thân những tài xế sau này.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN cho rằng, công nghệ không làm khó học viên mà giúp nâng cao kỹ năng và giảm tai nạn giao thông. "Việc sử dụng thiết bị hiện đại giúp đào tạo đội ngũ lái xe có khả năng xử lý tình huống nhanh nhạy, tránh các nguy cơ mất an toàn khi tham gia giao thông. Chất lượng đào tạo lái xe nâng cao rõ rệt. Học viên sau khi được cấp bằng thì rất tự tin cầm lái", ông Quyền nói.

Nhờ thiết bị chấm điểm tự động, tỷ lệ vượt qua kỳ sát hạch giảm từ 80-85% (khi còn thi thủ công) xuống còn khoảng 65-70% tùy từng trung tâm, phản ánh sát thực trình độ của học viên. Điều này không chỉ đảm bảo chất lượng đội ngũ lái xe mà còn hạn chế các tiêu cực trong sát hạch. Như vậy, việc ứng dụng công nghệ vào đào tạo và sát hạch lái xe vừa đáp ứng yêu cầu thực tế, đồng thời hướng tới mục tiêu lâu dài là xây dựng môi trường giao thông an toàn, minh bạch và hiện đại hơn.

PV

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây