Cần chính sách đặc thù

Thứ tư - 13/11/2024 05:50
 

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn tại nghị trường Quốc hội khi được thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình về Dự án Luật Nhà giáo.

Người đứng đầu ngành giáo dục khẳng định quan điểm: Đảng và Nhà nước luôn xác định giáo viên là yếu tố quan trọng nhất, nền tảng nhất, cốt lõi nhất quyết định chất lượng giáo dục. Vì vậy, phát triển lực lượng đủ về số lượng, tốt về chất lượng, đồng bộ về cơ cấu là việc sống còn của ngành giáo dục.

Thực tế, chính sách đặc thù thu hút nhân tài vào ngành giáo dục đã và đang thực hiện cho thấy hiệu quả khá rõ rệt. Cụ thể, những năm gần đây, nhất là từ khi Nghị định 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ tiền học phí và chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm có hiệu lực, ngành sư phạm có sức hút hơn so với trước đây.

Bởi ngoài miễn học phí, sinh viên sư phạm còn được hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng sinh hoạt phí trong thời gian học. Bộ GD&ĐT cũng liên tục đề xuất cơ chế ưu đãi cho nhà giáo về lương, phụ cấp và chính sách đi kèm nhằm giúp nhà giáo yên tâm và tận tâm cống hiến cho nghề.

Trong Dự án Luật Nhà giáo, lương nhà giáo được xếp cao nhất trong thang bậc lương hành chính sự nghiệp; được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề, các phụ cấp khác theo tính chất công việc và theo vùng. Nhà giáo tuyển dụng, xếp lương lần đầu còn được tăng một bậc lương trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Giáo viên là viên chức đặc biệt, ngoài được hưởng đầy đủ quyền lợi và chính sách chung của viên chức thông thường, còn có các chế độ ưu đãi riêng để nâng cao vị thế và thu hút nhân tài...

Nghị quyết số 29-NQ/TW của T.Ư về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã đặt ra nhiệm vụ "phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo", trong đó chủ trương của Đảng là "có chế độ ưu đãi đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục”. Kết luận 91-KL/TW của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW cũng khẳng định “tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về giáo dục và đào tạo, tháo gỡ những điểm nghẽn” và yêu cầu “sớm xây dựng Luật về nhà giáo”.

Tuy nhiên, thống kê của Bộ GD&ĐT cho thấy, tình trạng giáo viên nghỉ việc diễn ra phổ biến. Từ tháng 8/2023 đến tháng 4/2024, cả nước có hơn 7.200 giáo viên nghỉ việc, chuyển việc. Vậy nhưng, bằng nhiều chính sách mới với sinh viên sư phạm và ngành giáo dục, mùa tuyển sinh năm 2024, sư phạm là 1 trong 4 ngành học có số lượng thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển tăng cao nhất, lên đến 85% so với năm ngoái (tương đương khoảng 200.000 nguyện vọng), dẫn đến điểm chuẩn ngành sư phạm tăng cao. Nhiều học sinh giỏi tự hào khi quyết định chọn và gắn bó với ngành sư phạm. Nghĩa là ngành học này đang dần khẳng định được vị thế trong xã hội cũng như trong hệ thống các ngành nghề hiện nay.

Nhà giáo là nguồn nhân lực chất lượng cao, bộ phận quan trọng trong đội ngũ trí thức của đất nước, lực lượng nòng cốt của ngành giáo dục. Bởi thế, thực hiện chính sách đặc thù để thu hút nhân tài vào ngành sư phạm là định hướng đúng và cần sớm được thực hiện để góp phần bảo đảm chất lượng giáo dục, chất lượng nguồn nhân lực; nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; góp phần quan trọng trong việc xây dựng xã hội học tập, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Quý Minh

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây